Kinh Doanh Tử Tế – Giữ Được Không?

KINH DOANH TỬ TẾ – GIỮ ĐƯỢC KHÔNG?

Tôi vốn là một bác sĩ nội trú trẻ, luôn có quan điểm rằng bản thân chỉ cần tập trung mày mò, nghiên cứu chuyên môn, làm việc tại các bệnh viện công hoặc tư, tận tâm khám và chữa bệnh cho bệnh nhân là đủ rồi.

Khi còn là người đi làm thuê, những cuộc họp đằng đẵng, những biên bản, quy định, quy tắc đối với bác sĩ khi cho chỉ định, khi điều trị, hồ sơ bệnh án chống bảo hiểm y tế xuất toán… khiến không chỉ tôi, mà các đồng nghiệp khác cũng trở nên quay cuồng.

Thậm chí, chúng tôi còn được yêu cầu “Tăng cho chỉ định cận lâm sàng hoặc thuốc, bệnh nhân rất thích được cho nhiều chỉ định cận lâm sàng và thuốc. Bởi lẽ, bệnh nhân cảm thấy họ được điều trị tốt, dù có những chỉ định thật sự không cần thiết”. Tôi nghĩ, sao có thể yêu cầu như vậy?

Nhưng tôi từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân dù được chẩn đoán khỏe mạnh nhưng vẫn yêu cầu bác sĩ cho làm xét nghiệm máu hoặc cho thuốc uống.

“Cứ cho tôi làm xét nghiệm máu hoặc chụp phim cũng được!”

“Sao không cho làm gì hết mà đã khám xong rồi?”

“Không có thuốc hả bác sĩ, cho mấy loại thuốc bổ cũng được!”

Dĩ nhiên, vì chất lượng dịch vụ, vì sự hài lòng của khách hàng, chúng tôi không từ chối những điều “vô hại” đó.

Đến khi quản lý phòng khám của riêng mình với quy mô và vốn đầu tư lớn, tôi càng đặt ra nhiều câu hỏi: làm thế nào để cân bằng chi phí, doanh thu, chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của bệnh nhân và đặc biệt là hiệu quả điều trị… Và tất tần tật vòng tròn cung – cầu, nhân lực, tiền lương, chất lượng, giá trị… cứ bủa vây tôi.

Kinh Doanh Tử Tế

Tôi nhận ra rằng, làm kinh doanh là phải có mối quan hệ tốt, phải biết nhậu nhẹt, phải biết chiều lòng và chiết khấu cao cho chủ doanh nghiệp để họ chọn các gói khám sức khỏe. Nghe thật buồn, nhưng đó là thực tế, nhất là đối với các công ty có hàng ngàn công nhân, áp lực chi phí rất lớn và họ đành phải o ép các chi phí để bảo đảm chi tiêu không vượt quá kiểm soát.

Từ làm thuê đến lúc làm chủ một phòng khám lớn, tôi vẫn luôn canh cánh câu hỏi: Làm thế nào để giữ được sự tử tế trong kinh doanh?

Thực tế, không ai phản đối việc thực hiện một giao dịch có lời cả. Nhưng điều khiến chúng ta ghi nhớ và đánh giá cao lại là những cử chỉ nhỏ nhặt thể hiện sự tử tế và cảm thông, bởi nó đem lại một chút “tình người” vào cái thế giới kim tiền mà hằng ngày hằng giờ chúng ta phải lăn lộn trong đó.

Khi chúng tôi chấp nhận cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho bạn, chúng tôi thực hiện đầy đủ quy trình khám và điều trị chất lượng. Chúng tôi không hề bỏ sót bất kỳ giai đoạn nào của quy trình. Chúng tôi cẩn thận với từng tư vấn, từng chỉ định và bảo đảm bệnh nhân hiểu rõ vì sao cần phải có chỉ định này. Chúng tôi cũng sẵn sàng chuyển bạn đến một đơn vị chuyên sâu, hoặc một bác sĩ tốt hơn nếu điều đó mang lại hiệu quả cho sức khỏe của bạn, dù những bác sĩ đó, những đơn vị đó không thuộc phòng khám chúng tôi.

