Nhiều người dân thường lo lắng và thắc mắc rằng liệu việc sinh thiết chọc hút bằng kim có làm tế bào ung thư lây lan ra xung quanh, chạy đi nơi khác hay di căn hay không?? Sau đây, BS CKII Nguyễn Hữu Hòa – Chuyên gia Ung bướu, Cố vấn Chuyên môn Phòng khám đa khoa Pasteur sẽ giúp giải đáp câu hỏi này.
1. SINH THIẾT LÀ GÌ
Là kỹ thuật lấy mẫu tế bào hoặc mẫu mô để quan sát dưới kính hiển vi nhằm xem có tế bào lành hay tế bào ung thư nhằm xác định chẩn đoán lành tính hay ác tính (còn gọi là ung thư).
Sinh thiết thường là cách tốt nhất để khẳng định chắc chắn có bị ung thư hay không. Các phương tiện khác, như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp chụp cắt lớp kỹ thuật số (CT scan) có thể cho biết một tổn thương có vẻ nghi ngờ ác tính. Khi nghi ngờ, trong hầu hết các trường hợp, cách duy nhất để chẩn đoán ung thư chính xác là tiến hành sinh thiết và xem xét các tế bào nghi ngờ đó dưới kính hiển vi.
Có nhiều loại kỹ thuật sinh thiết, đơn giản nhất là chọc hút kim nhỏ, kim lớn hơn (sinh thiết lõi), phức tạp hơn chút là sinh thiết bằng kiềm bấm, mổ sinh thiết, bao gồm mổ tiểu phẫu dưới gây tê và mổ lớn dưới gây mê. Khi mổ có thể lấy một phần hay trọn bướu, thậm chí cả cấu trúc hoặc cơ quan mang bướu. Nhiều kỹ thuật sinh thiết được thực hiện với sự hướng dẫn của hình ảnh, trong đó các công cụ như siêu âm hoặc chụp cắt lớp CT hoặc MRI thường được sử dụng để giúp xác định vị trí các tổn thương quan tâm và lấy mẫu sinh thiết.
Mẫu bướu sinh thiết ngoài mục đích chẩn đoán ung thư hay không, còn góp phần chẩn đoán giai đoạn, mức độ bệnh, độ lan rộng của bệnh, giúp đánh giá các đặc điểm sinh học của bệnh qua xét nghiệm phân tử từ mẫu tế bào hay mẫu mô, từ đó giúp cho tiên lượng và lựa chọn điều trị thích hợp cho người bệnh.
2. KỸ THUẬT SINH THIẾT ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN SỰ TOÀN VẸN CỦA BƯỚU?
Các loại sinh thiết nêu trên đều có chung một đặc điểm là tác động đến bướu, ngoài trừ kỹ thuật cắt cấu trúc hoặc cơ quan mang bướu, các kỹ thuật còn lại đều tác động vào bướu. Khi đó vỏ bướu hay bề mặt bướu bị phá vỡ. Hàng rào tự nhiên của mô xung quanh bị thay đổi về mặt vi thể bởi hoặc đại thể hoặc cả hai. Khi thoạt suy nghĩ chúng ta sẽ thấy sinh thiết sẽ gây ra có thể có những tác động làm cho tế bào ung thư gieo rắc ra xung quanh, thậm chí lna đến vị trí xa hơn hay di căn và như vậy dẫn đến ung thư lan rộng. Nhưng thực tế như thế nào, việc này có xảy ra hay không?

3. THÔNG TIN NGHIÊN CỨU VỀ SỰ GIEO RẮC TẾ BÀO KHI SINH THIẾT BẰNG KIM NHƯ THẾ NÀO?
Sinh thiết trọn với các kỹ thuật khác nhau đảm bảo sự toàn vẹn của bướu, vấn đề đặt ra ở đây là sinh thiết bằng kim, bao gồm kim nhỏ (FNA) hoặc lõi kim (CB).
Một số nghiên cứu và báo cáo về các trường hợp riêng lẻ xác nhận rằng gieo rắc bướu rất hiếm khi xảy ra và lợi ích của việc sinh thiết vượt xa rủi ro. Một đánh giá năm 2008 trên tạp chí Gut cho thấy gieo rắc bướu theo kim sinh thiết xảy ra 2,7% các mẫu sinh thiết ung thư gan. Tuy nhiên, trong một đánh giá trong BJU International năm 2015, các nhà nghiên cứu đã xem xét các nghiên cứu trước đó và phát hiện tỷ lệ gieo rắc bướu đường kim là thấp (<1%). Trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Nội soi , các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về khả năng tái phát ung thư ở 256 bệnh nhân ung thư tuyến tụy có và không có sinh thiết. Sau đó, trong một nghiên cứu sau đó vào năm 2015 đăng trong tạp chí Gut, tương tự, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sinh thiết không liên quan đến tăng nguy cơ tử vong trong cơ sở dữ liệu gồm 2.034 bệnh nhân Medicare bị ung thư tuyến tụy.
Gần đây hơn, trong một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Tiết niệu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kỹ thuật sinh thiết bằng kim lõi là an toàn và hiệu quả ở 42 bệnh nhân ung thư bàng quang và không có hiện tượng lây lan sau 28 tháng theo dõi.
Nhìn chung, mặc dù không phải là không thể xảy ra hiện tượng gieo rắc khi chọc kim khi sinh thiết, nhưng nó rất hiếm.
4. KẾT LUẬN
Như vậy, một vấn đề y học không chỉ dựa vào suy luận để đưa ra quyết định xử trí mà dựa trên nghiên cứu thực tế để chưng minh. Nghiên cứu là cơ cở để ra quyết định hay chỉ định y khoa và thực hành, cơ sở cho suy nghĩ và hành động phù hợp. Cụ thể vấn đề ở đây, sinh thiết bằng kim không hoặc rất hiếm gây gieo rắc tế bào ung thư cũng như di căn. Cân nhắc lợi ích rất lớn của sinh thiết nêu trên so với nguy cơ hay rủi ro gieo rắc rất hiếm, sinh thiết vẫn được chấp thuận sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực ung bướu cho đến nay.
Nếu ai đó lo lắng về sinh thiết, hãy hỏi bác sĩ tại sao họ được đề nghị sinh thiết và những rủi ro khi sinh thiết hoặc không sinh thiết là gì. Bạn cũng có thể muốn hỏi bác sĩ cách chuẩn bị cho sinh thiết, những gì bạn có thể mong đợi trong suốt quá trình và cách chăm sóc bản thân sau kỹ thuật này. Sinh thiết là một phần quan trọng trong việc chăm sóc những người bị ung thư và bác sĩ có thể giúp trả lời bất kỳ câu hỏi nào thắc mắc trong quá trình thực hiện.
BS CKII Nguyễn Hữu Hòa – Chuyên gia Ung bướu, Cố vấn Chuyên môn Phòng khám đa khoa Pasteur
NGUỒN THAM KHẢO
1. Can a Biopsy Make My Cancer Spread?/ March 18, 2021. ASCO Staff. Cancer.net. https://www.cancer.net/…/can-biopsy-make-my-cancer….
2. NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®) 2023
3. DeVita, Hellman, and Rosenberg’s. Cancer Principles & Practice of Oncology 11th edition 2019
6. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer. THYROID. Volume 26, Number 1, 2016. DOI: 10.1089/thy.2015.0020
Needle Tract Seeding after Endoscopic Ultrasound Tissue Acquisition of Pancreatic Lesions: A Systematic Review and Meta-Analysis.