Hiện nay ung thư Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung ngày càng gia tăng.. Vì vậy việc đi khám và tầm soát ung thư định kỳ có thể giúp bác sĩ có thể phát hiện được ung thư ở giai đoạn rất sớm… giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn..
Bài viết sau đây phòng khám Pasteur sẽ giải thích rõ ràng đầy đủ tổng quan về tầm soát ung thư và những vấn đề liên quan để mọi người có thêm kiến thức cũng như biết được tầm quan trọng của nó trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mình và người thân.
I. Tầm soát ung thư là gì?
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
– Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư trước khi có triệu chứng trên bệnh nhân.
– Có nhiều xét nghiệm sàng lọc khác nhau.
– Xét nghiệm sàng lọc có những rủi ro.
+ Một số xét nghiệm sàng lọc có thể gây ra tình trạng nguy hiểm.
+ Có thể là kết quả dương tính giả.
+ Có thể là kết quả âm tính giả.
+ Phát hiện ung thư có thể không cải thiện sức khỏe của người bệnh hoặc giúp người bệnh sống lâu hơn.
1. Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư trước khi có triệu chứng trên bệnh nhân.
Xét nghiệm sàng lọc có thể giúp tìm ra ung thư ở giai đoạn đầu, trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khi mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm thì có thể dễ dàng điều trị hoặc chữa khỏi. Khi các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng. Điều này làm cho ung thư khó điều trị hoặc chữa khỏi.
Điều quan trọng là khi bác sĩ đề nghị kiểm tra sàng lọc, điều đó không có nghĩa là bác sĩ nghĩ bệnh nhân bị ung thư mà các xét nghiệm sàng lọc này được thực hiện ngay cả trên những bệnh nhân không có triệu chứng ung thư.
2. Có nhiều xét nghiệm sàng lọc khác nhau.
Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm:
+ Tiền sử và thăm khám lâm sàng: Thăm khám toàn bộ cơ thể để kiểm tra tình trạng sức khỏe chung, bao gồm các dấu hiệu bệnh lý, chẳng hạn như cục u hoặc những dấu bất thường. Đồng thời sẽ hỏi thông tin bệnh nhân về tiền sử sức khỏe, bệnh tật trước đây và những điều trị trước đây.
+ Các xét nghiệm sinh hóa: kiểm tra những mẫu mô, máu, nước tiểu hoặc những chất khác trong cơ thể
+ Chẩn đoán hình ảnh: chụp hình ảnh những cơ quan trong cơ thể.
+ Xét nghiệm di truyền: Các đột biến gen liên quan đến một vài loại ung thư
3. Xét nghiệm sàng lọc có những rủi ro.
Không phải tất cả các xét nghiệm sàng lọc đều hữu ích và hầu hết đều có rủi ro. Điều quan trọng là phải biết những rủi ro của xét nghiệm sàng lọc và liệu nó đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư hay không.
a. Một số xét nghiệm sàng lọc có thể gây ra tình trạng nguy hiểm.
Một số thủ thuật có thể gây chảy máu hoặc các vấn đề khác. Ví dụ, sàng lọc ung thư đại tràng bằng nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng có thể làm rách niêm mạc đại tràng.
b. Có thể là kết quả dương tính giả.
Kết quả sàng lọc bất thường mặc dù không có ung thư. Kết quả dương tính giả (một kết quả cho thấy có ung thư khi thực sự không có) có thể gây lo lắng và thường được làm thêm những xét nghiệm và thủ thuật khác, cũng có rủi ro như trên.
c. Có thể là kết quả âm tính giả.
Kết quả sàng lọc bình thường mặc dù có ung thư. Kết quả âm tính giả (một kết quả cho thấy không có ung thư khi thực sự có) có thể trì hoãn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay cả khi có các triệu chứng.
d. Phát hiện ung thư có thể không cải thiện sức khỏe của người bệnh hoặc giúp người bệnh sống lâu hơn.
