LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT

Liệt dây thần kinh mặt (liệt dây thần kinh VII ngoại biên) là bệnh lý khá phổ biến, có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ mặc dù các phương tiện để chẩn đoán hiện nay rất hiện đại.
Năm 1830, ông Charles Bell lần đầu tiên mô tả yếu liệt mặt một bên. Từ đó liệt mặt mắc phải mà không rõ nguyên nhân thường có tên gọi là liệt Bell.
Dây thần kinh mặt có cấu trúc khá phức tạp về mặt giải phẫu và chức năng, do đó dễ bị các rối loạn thần kinh ở các vị trí tổn thương tương ứng.
Khoảng ½ trường hợp liệt Bell không rõ nguyên nhân. Các căn nguyên đặc hiệu gây liệt dây thần kinh mặt có thể xác định được bao gồm bẩm sinh, nhiễm trùng, khối u ác tính, chấn thương, mạch máu, sau các phẫu thuật vùng mặt và không rõ căn nguyên..
Một số căn nguyên nhiễm trùng có thể gây ra liệt mặt gồm: viêm tai giữa, nhiễm virus Herpes, nhiễm HIV, thủy đậu, quai bị, cúm….Ngoài ra có thể có một số căn nguyên do chuyển hóa như đái tháo đường, cường giáp, mang thai, tăng huyết áp, thiếu vitamin A

1. BIỂU HIỆN BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT

Bệnh nhân liệt dây thần kinh mặt thường khởi phát các triệu chứng cấp tính với liệt mặt một bên.
Các biểu hiện phổ biến gồm mất nếp nhăn trán, cung mày bên liệt thấp hơn, mắt bên liệt nhắm không kín, mất/ mờ rãnh mũi má bên liệt, nhân trung bị kéo sang bên lành..
Một số biểu hiện khác như giảm tiết nước mắt, giảm ngưỡng nghe, có thể mất vị giác ở 2/3 trước của lưỡi..
Chẩn đoán liệt Bell dựa vào các tiêu chuẩn sau:
– Liệt mang tính chất lan tỏa ở tất cả các nhánh xa của dây thần kinh mặt
– Khởi phát cấp tính, trong vòng 1 hoặc 2 ngày. Bệnh tiến triển dần, nặng dần trong thời gian dưới 3 tuần, sau đó sẽ phục hồi dần trong thời gian 6 tháng
– Có một số biểu hiện trước đó như đau tai hoặc nghe kém hơn (có thể có hoặc không)
liệt dây thần kinh mặt

2. CÁC TEST ĐỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT

Một số test để xác định các căn nguyên có thể gặp trong 1 số trường hợp triệu chứng không rõ ràng. Ví dụ:
– Có các triệu chứng của các dây thần kinh khác, biểu hiện thần kinh kèm theo
– Các triệu chứng hệ thống như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, ban da, chấn thương…
– Triệu chứng khởi phát đột ngột nhưng không có tiến triển
– Tiến triển bệnh vượt quá 3 tuần
– Không cải thiện triệu chứng trong vòng 4 tháng
Một số test ví dụ như CT, MRI, chọc dịch não tủy hay đo điện não đồ trong các bệnh cảnh nghi ngờ
LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT Ảnh minh họa

3. ĐIỀU TRỊ BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT

3.1. Chăm sóc mắt
– Bảo vệ giác mạc
– Sử dụng nước mắt nhân tạo để nhỏ trong ngày, mỡ tra mắt buổi tối và băng mắt lại
3.2. Thuốc
– Nếu chẩn đoán liệt Bell mắc phải mà không rõ căn nguyên, khuyến cáo sử dụng corticoid uống
– Điều trị nên bắt đầu trong vòng 3 ngày từ khi khởi phát triệu chứng. Liều prednisolon 1-2 mg/kg/ ngày, trong vòng 5 ngày, sau đó giảm liều trong 5 ngày tiếp theo
– Một số phác đồ kết hợp như prednisolone kết hợp với valacyclovir 20 mg/kg/ liều, 3 lần mỗi ngày (tối đa 1000mg mỗi liều) trong 1 tuần để giảm nguy cơ các di chứng lâu dài.
Tuy nhiên ở người lớn khá hiệu quả, còn trẻ em bằng chứng còn hạn chế.
3.3. Các phương pháp điều trị phối hợp khác như vật lý trị liệu, châm cứu cùng với các bài tập cơ mặt sẽ mang đến hiệu quả toàn diện cho người bệnh.
3.4. Điều trị nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt

4. TIÊN LƯỢNG BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH MẶT

Tùy thuộc từng căn nguyên mà tiên lượng bệnh khác nhau. Hầu hết bệnh nhân liệt Bell sẽ hồi phục tương đối tốt, gần như hoàn toàn, hoặc có các rối loạn chức năng nhưng rất ít.
BS Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur