Dậy thì sớm: Sự thật về sữa và các yếu tố nguy cơ

Dậy thì sớm là một tình trạng đáng lo lắng cho trẻ em ngày nay do những ảnh hưởng lên sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ. Vài thập kỷ qua, dậy thì sớm có xu hướng tăng lên và trở thành một vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Một số quan điểm cho rằng uống nhiều sữa công thức là nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm. Vậy quan điểm trên có đúng không? Cùng tìm hiểu về dậy thì sớm, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của tình trạng này nhé!

1. Thế nào là quá trình dậy thì bình thường?

Vùng hạ đồi là nơi sản xuất hormon (còn gọi là nội tiết tố) gonadotropin (GnRH), khi hormon này đến tuyến yên sẽ kích thích sản xuất hormon ở buồng trứng của nữ (estrogen) và tinh hoàn của nam (testosteron). Estrogen tham gia vào quá trình tăng trưởng và phát triển các đặc tính sinh dục nữ, trong khi đó testosteron chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển của đặc tính sinh dục nam.
Hệ trục não bộ của cơ thể gồm trục hạ đồi- tuyến yên- tuyến sinh dục hoạt động từ khi trẻ còn trong tử cung và một thời gian ngắn trong suốt tuần đầu tiên. Sau đó nó hoạt động trở nên mạnh hơn trong thời kỳ sơ sinh, đạt đỉnh điểm từ 1-3 tháng tuổi (tương đương với khi dậy thì). Từ sau giai đoạn sơ sinh là sự ức chế tích cực của trục hạ đồi- tuyến yên- tuyến sinh dục cho đến khi trẻ dậy thì.
Dấu hiệu đầu tiên của dậy thì ở trẻ gái là sự phát triển vú, trung bình khoảng 11 tuổi; tiếp theo là mọc lông mu và sau đó là xuất hiện kinh nguyệt, thường xảy ra 2 đến 3 năm sau khi bắt đầu phát triển tuyến vú. Ở trẻ trai, dấu hiệu đầu tiên là tinh hoàn tăng kích thước, trung bình khoảng 11.5 tuổi, sau đó là sự phát triển dương vật và mọc lông mu.

2. Thế nào là dậy thì sớm?

Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu có những thay đổi sinh lý hướng đến giai đoạn trưởng thành quá sớm. Một trẻ được xem là dậy thì sớm khi các dấu hiệu này xuất hiện trước 8 tuổi ở bé gáitrước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng về xương, cơ, thay đổi hình dáng cơ thể và khả năng sinh sản.

Nguyên nhân của dậy thì sớm chưa được biết rõ. Một số nguyên nhân hiếm gặp như nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tố, khối u, bất thường não hoặc chấn thương, … có thể gây ra dậy thì sớm. Điều trị dậy thì sớm điển hình là sử dụng thuốc để trì hoãn sự phát triển quá mức.

3. Triệu chứng?

Các dấu hiệu và triệu chứng dậy thì sớm ở trẻ em gái và trẻ em trai có thể khác nhau.

  • Trẻ em gái: Phát triển ngực, xuất hiện kinh nguyệt, lông mu và lông nách, mụn trứng cá, mùi cơ thể.
  • Trẻ em trai: Tinh hoàn và dương vật to lên, xuất hiện râu và giọng nói trầm, lông mu và lông nách, mụn trứng cá, mùi cơ thể.
Tìm Hiểu Nguyên Nhân Dậy Thì Sớm Khi Uống Sữa Công Thức
Uống nhiều sữa công thức có gây dậy thì sớm