Bởi vì, tôi là một bác sĩ, tôi có lòng tự trọng của một người thầy thuốc khi bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe tâm huyết của mình. Việc giao dịch đơn thuần dựa trên mối quan hệ mà không quan tâm đến chất lượng thật sự là điều tồi tệ vô cùng đối với tôi. Và chính vì tôi cũng như những người sáng lập Pasteur Clinic đều là bác sĩ, nên việc cho quá chỉ định hay lạm dụng nó cũng làm chúng tôi day dứt.

Kazuo Inamori, người sáng lập tập đoàn điện tử Kyocera và nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn thứ hai Nhật Bản – KDDI, nguyên Chủ tịch Japan Airlines cho rằng, chìa khóa cho những kết quả phi thường của nền kinh tế Nhật Bản là cách sống đúng đắn, triết lý kinh doanh bằng sự tử tế.

Tôi thích triết lý của Kazuo Inamori rằng, con đường dẫn đến thành công bằng sự kinh doanh tử tế dài hơn, khó khăn hơn, nhưng sẽ là con đường bền vững thông qua 3 yếu tố: cách nghĩ, sự nỗ lực và tài năng.

Tôi không kỳ vọng mình sẽ thành công như Kazuo Inamori, cũng không kỳ vọng tạo ra những kết quả phi thường, mà chỉ muốn theo đuổi phương châm kinh doanh của mình: kinh doanh tử tế. Cú ngã đau đớn của Khaisilk đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ: kinh doanh lươn lẹo thì thành công nhanh chóng nhưng chẳng thể lừa dối khách hàng mãi được.

Tôi cũng thích câu chuyện Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc dành cho nhân viên nam chính sách nghỉ phép có lương trong một tháng khi họ được làm cha; hay chuyện Starbucks mở một cửa hàng ở Kuala Lumpur (Malaysia) để ưu tiên tuyển dụng nhân viên khiếm thính…

Và còn rất nhiều câu chuyện khác, để từ đó tôi có suy nghĩ: Xã hội sẽ vì có tôi, có bạn làm điều tốt mà thay đổi tích cực hơn một chút, dù chỉ một chút thôi! Có thể bạn sẽ cảm thấy buồn cười khi tôi có suy nghĩ này chăng?

Tôi nhớ lời một cô gái – một luật sư đã có buổi diễn thuyết về ý nghĩa tồn tại của một người như sau:

“Việc mà tất cả tôi và bạn đều làm được. Đó là chúng ta trên chặng đường trưởng thành của mình, nhất định, nhất định đừng biến chất. Đừng biến thành loại người lớn mà khi còn trẻ chúng ta căm hận, ghét bỏ nhất.

Nếu sau này bạn mở một quán ăn vỉa hè, đừng bán thức ăn làm từ dầu mỡ bẩn, đừng buôn gian bán lận. Tương lai nếu bạn là chủ doanh nghiệp, đừng cắt xén nguyên vật liệu, đừng làm kém chất lượng. Mỗi người chỉ cần làm tốt ở vị trí “bình thường” của mình đã là một việc vô cùng ý nghĩa rồi.

Bởi vì, mỗi chúng ta khi sinh ra đã đều có khả năng thay đổi thế giới. Tôi là người học luật, mai này nếu tôi là một thẩm phán công minh, xã hội sẽ vì có tôi là một thẩm phán tốt mà thay đổi tích cực hơn một chút!”.

Ông chủ Amazon Jeff Bezos cho rằng, “sự thông minh là một món quà, còn sự tử tế là một lựa chọn. Dù thông minh rất có ích nhưng sự tử tế mới là vô giá trong hành trình đi đến thành công”. Vậy thì chẳng có lý do gì để chúng ta không lựa chọn sự tử tế trong kinh doanh, dù giữ được sự tử tế là điều vô cùng khó khăn.

Còn bạn, bạn nghĩ gì về sự tử tế trong kinh doanh?

Thạc sĩ – bác sĩ NGUYỄN THÀNH TRUNG
Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng