Điều trị ung thư thành công cao khi phát hiện bệnh sớm, còn trễ thì thấp hơn hoặc không khỏi. Không nên đánh đồng ung thư sớm với ung thư trễ về khả năng chữa khỏi để rồi bỏ đi cơ hội chữa lành của giai đoạn sớm. Ung thư sớm khả năng khỏi cao, thất bại thấp; ung thư trễ khả năng thành công thấp, thất bại cao; và cuối cùng ung thư quá trễ thì khả năng khỏi bệnh hầu như là không thể.
Trước đây và bây giờ vẫn vậy, khi nghe đến bệnh ung thư, bạn sẽ nghĩ đến cái chết và đừng chữa trị, vì chữa trị rồi cũng chết. Mới chỉ nghe thôi, nhưng nếu bạn bị bệnh ung thư thì sao? Ung thư chữa khỏi không? Đây là một câu hỏi không cụ thể, cũng giống như bệnh gan, bệnh phổi, bệnh tim …chữa khỏi không? Cũng như bệnh tật chung trên đời này, có chữa được không?
Về mặt logic, không có bệnh nào chữa khỏi, nếu bạn nói chữa khỏi bạn sẽ sai, vì chỉ cần chỉ ra một trường hợp không khỏi là bạn sai, ít nhất có một trường hợp sai là sai.
Nói chung, mỗi loại bệnh có mức độ bệnh và biến chứng của nó, nếu tổn thương thực thể nặng không hồi phục thì sẽ không khỏi, như xơ gan hay suy gan mất bù, suy tim mất bù, suy thận mất bù, nhiễm trùng huyết suy đa cơ quan nặng… Bệnh cơ quan nào cũng có tình huống này.
Quay trở lại bệnh ung thư, có 5 mức độ bệnh, gọi là giai đoạn, từ 0 cho đến 4, bao gồm giai đoạn 0,1,2,3,4.
- Giai đoạn 0, là ung thư chưa ăn lan xuống dưới, chỉ trên về mặt nơi tế bào ung thư xuất hiện.
- Giai đoạn 1,2,3 là ung thư ăn xuống bên dưới hoặc di căn đến hạch lân cận.
- Giai đoạn 4, ung thư rời khỏi nơi xuất phát chạy đi, hay di căn xa đến các bộ phận, cơ quan trong cơ thể xa nơi xuất phát như gan, phổi, xương, não…
Giai đoạn 0,1,2,3: có khả năng chữa khỏi với mức độ giảm dần. Giai đoạn 4 hầu như không thể
Tại sao như vậy? (Phân tích dưới đây loại trừ các trường hợp điều trị sai).
- Giai đoạn 0, mức độ chữa khỏi gần 100%, không nói 100% tuyệt đối. Vì khi điều trị bướu giai đoạn 0, chúng ta không điều trị được nguyên nhân gây ra bướu, do không biết nguyên nhân, hoặc do nguyên nhân không thay đổi được (tuổi tác, giới, di truyền). Do đó bệnh vẫn có thể tái phát nhưng tỉ lệ thấp.
- Giai đoạn 1,2,3: mức độ bướu lớn hay độ ăn lan tăng dần. Khi mổ lấy được hết bướu và hạch hay xạ trị tiêu diệt được hết bướu và hạch. Tỉ lệ khỏi giảm dần từ giai đoạn 1 đến 3, như vậy một số, không phải tất cả, sẽ tái phát và tử vong. Lý do cũng như trên và thêm vào đó là tế bào cuối cùng trong một số trường hợp không thể tiêu diệt bởi xạ trị hay mổ, nhất là khi bướu to hay hạch to, hoặc nhiều hạch.
Mổ thì không thể cắt rộng hơn nữa vì sẽ cắt phạm vào cơ quan cấu trúc sinh tồn nhất là khi bướu hay hạch quá to hoặc ăn lan xâm lấn nhiều vào các cấu trúc, cơ quan của cơ thể. Vì vậy, một số bệnh nhân còn tế bào ung thư không cắt hết khi lan rộng quá. Trong một số trường hợp, sau mổ cần xạ thêm để tiêu diệt tế bào còn lại sau mổ này.
Đặc biệt hơn nữa, ngay khi mới bị bệnh ung thư chúng ta không thấy di căn gan, xương, phổi, não….dù truy tìm bằng các phương tiện hình ảnh tốt nhất hiện nay có khả năng phát hiện di căn cao, nhưng một số người đã có di căn li ti, hay còn gọi là di căn âm thầm. Chính các di căn này sẽ xuất hiện rõ sau đó và ảnh hưởng đến tính mạng. Hóa trị, nội tiết hay điều trị đích sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư li ti này, nhưng không phải lúc nào cũng tiêu diệt được tất cả các di căn âm thầm này.
Như vậy, sự ăn lan quá mức do bướu quá to, hạch quá lớn hay nhiều, di căn âm thầm và hiệu quả hạn chế của phương pháp điều trị trong một số trường hợp, không phải tất cả, đã dẫn đến tái phát và tử vong bệnh ung thư. Không kể các trường hợp điều trị không đúng.
Sự thất bại trong điều trị ung thư mà bệnh nhân, người thân, dân chúng thấy chỉ là một số lượng nhỏ, bác sĩ chuyên khoa thấy một quần thể lớn hơn, nhiều trung tâm gộp lại thấy một quần thể lớn hơn nữa. Cả thế giới thì thấy toàn cuộc hơn. Các số liệu báo cáo về tỉ lệ sống còn của các quốc gia trên toàn thế giới cho biết khả năng sống còn của các loại bệnh ung thư, cao ở giai đoạn sớm, thấp ở giai đoạn muộn.
Nước ta ung thư giai đoạn trễ nhiều do bướu lớn, hạch to và lan rộng, tất nhiên thất bại cao, dẫn đến cái nhìn bi quan là đương nhiên. Nhưng không phải vậy mà kết luận ung thư không chữa khỏi, ung thư không nên điều trị cho mọi trường hợp. Vì như vậy sẽ vô tình làm cho những bệnh nhân ung thư sớm bỏ lỡ cơ hội chữa trị thành công, còn bệnh nhân giai đoạn trễ, không phải quá trễ, bỏ lỡ cơ hội cứu lấy sự sống. Khi bệnh giai đoạn trễ, cân nhắc điều trị vì khả năng thành công với mục tiêu hết bệnh vĩnh viễn thấp. Khi đó mục đích chính là kiểm soát bệnh, kéo dài cuộc sống. Nếu đánh giá kiểm soát cũng không được thì đành chấp nhận sự thất bại của y học.
Tóm lại, điều trị ung thư thành công cao khi phát hiện bệnh sớm, còn trễ thì thấp hơn hoặc không khỏi. Không nên đánh đồng ung thư sớm với ung thư trễ về khả năng chữa khỏi để rồi bỏ đi cơ hội chữa lành của giai đoạn sớm. Ung thư sớm khả năng khỏi cao, thất bại thấp; ung thư trễ khả năng thành công thấp, thất bại cao; và cuối cùng ung thư quá trễ thì khả năng khỏi bệnh hầu như là không thể.
Bác sĩ Chuyên Khoa II Nguyễn Hữu Hòa – Chuyên ngành Ung bướu, Cố vấn chuyên môn tại Phòng khám đa khoa Pasteur