Một số bệnh ung thư không bao giờ gây ra các triệu chứng hoặc đe dọa tính mạng, nhưng nếu được tìm thấy bằng xét nghiệm sàng lọc, ung thư có thể được điều trị. Không thể biết được điều trị ung thư sẽ giúp người bệnh sống lâu hơn nếu không điều trị. Ở cả thanh thiếu niên và người trưởng thành có rất hiếm nguy cơ tự sát thực sự hoặc cố gắng tự sát trong năm đầu tiên sau khi được chẩn đoán ung thư. Ngoài ra, các phương pháp điều trị ung thư đều có tác dụng phụ.
Đối với một số bệnh ung thư, việc phát hiện và điều trị ung thư sớm không cải thiện cơ hội chữa khỏi hoặc giúp người bệnh sống lâu hơn.
II. Thông báo và chia sẻ quyết định là gì?
Trước khi làm bất kỳ xét nghiệm sàng lọc nào, điều quan trọng là phải thảo luận về xét nghiệm này với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Mỗi xét nghiệm sàng lọc đều có cả lợi ích và tác hại. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ nói về những lợi ích và tác hại này và quyết định lựa chọn xét nghiệm sàng lọc tùy thuộc vào bệnh nhân. Điều này được gọi là thông báo và chia sẻ quyết định.
+ Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ cho biết về những lợi ích, tác hại có thể có của xét nghiệm. Thông tin bao gồm về lợi ích của việc phát hiện sớm ung thư hoặc các tác hại như là kết quả xét nghiệm sai, chẩn đoán quá mức và điều trị quá mức. Các dạng thông tin cung cấp như tờ rơi, tập sách, video, trang web hoặc tài liệu khác.
+ Sau khi hiểu được lợi ích và tác hại của xét nghiệm sàng lọc, bạn có thể quyết định có muốn làm xét nghiệm sàng lọc hay không. Đôi khi các tác hại và lợi ích được kết hợp chặt chẽ nên khó để quyết định được.
+ Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ viết quyết định của bạn vào hồ sơ bệnh án của bạn và chỉ định xét nghiệm, nếu đó là quyết định của bạn.
III. Mục tiêu của sàng lọc là gì?
1. Xét nghiệm sàng lọc có nhiều mục tiêu.
- Tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện.
- Sàng lọc những ung thư dễ điều trị và chữa khỏi khi được phát hiện sớm.
- Có ít kết quả âm tính giả và dương tính giả.
- Giảm khả năng tử vong do ung thư.
2. Xét nghiệm sàng lọc không có nghĩa là để chẩn đoán ung thư.
Xét nghiệm sàng lọc thường không dùng để chẩn đoán ung thư. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bệnh nhân cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán. Ví dụ, chụp nhũ ảnh có thể tìm thấy một khối u ở vú. Một khối u có thể là ung thư hoặc một cái gì đó khác. Cần làm thêm xét nghiệm chẩn đoán khác để tìm hiểu xem khối u có phải là ung thư hay không, ví dụ xét nghiệm sinh thiết.
IV. Ai cần được sàng lọc?
1. Một số xét nghiệm sàng lọc chỉ được chỉ định cho những người có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư.
Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ ung thư được gọi là yếu tố nguy cơ ung thư. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; không có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.
Một số xét nghiệm sàng lọc chỉ được sử dụng cho những người có các yếu tố nguy cơ đã biết đối với một số loại ung thư, bao gồm:
- Tiền sử bản thân mắc ung thư.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư.
- Một số đột biến gen có liên quan đến ung thư.
- Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như khói thuốc lá hoặc hóa chất tại nơi làm việc.
- Có cục máu đông không rõ nguyên nhân.
- Tuổi già.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư có thể cần được sàng lọc thường xuyên hơn hoặc ở độ tuổi sớm hơn những người khác.
2. Nghiên cứu sàng lọc ung thư bao gồm tìm ra những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu rõ hơn ai có khả năng mắc một số loại ung thư. Họ nghiên cứu những điều chúng ta làm và những thứ xung quanh chúng ta để xem chúng có gây ung thư hay không. Thông tin này giúp các bác sĩ tìm ra ai nên được sàng lọc ung thư, nên sử dụng xét nghiệm sàng lọc nào và tần suất các xét nghiệm nên được thực hiện.
V. Nguy cơ ung thư được đo lường như thế nào?
Nguy cơ ung thư được đo lường theo những cách khác nhau. Những phát hiện từ các cuộc điều tra và nghiên cứu về nguy cơ ung thư được nghiên cứu và kết quả được giải thích theo nhiều cách khác nhau, bao gồm nguy cơ tuyệt đối, nguy cơ tương đối và tỷ số chênh.
+ Nguy cơ tuyệt đối
Đây là nguy cơ một người mắc bệnh, trong một quần thể nhất định (ví dụ, toàn bộ dân số Việt Nam) và một khoảng thời gian nhất định. Các nhà nghiên cứu ước tính nguy cơ tuyệt đối bằng cách nghiên cứu một số lượng lớn người trong một quần thể (ví dụ, phụ nữ trong một nhóm tuổi nhất định). Sau đó, đếm trong nhóm này số người mắc một căn bệnh nào đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, một nhóm 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 29 được quan sát trong một năm và 4 người trong số họ bị ung thư vú trong thời gian đó. Có nghĩa là nguy cơ ung thư vú tuyệt đối trong một năm đối với phụ nữ ở độ tuổi này là 4/100.000
+ Nguy cơ tương đối
Điều này thường được sử dụng trong các nghiên cứu để tìm hiểu xem một đặc điểm hoặc một yếu tố có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu so sánh hai nhóm người có đặc điểm giống nhau.. Tuy nhiên, một nhóm được có đặc điểm hoặc tiếp xúc với yếu tố đang nghiên cứu (nhóm phơi nhiễm) và nhóm còn lại thì không (nhóm không phơi nhiễm).
Nguy cơ tương đối được tính bằng tỷ lệ phần trăm của những người mắc bệnh trong nhóm phơi nhiễm chia cho tỷ lệ phần trăm của những người mắc bệnh trong nhóm không phơi nhiễm.
Nguy cơ tương đối có thể là:
- Lớn hơn 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ.
- Bằng 1: Đặc điểm hoặc yếu tố không liên quan đến rủi ro.
- Ít hơn 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến việc giảm rủi ro.
- Tỷ số chênh (odds ratio)
Trong một số loại nghiên cứu, các nhà nghiên cứu không có đủ thông tin để tính ra nguy cơ tương đối, thay vào đó họ sử dụng tỷ số chênh, có thể ước tính cho nguy cơ tương đối.
Nghiên cứu sử dụng tỷ suất chênh được gọi là nghiên cứu bệnh chứng. Trong nghiên cứu bệnh chứng, hai nhóm người được so sánh và những người trong mỗi nhóm được chọn dựa trên họ có mắc một bệnh nào đó hay không.
Các nhà nghiên cứu xem xét những người này trong mỗi nhóm đã tiếp xúc với những yếu tố gì hoặc có đặc điểm gì mà có thể đã gây ra căn bệnh này. Odds được tính bằng tỷ lệ của số người có xuất hiện đặc điểm hoặc yếu tố đó chia số số người không có. Tỷ số chênh được tính bằng cách chia odds của nhóm này cho odds của nhóm còn lại.
Tỷ số chênh có thể là:
- Lớn hơn 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến sự gia tăng rủi ro.
- Bằng 1: Đặc điểm hoặc yếu tố không liên quan đến rủi ro.
- Ít hơn 1: Đặc điểm hoặc yếu tố có liên quan đến việc giảm rủi ro.
