ĐIỀU TRỊ MÀY ĐAY CHO TRẺ

Mày đay là gì?

Mày đay là hiện tượng phát ban da, là tình trạng phản ứng của mao mạch trên da do nhiều yếu tố khác nhau, gây phù cấp tính hoặc mạn tính ở trung bì.

Có khoảng 20% dân số từng bị mày đay ít nhất một lần trong đời. Bệnh là kết quả của chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây viêm. Biểu hiện của mày đay là các sẩn, mảng hồng ban hoặc trắng, phù nề, có giới hạn rõ ràng. Kích thước và hình dạng mày đay thay đổi, có thể có hình tròn hoặc bầu dục, tập hợp lại thành hình đa cung. Mày đay cũng có thể có bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy trên da. Bệnh nhân có thể bị ngứa nhiều hoặc ít. Vị trí xuất hiện thường gặp của mày đay là da, niêm mạc, thanh quản và đường tiêu hóa.

Nguyên nhân và triệu chứng của mày đay

Thực phẩm, thuốc, mỹ phẫm, phấn hoa, mạt bụi nhà, thay đổi nhiệt độ, thay đổi nội tiết tố…có thể là nguyên nhân của mày đay. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng bên trong và bên ngoài cơ thể, các chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và những hóa chất trung gian gây tình trạng viêm. Một bệnh nhân có thể gặp nhiều yếu tố cùng một thời điểm.

Biểu hiện của mày đay thường gặp nhất là sẩn và mảng với các đặc điểm như:

Hồng ban hay trắng

Phù nề

Giới hạn rõ với những vùng da khác

Hình tròn, bầu dục, có thể tập hợp lại thành hình đa cung

Có thể có bọng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy

Ngứa, một số người bệnh chỉ có cảm giác châm chích hay rát bỏng

Xuất hiện ở một vùng hoặc nhiều vùng khác nhau

Ngoài da, có thể gặp các triệu chứng của mày đay ở niêm mạc, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa và hô hấp như đau bụng, tiêu chảy, khó thở…Trường hợp sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.

Chẩn Đoán Và Điều Trị Bệnh Mày Đay Ở Trẻ
Biểu hiện của mày đay ở trẻ

Chẩn đoán mày đay

  • Thương tổn cơ bản: Là các sẩn phù có kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Sẩn phù nổi cao trên mặt da, có màu nhợt nhạt hoặc đỏ hơn các vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn phù thay đổi nhanh, xuất hiện nhanh và cũng mất đi nhanh;
  • Phân bố vết mày đay có thể khu trú hoặc lan rộng toàn thân;
  • Ở các khu vực tổ chức lỏng lẻo như môi, mi mắt, bộ phận sinh dục ngoài,… các ban đỏ và sẩn phù xuất hiện đột ngột sẽ làm sưng to cả vùng, gọi là phù mạch hay phù Quincke. Nếu phù mạch xuất hiện ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây các triệu chứng nặng như khó thở nặng, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ;
  • Triệu chứng cơ năng: Đa số các trường hợp nổi mày đay đều gây ngứa, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích hoặc rát bỏng;
  • Tiến triển: Bệnh mày đay hay tái phát từng đợt, theo tiến triển được chia thành 2 loại là mày đay cấp tính và mày đay mạn tính.

Điều trị mày đay như thế nào?

Dưới đây là một số phương pháp điều trị và giúp cải thiện tình trạng mày đay:

Tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh: phấn hóa, bụi bẩn, mạt nhà…Đảm bảo môi trường xung quanh, trang phục sạch sẽ

Hạn chế các tác động lên da như gãi, chà sát mạnh

Hạn chế tắm bằng nước quá ấm

Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là thời điểm buổi trưa, tránh các hoạt động nặng gây tiết nhiều mồ hôi

Giữ tinh thần và tâm lý thoải mái

Có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung nhiều rau và trái cây. Tránh các thực phẩm gây dị ứng

Tập thể dục, vận động để tăng cường sức đề kháng

Mày đay cấp tính thường cải thiện hoàn toàn sau vài ngày. Đối với mày đay mạn tính, cần có sự theo dõi và đánh giá của bác sĩ. Liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, bác sĩ sĩ chỉ định thêm một số thuốc như thuốc kháng Histamin, thuốc corticoid toàn thân…Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, đặc biệt với những trường hợp mày đay ở phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em để tránh các tác dụng phụ không mong muốn

Tham khảo: Wikipedia

Để được thăm khám khi có các biểu hiện về da liễu tại Nhi khoa phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868