THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở TRẺ EM NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU

Hiện nay, tình trạng trẻ em bị thiếu máu khá phổ biến tại Việt Nam. Đây thật sự là một vấn đề sức khỏe được cảnh báo và đáng được lưu tâm của tất cả các ba mẹ. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu cho con trẻ, trong đó thiếu sắt là nguyên nhân hay gặp, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Thiếu sắt là một vấn đề thách thức không chỉ với các quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi mà kể cả các nước phát triển cũng còn tồn tại vấn đề thiếu máu thiếu sắt này.

Cùng Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur tìm hiểu về bệnh lý này các bạn nhé!

  1. ĐỊNH NGHĨA THIẾU MÁU THIẾU SẮT (IRON DEFICIENCY ANEMIA)

Thiếu máu là nồng độ Hemoglobin (Hb) <2SD hoặc dưới mức trung bình của một quần thể khỏe mạnh có cùng giới và tuổi

Thiếu sắt là tình trạng không đủ lượng sắt trong cơ thể để duy trì các chức năng sinh lý bình thường, xác định khi chỉ số ferritin huyết thanh <15 mcg/ L

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng các ngưỡng Hb sau để xác định thiếu máu (hình ảnh bên dưới). 

Ở người lớn khỏe mạnh, nhu cầu sắt hàng ngày chỉ từ 1 đến 2 mg chủ yếu đến từ các nguồn thực phẩm, và điều này giúp cân bằng lượng sắt mất đi từ đường tiêu hóa; phần lớn nhu cầu sắt được đáp ứng bằng vòng tuần hoàn sắt hiệu quả, xảy ra thông qua sự phá hủy các tế bào hồng cầu cũ bởi các đại thực bào trong hệ thống lưới nội mô.

Ở trẻ nhũ nhi và trẻ em, 30% nhu cầu sắt hàng ngày phải đến từ chế độ ăn uống vì sự phát triển nhanh chóng và tăng khối cơ xảy ra trong độ tuổi này

Cân bằng nội môi sắt chủ yếu được điều chỉnh tại vị trí hấp thu và vận chuyển ở ruột, hơn là bài tiết qua nước tiểu hoặc phân.

Khi xác định thiếu máu do thiếu sắt, thì việc tìm nguồn sắt mất từ đâu là rất quan trọng, chứ không phải chỉ bổ sung sắt là đủ. Nếu không xác định và điều trị nguyên nhân gốc rễ, tình trạng thiếu máu sẽ tái phát sau khi ngừng bổ sung sắt.

Nguyên Nhân Thiếu Máu Thiếu Sắt Ở Trẻ Em

2. NGUYÊN NHÂN THIẾU SẮT?

2.1.Giai đoạn chu sinh:

 Khi mới sinh, trẻ đủ tháng khỏe mạnh có lượng sắt dự trữ khoảng 75mg/kg (2/3 trong số đó được liên kết với Hb), và nồng độ Hb trung bình từ 15 đến 17 g/dL. Những trẻ này nói chung vẫn được cung cấp sắt đầy đủ trong 5 đến 6 tháng đầu đời.

 Một số tình trạng trong thời kỳ chu sinh có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt (IDA) trong 3 đến 6 tháng đầu đời do giảm dự trữ sắt khi sinh hoặc do các cơ chế khác:

  • Mẹ thiếu sắt: Phần lớn sự cung cấp sắt từ mẹ sang thai nhi xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Do đó mẹ không cung cấp đủ sắt làm tăng nguy cơ thiếu sắt ở trẻ

🡪Ở những quần thể mà mẹ bầu bị thiếu sắt phổ biến, việc bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai là có lợi

  • Sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ IDA cao hơn do chuyển sắt từ mẹ sang thai nhi ít hơn, tổng thể tích máu khi sinh nhỏ hơn, mất máu qua lấy máu xét nghiệm và kém hấp thu qua đường tiêu hóa. Trẻ càng sinh non, lượng sắt dự trữ khi sinh càng thấp
  • Xuất huyết thai nhi-mẹ (FMH)
  • Hội chứng truyền máu song thai (TTTS)
  • Các xuất huyết chu sinh khác
  • Chế độ ăn không đủ chất sắt trong thời kỳ sơ sinh
  • Điều trị erythropoietin (EPO) cho thiếu máu do sinh non.
  1. Yếu tố trong chế độ ăn: Là nguyên nhân chính của IDA ở trẻ nhũ nhi và trẻ em. Các yếu tố phổ biến dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa sắt gồm:
  • Lượng sắt ăn vào không đủ
  • Hấp thu kém hiệu quả do nguồn thực phẩm chứa sắt có sinh khả dụng thấp
  • Trẻ mà được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn (lượng sắt trong sữa mẹ rất ít) hoặc là được nuôi bằng sữa công thức mà không có lượng sắt nhiều (sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt lên đến 50-60%, trong sữa bò chỉ hấp thu 10-20%)
  • Sử dụng sữa tươi trước 12 tháng tuổi
  • Thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật
  • Ăn bột nhiều và kéo dài (trong bột có acid phytic và các phosphat gây giảm hấp thu sắt)
  • Đối với trẻ lớn hơn, ví dụ như trẻ trên 1 tuổi, nếu trẻ uống quá nhiều sữathì cũng có thể là những đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt, thường trên 600ml mỗi ngày (Trong sữa tươi có hàm lượng sắt rất ít mà nồng độ canxi và phốt pho lại rất cao. Khi trẻ uống nhiều sữa tươi thì 2 chất này sẽ cạnh tranh hấp thu với sắt trong đường ruột dẫn đến sắt bị kém hấp thu hơn; ngoài ra uống nhiều sữa mỗi ngày làm cho trẻ biếng ăn hơn)
  • Viêm đại tràng do protein sữa bò gây mất máu thứ phát
  • Béo phì
  1. Bệnh đường tiêu hóa:
  • Sắt trong thức ăn được hấp thu chủ yếu ở tá tràng. Tình trạng kém hấp thu sắt có thể xảy ra trong các bệnh ảnh hưởng đến tá tràng, bao gồm bệnh loét tá tràng, celiac; bệnh Crohn, viêm ruột do giardia; hoặc bất kỳ phẫu thuật cắt bỏ đoạn gần của ruột non, chẳng hạn như ở trẻ bị hội chứng ruột ngắn
  • Các tình trạng gây xuất huyết đường tiêu hóa, như viêm đại tràng do protein sữa bò, bệnh ruột viêm (IBD), hoặc sử dụng aspirin hoặc NSAIDs kéo dài, hoặc nhiễm giun móc cũng liên quan đến thiếu sắt.

Thiếu Máu Thiếu Sắt Ở Trẻ Em Nguyên Nhân Do Đâu Ảnh Minh Họa

3. TRIỆU CHỨNG CỦA THIẾU MÁU THIẾU SẮT

Biểu hiện phổ biến nhất của IDA thường không có triệu chứng hoặc trẻ bị thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc từ nhẹ đến trung bình. Ít gặp hơn là trẻ bị thiếu máu nặng, có biểu hiện thờ ơ, xanh xao, cáu kỉnh, tim to, bú kém và thở nhanh, chậm tăng cân. Tuy nhiên, một số triệu chứng này có thể không nhận ra cho đến khi thấy sự cải thiện ở trẻ bắt đầu được điều trị sắt.

Thiếu máu chỉ xảy ra trong giai đoạn cuối của tình trạng thiếu sắt. Ngược lại, khi bắt đầu bổ sung sắt, tình trạng thiếu máu sẽ được phục hồi đầu tiên và kho dự trữ sắt sẽ về bình thường cuối cùng.

