TÌNH TRẠNG TRẺ BỊ DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ

Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là một bệnh lý không còn quá xa lạ đối với các bậc phụ huynh. Một số triệu chứng dị ứng đạm sữa bò có thể gặp như: viêm da cơ địa/ chàm, mày đay, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, khò khè tái phát và viêm mũi.. và độ tuổi khởi phát từ 2-12 tuần tuổi. 

Dị ứng đạm sữa bò được chia thành 3 loại như sau: 

– Dị ứng đạm sữa bò qua trung gian IgE (dị ứng tức thì), xảy ra trong vòng 1- 2 giờ sau khi uống sữa: mày đay dị ứng, nôn ói, khò khè hoặc thậm chí sốc phản vệ

– Dị ứng đạm sữa bò không qua trung gian IgE (dị ứng muộn) xảy ra trong vòng vài giờ đến vài ngày sau khi sử dụng sữa hoặc các chế phẩm sữa như tiêu phân nhầy máu, chàm da

– Dạng hỗn hợp

Trước đây, rất nhiều các hướng dẫn đồng thuận với quan điểm “Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn các chế phẩm chứa đạm bò trong khẩu phần ăn của bà mẹ, ngoại trừ một số trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì”. Bài viết này nêu ra các khuyến nghị hiện nay đối với những trẻ dị ứng đạm sữa bò đang bú mẹ hoàn toàn.

Biểu Hiện Của Dị Ứng Đạm Sữa Bò
Biểu hiện khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

  1. Nuôi con bằng sữa mẹ là cách nuôi con tối ưu nhất, mang lại những lợi ích về sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng và kháng thể chống lại rất nhiều các bệnh truyền nhiễm khác mà còn mang lại những lợi ích lâu dài cho cả mẹ và bé. 
  2. Việc loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm gây dị ứng trong một thời gian dài, đặc biệt là những trẻ mắc bệnh chàm, có thể khiến trẻ có nguy cơ cao dị ứng thực phẩm về sau này. Bởi giai đoạn bú mẹ chính là giai đoạn quan trọng giúp trẻ phát triển khả năng dung nạp với các chất gây dị ứng. 
  3. Hậu quả của việc tránh các chế phẩm nguồn gốc đạm bò trong chế độ ăn của mẹ không chỉ loại bỏ đạm bò ra khỏi sữa mẹ mà còn loại bỏ các yếu tố miễn dịch có lợi. Một số bất lợi về mặt dinh dưỡng cho mẹ: Giảm đáng kể chất dinh dưỡng hấp thụ cho mẹ gồm năng lượng, protein, canxi, photpho, vitamin B2, B6, B12 và vitamin A, D. Một số tác động lên chất lượng cuộc sống của bà mẹ: Các bà mẹ cần phải có hiểu biết sâu về các loại thực phẩm có thể thay thế bởi sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò: phomai, yaourt,.. có mặt ở khắp mọi nơi. Điều này gây stress nặng cho các bà mẹ.
  4. Các khuyến nghị thực hành lâm sàng hiện nay khuyến cáo nên thử loại bỏ các loại sữa bò hoặc thực phẩm chứa thành phần đạm bò ra khỏi khẩu phần ăn của bà mẹ trong thời gian 2-4 tuần đối với các trường hợp sau:

– Xuất hiện triệu chứng dị ứng đạm sữa bò tức thì ở trẻ bú mẹ hoàn toàn

– Xuất hiện các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò muộn ở trẻ có tiền sử hoặc các đợt thăm khám gợi ý rõ liên quan đến dị ứng đạm sữa bò

– Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm da cơ địa/ chàm mức độ từ trung bình đến nặng mà không đáp ứng với corticoid tại chỗ và có phản ứng dị ứng với đạm bò

Nhiều bà mẹ cho rằng mẹ phải kiêng tất cả các loại thực phẩm từ sữa bò để giảm triệu chứng cho con. Tuy nhiên nhiều trường hợp mẹ đã kiêng khem rất nhiều thứ nhưng trẻ vẫn bị dị ứng, khi đó có thể đổi qua sữa thủy phân hoặc sữa acid amin. Các loại sữa này khó uống và phải cần một thời gian để trẻ thích nghi, dung nạp và cải thiện triệu chứng, thường sau 2 tuần, một số trẻ có thể đến 4-8 tuần để các triệu chứng hồi phục dần.

     Tóm lại, theo khuyến nghị mới nhất hiện nay, khả năng có đến hơn 99% trẻ sơ sinh bị dị ứng đạm sữa bò qua trung gian IgE có thể dung nạp được sữa mẹ từ bà mẹ sử dụng các chế phẩm nguồn gốc từ sữa bò mà không có phản ứng dị ứng nào. Ngoài ra những hậu quả nghiêm trọng từ việc loại bỏ thành phần đạm bò trong khẩu phần ăn của bà mẹ, không chỉ yếu tố miễn dịch cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như dinh dưỡng cho bà mẹ. Do đó, đối với hầu hết trẻ bú sữa mẹ bị dị ứng đạm sữa bò thì việc loại bỏ thành phần đạm bò trong chế độ ăn của mẹ là không cần thiết và trẻ vẫn nên tiếp tục duy trì sữa mẹ. Cần cân nhắc giữa lợi và hại để điều trị cho trẻ. Ở độ tuổi từ 6 tháng -12 tháng trở đi, thường tình trạng dị ứng đạm bò này sẽ giảm dần, do đó giai đoạn 6 tháng trở đi có thể thử cho trẻ dùng lại các loại sữa và thực phẩm như bình thường. 

THAM KHẢO: WORLD ALLERGY ORGANIZATION JOURNAL

Khi có các dấu hiệu bất thường về Nhi khoa, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.