Nhìn vào đặc điểm và phơi nhiễm ở những người mắc và không mắc ung thư có thể giúp tìm ra các yếu tố nguy cơ. Việc biết người có nguy cơ mắc một số loại ung thư có thể giúp các bác sĩ quyết định bệnh nhân nên sàng lọc khi nào và bao lâu một lần.
VI. Sàng lọc có giúp mọi người sống lâu hơn không?
1. Phát hiện một số bệnh ung thư ở giai đoạn đầu (trước khi các triệu chứng xuất hiện) có thể giúp giảm nguy cơ tử vong do các bệnh ung thư đó.
Đối với nhiều bệnh ung thư, khả năng phục hồi phụ thuộc vào giai đoạn (số lượng hoặc sự lây lan của ung thư trong cơ thể) của bệnh ung thư khi được chẩn đoán. Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thường dễ điều trị hoặc chữa khỏi.
Các nghiên cứu về sàng lọc ung thư so sánh tỷ lệ tử vong của những người được sàng lọc một loại ung thư nhất định với tỷ lệ tử vong do ung thư ở những người không được sàng lọc. Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là hữu ích trong việc phát hiện ung thư sớm và giảm nguy cơ tử vong, bao gồm chụp nhũ ảnh cho ung thư vú và nội soi đại tràng sigma và tìm máu ẩn trong phân cho ung thư đại trực tràng.
Một số khác được sử dụng vì chúng đã được chứng minh có thể tìm thấy một loại ung thư nhất định ở một số người trước khi triệu chứng xuất hiện, nhưng chưa được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư đó. Nếu một bệnh ung thư phát triển nhanh và lan rộng nhanh chóng, việc phát hiện sớm có thể không giúp người bệnh sống sót khỏi bệnh ung thư.
2. Các nghiên cứu sàng lọc được thực hiện để xem liệu tử vong do ung thư có giảm khi mọi người được sàng lọc hay không.
Từ thu thập thông tin về thời gian bệnh nhân ung thư sống, một số nghiên cứu định nghĩa sống sót là sống 5 năm sau khi chẩn đoán. Điều này thường dùng để đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên, để xem xét nghiệm sàng lọc có hữu ích hay không, các nghiên cứu thường xem xét liệu tử vong do ung thư có giảm ở những người được sàng lọc hay không. Những dấu hiệu cho thấy xét nghiệm sàng lọc ung thư đang có hiệu quả bao gồm:
- Sự gia tăng số lượng ung thư giai đoạn đầu.
- Giảm số lượng ung thư giai đoạn cuối
- Giảm số người chết vì ung thư.
Số người chết vì ung thư ngày nay thấp hơn so với trước đây. Điều này không rõ ràng là do các xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư sớm hơn hoặc do các phương pháp điều trị ung thư tốt hơn hoặc cả hai.
3. Một số yếu tố có thể khiến thời gian sống sót trông có vẻ kéo dài nhưng thực sự là không.
Những yếu tố này bao gồm hiệu dịch thời gian và chẩn đoán quá mức.
+ Hiệu dịch thời gian
Thời gian sống cho bệnh nhân ung thư được đo từ ngày ung thư được chẩn đoán cho đến ngày họ chết. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sau khi họ có các triệu chứng ung thư. Nếu một xét nghiệm sàng lọc dẫn đến bệnh nhân được chẩn đoán trước khi có bất kỳ triệu chứng nào, thời gian sống sót của bệnh nhân sẽ tăng lên vì ngày chẩn đoán sớm hơn.
Sự gia tăng thời gian sống này làm cho có vẻ như bệnh nhân được sàng lọc sống lâu hơn nhưng không phải vậy. Điều này được gọi là hiệu dịch thời gian. Lí do thời gian sống sót dường như dài hơn là do ngày chẩn đoán sớm hơn cho các bệnh nhân được sàng lọc, và những bệnh nhân này có thể sẽ chết theo diễn tiến bệnh mà không cần xét nghiệm sàng lọc.
