TÌM HIỂU VỀ BỆNH CHỐC Ở TRẺ

Bệnh chốc là tình trạng nhiễm trùng da hay gặp và có tính lây lan cao, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em.

Các biểu hiện của bệnh chốc

*Biểu hiện chủ yếu của bệnh chốc ban đầu là các dát đỏ xung huyết, kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên nền da đỏ, thường ở xung quanh mũi và miệng. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao (từ chân bọng nước lên).

Vài giờ hoặc vài ngày sau, các sang thương này nhanh chóng dập vỡ, rỉ dịch trong một vài ngày và sau đó hình thành các vảy tiết màu vàng nâu/ màu mật ong. Các sang thương này có thể lan ra các khu vực xung quanh cơ thể thông qua tiếp xúc, áo quần và khăn tắm. Ngứa và đau nhức nhìn chung mức độ nhẹ. Vì là tổn thương nông trên bề mặt da nên khi khỏi không để lại sẹo hoặc chỉ tăng sắc tố sau viêm.

*Một dạng ít phổ biến hơn được gọi là bệnh chốc bỏng nước hình thành từ những phồng rộp lớn hơn ở thân, cánh tay và chân của trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. 

*Chốc loét là một dạng tổn thương nghiêm trọng gây ra các sang thương chứa đầy dịch và mủ, dần dần hình thành vết loét sâu dưới da. Nguyên nhân hay gặp do liên cầu nhưng thường kết hợp cùng tụ cầu vàng. Bọng nước hoặc mụn mủ trên nền da đỏ. Khi khô thành vảy cứng khó bong, xung quanh là nền da phù nề đỏ. Lớp vảy bong để lại vết loét có mủ.

Biểu Hiện Của Bệnh Chốc Ở Trẻ
Biểu hiện của bệnh chốc ở trẻ

Điều trị kháng sinh: cho cả tụ cầu vàng và liên cầu, nên dùng kháng sinh toàn thân

Nguyên nhân

Bệnh chốc do vi khuẩn gây ra, trong đó liên cầu là hay gặp nhất, có thể có tụ cầu vàng. Chúng ta có thể tiếp xúc với các loại vi khuẩn gây bệnh gián tiếp thông qua các sang thương của người nhiễm bệnh hoặc đồ đạc của họ như quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và thậm chí là đồ chơi

Yếu tố nguy cơ

– Tuổi: phổ biến nhất ở trẻ độ tuổi 2-5 tuổi

– Tiếp xúc gần: Bệnh chốc lây lan dễ dàng cho thành viên trong nhà, nơi đông đúc như trường học, các cơ sở chăm sóc trẻ, tham gia các hoạt động thể thao có tiếp xúc gần

– Thời tiết ẩm ướt

– Da bị tổn thương: Vi khuẩn gây chốc thường xâm nhập vào da thông qua những tổn thương nhỏ, vết cắn côn trùng hoặc ban.

– Khác: Trẻ em mắc bệnh viêm da cơ địa có khả năng mắc chốc. Người mắc đái tháo đường hoặc người suy giảm miễn dịch cũng có khả năng mắc bệnh.

Biến chứng

Bệnh chốc thường không nguy hiểm. Và các sang thương nhiễm trùng mức độ nhẹ thường tự lành mà không để lại sẹo.

Một số biến chứng hiếm gặp hơn gồm:

– Viêm mô bào: nhiễm trùng tác động đến mô dưới da và cuối cùng lan đến các hạch bạch huyết và máu

– Vấn đề thận:tổn thương thận

– Sẹo: sang thương dạng loét có thể để lại sẹo

Điều trị

– Tại chỗ: mupirocin, tyrothricin, fucidin (hay dùng) bôi sang thương 2-3 lần/ ngày, bôi trong 5-10 ngày.

– Toàn thân: kháng sinh nhạy với tụ cầu vàng và liên cầu. Điều trị kháng sinh có thể hạn chế tình trạng lây lan của bệnh chốc ra những nơi khác. Cách ly trẻ tại nhà hoặc cơ sở chăm sóc y tế cho đến khi không còn khả năng lây lan, thường 24 tiếng sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh.

THAM KHẢO Mayo Clinic

Để được thăm khám khi có các biểu hiện về Nhi khoa tại phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868