4. Nguyên nhân?

a. Dậy thì sớm trung ương
– Nguyên nhân không xác định.
– Đối với dậy thì sớm trung ương, hầu hết các trẻ đều không có những dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh ở hệ thần kinh trung ương. Hiếm gặp hơn, dậy thì sớm trung ương có thể được gây ra bởi:
+ Khối u ở não hoặc tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương)
+ Khiếm khuyết ở não từ khi sinh ra như tích tụ chất lỏng dư thừa (não úng thủy) hoặc khối u nhưng không phải ung thư (hamartoma)
+ Bức xạ đến não hoặc tủy sống
+ Chấn thương ở não hoặc tủy sống
+ Tăng sản thượng thận bẩm sinh – một nhóm rối loạn di truyền liên quan đến việc sản xuất hormon bất thường ở tuyến thượng thận.
+ Suy giáp – tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất đủ hormone
b. Dậy thì sớm ngoại vi
Do estrogen hoặc testosteron của trẻ gây ra
Dậy thì sớm ngoại vi ít phổ biến hơn, xảy ra mà không liên quan đến hormon ở não (GnRH). Thay vào đó, nguyên nhân là do cơ thể giải phóng các hormon estrogen hoặc testosteron, do sự bất thường của buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến yên.
Ở cả trẻ trai và trẻ gái, nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ngoại vi:
+ Khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên làm giải phóng estrogen hoặc testosteron
+ Hội chứng McCune-Albright – một bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương, màu da và gây ra các vấn đề về nội tiết tố
+ Tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ chứa estrogen hoặc testosteron
Ở trẻ gái, dậy thì sớm ngoại vi có thể liên quan với: Nang buồng trứng hoặc u buồng trứng
Ở trẻ trai có thể được gây ra bởi: Khối u trong các tế bào sản xuất tinh trùng (u tế bào mầm) hoặc ở các tế bào sản xuất testosteron (tế bào Leydig)
Một rối loạn hiếm gặp hơn được gọi là dậy thì sớm có tính chất gia đình không phụ thuộc nội tiết tố gonadotropin, được gây ra bởi sự khiếm khuyết gen có thể dẫn đến sản xuất sớm testosteron ở trẻ trai, thường từ 1-4 tuổi.

5. Các yếu tố nguy cơ

– Giới tính: trẻ gái nhiều khả năng phát triển dậy thì sớm hơn
– Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi
– Béo phì: trẻ thừa cân đáng kể có yếu tố nguy cơ cao dậy thì sớm
– Tiếp xúc với các hormon giới tính: ví dụ kem hoặc thuốc mỡ chứa estrogen hoặc testosteron hoặc các chất khác chứa những hormon này (như thuốc của người lớn hoặc bổ sung chế độ ăn uống) có thể làm tăng nguy cơ phát triển dậy thì sớm của trẻ.
– Có các tình trạng bệnh lý khác: Dậy thì sớm có thể là một biến chứng của hội chứng McCune-Albright hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh – tình trạng mà có sự sản xuất bất thường của hormon nam giới (androgen). Trong số ít trường hợp, dậy thì sớm có thể cũng có liên quan đến suy giáp.
– Sử dụng phương pháp xạ trị cho hệ thần kinh trung ương. Điều trị phóng xạ cho khối u hoặc tình trạng bệnh khác có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
6. Biến chứng
– Chiều cao thấp: Trẻ em với dậy thì sớm có thể phát triển nhanh chóng giai đoạn đầu và cao vượt trội so với những trẻ ở cùng độ tuổi. Nhưng vì xương của chúng trưởng thành nhanh hơn bình thường nên chúng thường ngừng tăng trưởng sớm hơn bình thường. Điều này có thể làm chúng có chiều cao trung bình thấp hơn khi trưởng thành. Điều trị sớm dậy thì sớm, đặc biệt là khi nó xảy ra ở trẻ em có thể giúp chúng cao lớn hơn so với khi không điều trị kịp thời
– Các vấn đề về xã hội và cảm xúc: Trẻ gái và trai dậy thì trước các bạn cùng trang lứa khá sớm có thể tự nhận thức được về sự thay đổi trong cơ thể chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tăng nguy cơ trầm cảm hoặc sử dụng chất kích thích ở trẻ.

7. Phòng bệnh

Một vài yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm như giới tính và chủng tộc thì không thể tránh khỏi. Nhưng có 1 số giải pháp có thể làm giảm dậy thì sớm ở trẻ gồm:
– Giữ trẻ tránh xa các nguồn estrogen và testosteron từ bên ngoài, như các đơn thuốc dành cho người lớn
– Khuyến khích trẻ duy trì cân nặng phù hợp, khỏe mạnh.