+ Chẩn đoán quá
Đôi khi, các xét nghiệm sàng lọc phát hiện ra những ung thư không quan trọng vì chúng sẽ tự biến mất hoặc không bao giờ gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những bệnh ung thư này sẽ không bao giờ được tìm thấy nếu không có xét nghiệm sàng lọc. Phát hiện những bệnh ung thư này được gọi là chẩn đoán quá. Chẩn đoán quá mức có thể làm cho có vẻ như nhiều người sống sót ung thư lâu hơn, nhưng thực tế, đây là những người sẽ không chết vì ung thư.
Xem thêm bài viết : Ung thư được chẩn đoán như thế nào
VII. Làm thế nào để xét nghiệm sàng lọc trở thành xét nghiệm tiêu chuẩn?
1. Kết quả từ các nghiên cứu giúp các bác sĩ quyết định khi nào xét nghiệm sàng lọc đủ hiệu quả để được sử dụng làm xét nghiệm tiêu chuẩn.
Bằng chứng về các xét nghiệm sàng lọc ung thư an toàn, chính xác và hữu ích đến từ các thử nghiệm lâm sàng và các loại nghiên cứu khác. Khi đủ bằng chứng để chỉ ra rằng xét nghiệm sàng lọc này là an toàn, chính xác và hữu ích, nó sẽ trở thành một xét nghiệm tiêu chuẩn. Ví dụ về các xét nghiệm sàng lọc ung thư đã từng được nghiên cứu và hiện là các xét nghiệm tiêu chuẩn bao gồm:
- Nội soi đại tràng cho ung thư đại trực tràng.
- Chụp nhũ ảnh cho ung thư vú.
- Phiến đồ cổ tử cung âm đạo cho ung thư cổ tử cung.
2. Các loại nghiên cứu khác nhau được thực hiện để nghiên cứu sàng lọc ung thư.
Các thử nghiệm sàng lọc ung thư nghiên cứu những cách mới để tìm ra ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Thử nghiệm này cũng nghiên cứu các xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện ung thư sớm hơn hoặc chính xác hơn các xét nghiệm hiện có hoặc có thể dễ dàng hơn, an toàn hơn hoặc rẻ hơn khi sử dụng. Đồng thời, tìm ra những lợi ích và tác hại có thể có của các xét nghiệm sàng lọc ung thư.
Bằng chứng mạnh mẽ nhất của các nghiên cứu là thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sử dụng thực nghiệm lâm sàng, các loại nghiên cứu khác có thể cung cấp thông tin hữu ích về độ an toàn, hữu ích và chính xác của các xét nghiệm.
3. Những nghiên cứu sử dụng trong nghiên cứu sàng lọc ung thư:
a. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng
Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho mức độ bằng chứng cao nhất về độ an toàn, chính xác và hữu ích của các xét nghiệm sàng lọc. Trong các thử nghiệm này, các tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong hai hoặc nhiều nhóm. Một nhóm (nhóm chứng) được làm xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn (nếu có) hoặc không kiểm tra sàng lọc. Nhóm còn lại được được làm xét nghiệm sàng lọc mới. Kết quả xét nghiệm của các nhóm sau đó được so sánh để xem xét nghiệm mới có hiệu quả hơn so với xét nghiệm tiêu chuẩn hay không và có bất kỳ tác dụng phụ có hại nào không.
b. Thử nghiệm không ngẫu nhiên
Trong các thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên, các tình nguyện viên sẽ tự chọn nhóm nào họ muốn tham gia hoặc các nhà nghiên cứu chỉ định họ. Mức độ bằng chứng từ loại nghiên cứu này không mạnh bằng thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.
c. Nghiên cứu thuần tập
Nghiên cứu thuần tập theo dõi một số lượng lớn người theo thời gian. Người tham gia được chia thành nhiều nhóm, được gọi là cohorts, dựa trên việc họ đang điều trị gì hay đang tiếp xúc với tác nhân nhất định. Trong nghiên cứu thuần tập, thông tin được thu thập và nghiên cứu khi hệ quả nhất định đã xảy ra (như ung thư hoặc tử vong).