1.Phát triển tâm thần:

  • Ở trẻ nhỏ, thiếu máu do thiếu sắt có liên quan đến suy giảm nhận thức, bao gồm xử lý thị giác và thính giác chậm hơn
  • Các nghiên cứu đã chứng minh những suy giảm về phát triển vẫn tồn tại ngay cả sau khi điều chỉnh thiếu máu bằng liệu pháp bổ sung sắt
  • Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, các thử nghiệm ngẫu nhiên về việc bổ sung sắt ở trẻ nhỏ đã chứng minh lợi ích trong phát triển tâm thần vận động
  1. Co giật do sốt:
  • Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa co giật do sốt và thiếu sắt hoặc IDA
  • Nhưng không có mối quan hệ nhân quả nào giữa thiếu sắt và sự phát triển của các cơn co giật do sốt đã được chứng minh
  • Tuy nhiên, nồng độ ferritin huyết thanh thấp hơn đáng kể ở trẻ em bị co giật do sốt so với những trẻ bị sốt đơn thuần. Do đó, việc tầm soát thiếu sắt ở trẻ nhỏ có tiền sử sốt co giật có thể cần thiết
  1. Miễn dịch và nhiễm trùng:
  • Dữ liệu về tác động của việc bổ sung sắt lên chức năng miễn dịch và tính nhạy cảm với nhiễm trùng là mâu thuẫn
  • Một mặt, thiếu sắt dường như có liên quan đến các khiếm khuyết nhẹ đến trung bình trong chức năng miễn dịch. Mặt khác, bổ sung sắt có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại nhiễm trùng
  • Đặc biệt, bổ sung sắt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn vì các protein transferrin và lactoferrin gắn sắt có tác dụng kìm khuẩn, chúng bị mất đi khi chúng bão hòa với sắt
  • Tương tự, có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung sắt làm tăng tính nhạy cảm với hoặc kích hoạt lại các bệnh nhiễm trùng không hoạt động, chẳng hạn như sốt rét hoặc bệnh lao. Nhưng mối liên quan lâm sàng là không rõ ràng
  1. Khả năng hoạt động:
  • Thiếu máu thiếu sắt mức độ trung bình có liên quan đến giảm khả năng làm việc, một phần do sắt cần thiết cho các enzym trong quá trình chuyển hóa hiếu khí

4. PHÒNG NGỪA THIẾU SẮT

Nhu cầu khuyến nghị:

  • Lượng sắt được khuyến nghị trong chế độ ăn (RDA) dựa trên nhu cầu về sắt, tỷ lệ sắt được hấp thụ trong khẩu phần và lượng sắt bị mất ước tính (ví dụ: do kinh nguyệt…). Ở trẻ nhũ nhi và trẻ em, một phần đáng kể của nhu cầu này là do sự gia tăng khối lượng hemoglobin và sắt trong mô do sự tăng trưởng

 RDA ở trẻ em dưới 12 tuổi (theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ):

  • Trẻ nhũ nhi
  • Đủ tháng : 1 mg/kg mỗi ngày (tối đa 15 mg)
  • Sinh non : 2 đến 4 mg/kg mỗi ngày (tối đa 15 mg)
  • Trẻ em
  • 1 đến 3 tuổi : 7 mg mỗi ngày
  • 4 đến 8 tuổi : 10 mg mỗi ngày
  • 9 đến 13 tuổi : 8 mg mỗi ngày

Các nhu cầu về sắt cho trẻ nhũ nhi được liệt kê ở trên được đáp ứng khi trẻ được bú sữa công thức có bổ sung sắt thích hợp.

  • Đối với trẻ bú mẹ, cần thêm nguồn sắt bổ sung (thức ăn bổ sung hoặc chế phẩm bổ sung sắt) theo tuổi và liều lượng sau (theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ):

– Trẻ đủ tháng: Bắt đầu bổ sung sắt khi trẻ 4 tháng tuổi (sắt nguyên tố 1 mg/kg mỗi ngày, tối đa 15 mg). Tiếp tục bổ sung cho đến khi trẻ tiêu thụ đủ lượng thực phẩm bổ sung giàu chất sắt (ví dụ ≥2 khẩu phần ngũ cốc tăng cường chất sắt cho trẻ nhũ nhi mỗi ngày)

– Trẻ sinh non: Bắt đầu bổ sung sắt khi trẻ được 2 tuần tuổi (sắt nguyên tố 2- 4 mg/kg mỗi ngày, tối đa 15 mg). Tiếp tục cung cấp sắt với liều ít nhất 2 mg/kg mỗi ngày, thông qua chất bổ sung hoặc sữa công thức tăng cường sắt cho đến 1 tuổi.

  • Đối với trẻ nhũ nhi trong các quần thể có tỷ lệ thiếu sắt cao, các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng việc bổ sung sắt phổ cập mang lại những lợi ích lâm sàng quan trọng
  • Tốc độ tăng trưởng được cải thiện ở trẻ bú mẹ được bổ sung sắt qua đường uống và kết quả phát triển tâm thần tốt hơn ở những trẻ được bắt đầu bổ sung sắt sớm hơn. Tuy nhiên, đối với trẻ mới biết đi hoặc trẻ lớn hơn trong các quần thể tương tự, vẫn chưa rõ liệu việc bổ sung sắt phổ cập có mang lại lợi ích hay không so với việc chỉ bổ sung ở những trẻ bị IDA
  • Các chiến lược khác để ngăn ngừa thiếu sắt khác nhau tùy theo vùng; bao gồm thực phẩm tăng cường sắt (ví dụ, tăng cường sắt trong bột ngô nguyên hạt, sữa, mì, hoặc gạo, …) và kiểm soát nhiễm giun móc và bệnh sốt rét.

Các chế độ ăn uống sau đây được khuyến nghị giúp đáp ứng nhu cầu sắt:

 Trẻ nhũ nhi:

  • Khuyến khích cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 đến 6 tháng đầu. Trẻ nhũ nhi nhận hơn một nửa dinh dưỡng từ sữa mẹ nên bắt đầu bổ sung sắt khi trẻ đủ tháng được 4 tháng tuổi và trẻ non tháng được 2 tuần tuổi; bổ sung nên tiếp tục cho đến khi trẻ nhận đủ sắt từ thức ăn bổ sung hoặc sữa công thức
  • Đối với trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi bú sữa công thức hoặc ít hơn một nửa dinh dưỡng từ sữa mẹ, nên cung cấp sữa công thức có bổ sung sắt (6 đến 12 mg sắt mỗi lít)
  • Không nên sử dụng sữa công thức có hàm lượng sắt thấp (< 6mg sắt mỗi lít) cho trẻ
  • Sữa công thức được tăng cường sắt là cần thiết để ngăn ngừa sự thiếu hụt
  • Không có tác dụng phụ nào đã được chứng minh của việc bổ sung sắt ở mức độ này
  • Khi 6 tháng tuổi, khuyến khích cho trẻ ăn một lần mỗi ngày các loại thực phẩm giàu vitamin C (ví dụ, trái cây họ cam quýt, dưa lưới, dâu tây, cà chua và các loại rau có màu xanh đậm) để tăng cường hấp thu sắt
  • Sau 6 tháng tuổi, hoặc khi sự phát triển tương đối hoàn thiện, cân nhắc việc cho trẻ ăn các loại thịt xay nhuyễn. 
  • Đối với tất cả trẻ nhũ nhi (<12 tháng), tránh cho trẻ bú sữa bò hoặc sữa dê không phải là sữa công thức

Trẻ 1 đến 5 tuổi: Trẻ trên 12 tháng mới nên uống sữa tươi

  • Hạn chế tiêu thụ sữa bò không quá 600 mL mỗi ngày
  • Nguy cơ thiếu sắt tăng lên ở trẻ nhỏ uống nhiều hơn 720 mL sữa mỗi ngày
  • Khuyến khích ít nhất ba phần ăn mỗi ngày thực phẩm chứa sắt (ví dụ, ngũ cốc tăng cường sắt, 85gam thịt, hoặc 113gam đậu phụ); trẻ em ăn ít hơn mục tiêu này thường có lượng sắt dưới mức tối ưu và có thể hưởng lợi từ việc bổ sung sắt
  • Đừng quên xổ giun định kỳ cho trẻ từ 12 tháng tuổi

Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur

TÀI LIỆU THAM KHẢO