8. BÉO PHÌ và DẬY THÌ SỚM?

Trong hầu hết các nguyên nhân dậy thì sớm thì béo phì được đề cập trước tiên.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng các trẻ gái thừa cân và béo phì khả năng dậy thì sớm hơn những trẻ gái nhẹ cân, biếng ăn. Tuy nhiên bằng chứng khoa học cũng chỉ ra béo phì không là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm mà chỉ là yếu tố nguy cơ gây ra dậy thì sớm, đặc biệt là trẻ gái.
Nhiều chuyên gia về y tế cho rằng đôi khi các bác sĩ vẫn có thể nhầm lẫn béo phì và dậy thì sớm bởi vì khó phân biệt giữa chất béo tích tụ ở vú hay mô vú nếu chỉ dựa vào khám lâm sàng. Do đó nhiều trẻ gái béo phì có khả năng chẩn đoán sai.
Theo các nghiên cứu, nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ là do một hormon gọi là leptin, trong khi đó leptin lại được tiết ra từ tế bào mỡ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người (LEPTIN kích thích bài tiết gonadotropin và kích hoạt thời điểm dậy thì bằng cách liên kết với các thụ thể tế bào thần kinh của GnRH). Khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể, đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Vì vậy, những bé gái thừa cân, béo phì có nồng độ leptin cao dễ dậy thì sớm.

9. QUAN NIỆM SAI LẦM: UỐNG SỮA GÂY DẬY THÌ SỚM

– Sự thật: Không có bằng chứng khoa học cho thấy rằng uống sữa gây ra dậy thì sớm. Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nguyên nhân gây dậy thì sớm, mặc dù nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Béo phì ở trẻ em thì được chấp thuận là nguyên nhân thúc đẩy trưởng thành sớm hơn, do thực tế cho thấy độ tuổi dậy thì tiếp tục giảm xuống khi tỷ lệ béo phì tăng lên.
– Một số người chỉ ra rằng một số thực phẩm và thành phần cụ thể như các hormon trong sữa làm giảm độ tuổi bắt đầu dậy thì ở trẻ. Tuy nhiên điều này trên thực tế không được ủng hộ.
Tất cả sữa đều chứa loại hormon tăng trưởng tự nhiên có nguồn gốc từ bò gọi là bovine somatotropin (BST) với lượng rất nhỏ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ kết luận rằng sữa được sản xuất từ bò dù đã qua xử lý hay chưa, đều hoàn toàn giống nhau. Trong quá trình thanh trùng thì 90% các hormon này đều bị phân hủy. Lượng nhỏ còn lại hoàn toàn được tiêu hóa ở ruột. Hơn nữa, hormon này chỉ có tác dụng trên bò, không có hiệu quả hay bất kỳ tác dụng nào lên cơ thể người. Vì vậy, hormon trong sữa không phải là bằng chứng hợp lý cho tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Sữa là một nguồn canxi đáng kể và cả các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể, do vậy không nên loại bỏ trong những năm phát triển mạnh của trẻ. Trẻ gái từ 9-18 tuổi cần 1300 mg canxi mỗi ngày, đây là yếu tố giúp xương phát triển.
Tóm lại, chưa có nghiên cứu nào được chứng minh mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên để trẻ sử dụng quá nhiều sữa vì nó làm giảm việc sử dụng các nguồn thực phẩm cần thiết khác như rau, trái cây…. Và nên chọn sữa không đường vì giảm nguy cơ gây thừa cân và béo phì ở trẻ em.

10. BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON DẬY THÌ SỚM

Ngoài béo phì thì một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến dậy thì sớm ở trẻ như gen, giới tính, chủng tộc, tiếp xúc xã hội và thậm chí là môi trường sống hằng ngày. Việc tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày đang khiến trẻ phải gánh chịu những hệ lụy, chẳng hạn chất BPA trong nhựa làm thay đổi nội tiết tố khiến trẻ dậy thì sớm.
Khi trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm bố mẹ nên đưa trẻ tới khám ngay để được điều trị và theo dõi tránh ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Việc ngăn chặn dậy thì sớm ở trẻ là vô cùng cần thiết và cần làm từ giai đoạn sớm:
– Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ, ngăn chặn béo phì
– Chú ý số lượng calo trong mỗi bữa ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển
– Dạy trẻ cách ăn lành mạnh, chọn thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất xơ, vitamin, hạn chế chất béo và thực phẩm chế biến sẵn
– Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ dùng chứa estrogen và testosteron
– Ba mẹ không nên để trẻ sử dụng kem, thuốc và các thực phẩm chứa thành phần có liên quan đến hormon sinh dục
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
>> Để được thăm khám khi có các biểu hiện về rối loạn nội tiết tại khoa Nội tiết phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868