Ví dụ, một nghiên cứu thuần tập theo dõi một nhóm phụ nữ có xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung âm đạo thường xuyên và chia họ thành nhóm có kết quả dương tính với HPV và nhóm âm tính với HPV. Nghiên cứu thuần tập sẽ cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung khác nhau như thế nào đối với hai nhóm theo thời gian.
d. Nghiên cứu bệnh chứng
Nghiên cứu bệnh chứng cũng giống như các nghiên cứu thuần tập nhưng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn và không cần nhiều năm theo dõi. Trong các nghiên cứu bệnh chứng, thông tin được thu thập từ nhóm bệnh (những người đã mắc một bệnh nào đó) và so sánh với thông tin được thu thập từ nhóm chứng (những người không mắc bệnh).
Ví dụ, một nhóm bệnh nhân mắc ung thư hắc tố và một nhóm không có ung thư hắc tố có thể được hỏi về cách họ kiểm tra da về sự phát triển bất thường và tần suất họ kiểm tra nó. Dựa trên các câu trả lời khác nhau từ hai nhóm, nghiên cứu có thể chỉ ra rằng kiểm tra da là một xét nghiệm sàng lọc hữu ích để giảm số ca mắc và tử vong của ung thư hắc tố.
Mức độ bằng chứng của nghiên cứu bệnh chứng không mạnh bằng các thử nghiệm lâm sàng hoặc nghiên cứu thuần tập.
e. Nghiên cứu sinh thái
Các nghiên cứu sinh thái báo cáo thông tin được thu thập trên toàn bộ một quần thể, ví dụ như trong một thành phố hoặc một quận. Thông tin được báo cáo về toàn bộ quần thể, không phải riêng từng cá thể. Những nghiên cứu này có thể đưa ra một số bằng chứng về việc xét nghiệm sàng lọc có hữu ích hay không.
Mức độ bằng chứng của nghiên cứu sinh thái không mạnh bằng các thử nghiệm lâm sàng hoặc các loại nghiên cứu nghiên cứu khác.
f. Ý kiến chuyên gia
Ý kiến chuyên gia có thể dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ hoặc báo cáo của ủy ban hoặc hội đồng chuyên gia. Ý kiến chuyên gia không đưa ra bằng chứng mạnh mẽ về tính hữu ích của các xét nghiệm sàng lọc.
Các bạn có thể đọc thêm 1 số bài viết hữu ích khác
- Ung thư nên điều trị bằng phương pháp nào
- Những nguyên nhân gây nên thất bại trong điều trị ung thư
- Lý do vì sao cần phải tầm soát ung thư vú
……
Như vậy bài viết trên đây phòng khám Pasteur đã nêu rõ đầy đủ tổng quan về việc tầm soát ung thư để mọi người hiểu và có thêm kiến thức.. Ngoài ra nếu cần tư vấn _ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này các bạn có thể liên hệ trực tiếp tới Pasteur qua địa chỉ bên dưới để được các bác sĩ chuyên sâu chuyên sâu thăm khám, tư vấn và đưa ra những lời khuyên tốt nhất
Chúc mọi người có sức khỏe
BS CKII Nguyễn Hữu Hòa
Phòng khám đa khoa Pasteur
? Pasteur Clinic Đà Nẵng – Khởi đầu một điểm tựa, trọn vẹn một niềm tin
? Liên hệ tổng đài: (0236) 3811868 để đặt lịch hẹn khám
? Địa chỉ: lô 19 – Nguyễn Tường Phổ, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu – TP. Đà Nẵng
Nguồn tham khảo: https://www.cancer.gov/about-cancer/screening/patient-screening-overview-pdq