Khóc dạ đề là gì?
Khóc dạ đề là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ quấy khóc nhiều vào buổi chiều tối hoặc về đêm. Trẻ khó chịu ngủ không yên hoặc giật mình khóc thét khi đang ngủ. Quấy khóc nhiều làm cơ thể trẻ đỏ ửng, trẻ cong lưng lại và co về phía bụng, tay nắm chặt. Khóc dạ đề khiến ba mẹ rất lo lắng nhưng tình trạng này sẽ cải thiện dần sau 3 tháng đầu đời của trẻ.
2. Nguyên nhân thường gặp của tình trạng khóc dạ đề ở trẻ
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng khóc dạ đề mà ba mẹ nên biết:
- Trẻ đói. Trong giai đoạn sơ sinh, các cữ bú của trẻ gần nhau, khoảng 8 – 12 lần/ngày trong tháng đầu tiên. Cần theo dõi thời gian bú để đảm bảo trẻ không bị đói, các cữ bú không được cách nhau quá 4 giờ
- Trẻ khó chịu do quá no. Không những khi đói mà ngay cả khi quá no cũng làm trẻ khó chịu và quấy khóc liên tục
- Trẻ khó chịu khi có các dấu hiệu như sốt, đau tai, da nhạy cảm với với môi trường xung quanh, các triệu chứng của đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đầy hơi, tăng nhu động ruột, đau bụng, tiêu chảy…
- Quần áo, tã của trẻ quá chật hoặc tã bẩn
- Trẻ không được ngủ đủ giấc
- Ở những trẻ bú mẹ, trẻ có thể dị ứng với một số thành phần trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mẹ. Ở những trẻ bú sữa công thức thì protein trong sữa bò cũng có thể gây dị ứng làm trẻ khó chịu và quấy khóc
3. Ba mẹ cần làm gì khi trẻ khóc dạ đề?
Các triệu chứng khóc dạ đề, khóc kéo dài ở trẻ sơ sinh đều ít nhiều gây ra lo lắng, bối rối cho các ông bố, bà mẹ và đặc biệt khi em bé khóc vào các buổi chiều, tối hoặc về đêm. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia y khoa, ngoài các nguyên nhân bệnh lý, trong các trường hợp trẻ bú tốt, không bị giảm cân, và trẻ vẫn phát triển bình thường, thì điều quan trọng nhất khi dỗ trẻ là các mẹ phải giữ bình tĩnh và thoải mái, làm giảm sự khó chịu của bé bằng cách thể hiện sự yêu thương để bé cảm nhận được như:
- Ôm bé vào lòng hay đặt bé nằm cạnh mẹ để bé được cảm nhận nhịp tim và hơi ấm từ người mẹ truyền sang.
- Mẹ nhẹ nhàng hát ru em bé bằng những bài hát ru hoặc cho em bé nghe các bản nhạc dịu dàng.
- Đặt em bé nằm ngủ trong một không gian êm ái, yên tĩnh, tạo cảm giác thoải mái khi ngủ. Trong một trường hợp ngoại lệ, có thể cho bé làm quen với những tiếng ồn có âm lượng nhẹ.
- Thường xuyên massage, xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân và vùng bụng cho em bé bằng các loại tinh dầu thảo mộc…
- Tránh những tâm trạng căng thẳng ở mẹ khi cho bé bú, vì nghĩ rằng nguyên nhân khóc ở bé do đói, đồng thời cũng không nên ép bé ăn quá no nếu bé có những hành động có tính phản đối. Bởi ăn quá no sẽ khiến bé khóc vì đầy hơi hoặc đau bụng.
- Không được tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào, nếu không có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa nhi.
Tóm lại, khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh không cần phải chữa trị đặc hiệu, trừ khi các bà mẹ nhận thấy có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ ví dụ như: khóc kéo dài gần 4 giờ, khóc có kèm theo sốt, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu ra máu, trẻ có biểu hiện mệt lả, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ngược lại, nếu sau những cơn khóc kéo dài, mà trẻ trở lại bình thường, vui, khỏe, bú tốt, thì các bà mẹ cần yên tâm và cố gắng trấn tĩnh chờ cho 3 tháng đầu đời của bé dần trôi qua.
Tham khảo: Wikipedia
>>> Bố, mẹ có thể đăng ký thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe bé sơ sinh tại Đơn vị Nhi khoa Pasteur qua Tổng đài 0236 9999 868