Sinh non là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ dao động từ 9.8% đến 10.6% trên thế giới và khoảng 9.4% tại Việt Nam. Để giảm thiểu nguy cơ này, các biện pháp dự phòng sinh non nên được chú trọng ngay từ đầu thai kỳ.
1.Sinh non là gì?
Thông thường một thai kỳ bình thường kéo dài 9 tháng 10 ngày (40 tuần). Sinh non được định nghĩa là trẻ sinh ra từ tuổi thai 22 tuần đến trước 37 tuần.
2. Tại sao sinh non lại đáng lo ngại?
Trẻ sinh non dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, bệnh lý võng mạc, rối loạn thân nhiệt, bệnh tim bẩm sinh, và các vấn đề về tiêu hóa, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, thiếu máu, nguy cơ bại não. Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tức thời mà còn dẫn đến các vấn đề lâu dài như chậm phát triển ngôn ngữ, khó khăn trong vận động, khiếm khuyết về thính lực và thị lực, khó khăn trong học tập và tâm lý. Vì vậy, sinh non đặt ra nhiều thách thức lớn trong việc chăm sóc y tế và sự phát triển toàn diện của trẻ về sau.
3. Các yếu tố nguy cơ gây sinh non
– Yếu tố nguy cơ từ mẹ
- Các bệnh lý cấp tính: bao gồm sốt cao, viêm ruột thừa, nhiễm trùng tiểu không triệu chứng và bệnh lý nha chu.
- Bệnh lý mạn tính: cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận.
- Tiền sử sinh non: phụ nữ có tiền sử sinh non có nguy cơ cao tái diễn tình trạng này.
- Ra huyết âm đạo trong thai kỳ và bất thường tử cung như dị dạng tử cung bẩm sinh, u xơ tử cung.
- Chiều dài cổ tử cung (CTC) ngắn và các can thiệp y tế như tiền sử khoét chóp CTC.
- Yếu tố di truyền và lối sống như hút thuốc lá, hoạt động thể lực quá mức.
– Yếu tố nguy cơ từ con
- Đa thai là yếu tố nguy cơ hàng đầu
- Thai sau thụ tinh trong ống nghiệm (ngay cả đơn thai).
- Nhiễm trùng ối và ối vỡ non.
- Thai chậm tăng trưởng, thai dị tật.
- Nhau tiền đạo, nhau bong non, và đa ối.
4. Biện pháp sàng lọc tối ưu nhất?
– Chiều dài cổ tử cung (CTC) được xem là dấu hiệu mạnh nhất để dự đoán nguy cơ sinh non, đặc biệt là trong việc phát hiện sớm các trường hợp có khả năng chuyển dạ sinh non. Chiều dài CTC có mối quan hệ chặt chẽ với nguy cơ này, bất kể thai phụ có hay không có tiền sử sinh non.
– Kỹ thuật siêu âm ngã âm đạo là phương pháp tối ưu để đo chiều dài CTC. Đây là tiêu chuẩn vàng trong dự đoán nguy cơ sinh non, đặc biệt hữu ích ở những thai phụ có CTC ngắn (<= 25 mm). Những thai phụ có chiều dài CTC ngắn trong tam cá nguyệt thứ hai có nguy cơ sinh non cao hơn đến 4.5 lần so với người bình thường.
– Do đó, biện pháp dự phòng cần được áp dụng cho tất cả các thai phụ, kể cả trong thai kỳ đơn thai không triệu chứng, nhằm giảm thiểu nguy cơ sinh non.
5. Thời điểm sàng lọc nào là phù hợp nhất?
– Theo hướng dẫn của ISUOG 2022:
- Đối với đơn thai không tiền sử sinh non: đo chiều dài CTC qua siêu âm đường âm đạo ở tuần thứ 18-24.
- Đơn thai có tiền sử sinh non từ 28-36 tuần: đo chiều dài CTC qua siêu âm đường âm đạo tuần ở 16.
- Đơn thai có tiền sử sảy thai hoặc sinh non tự nhiên từ tuần thứ 14-27: đo chiều dài CTC qua đường âm đạo ở tuần 14.
6. Các biện pháp dự phòng
– Dự phòng sinh non không can thiệp:
- Khuyến cáo và giáo dục cộng đồng tránh mang thai ngoài ý muốn và duy trì khoảng thời gian tối ưu giữa 2 lần mang thai là 18 tháng.
- Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ 18-44 tuổi trước và giữa những lần mang thai nhằm điều trị những bệnh mạn tính và cải thiện thói quen nguy cơ (hút thuốc lá, uống rượu,…)
- Xác định nhóm phụ nữ nguy cơ sinh non và đề xuất phương pháp điều trị dự phòng phù hợp.
- Không chỉ định sinh trước 39 tuần nếu không vì lý do y khoa.
- Trong trường hợp thụ tinh ống nghiệm, chuyển 1 phôi nếu phù hợp để giảm tỉ lệ đa thai.
– Dự phòng sinh non có can thiệp:
- Dự phòng bằng thuốc: Progesterone đặt âm đạo giúp giảm tỉ lệ sinh non.
- Khâu vòng cổ tử cung dự phòng.
- Phối hợp khâu vòng cổ tử cung và progesteron.
- Điều trị nội khoa ổn định các bệnh mạn tính của mẹ.
- Tầm soát và điều trị nhiễm trùng tiểu, viêm cổ tử cung,…
7. Mẹ bầu cần làm gì để dự phòng sinh non?
– Khám thai định kỳ: Khám thai thường xuyên giúp sàng lọc và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sinh non, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
– Dinh dưỡng cân đối: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giúp thai nhi phát triển tốt và tăng cường sức khỏe cho người mẹ.
– Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập luyện với cường độ nhẹ không gây hại, nhưng cần tránh vận động quá sức, đặc biệt ở những thai phụ có nguy cơ sinh non cao.
– Tránh thuốc lá và rượu: Không hút thuốc lá và uống rượu trong thai kỳ vì chúng làm tăng nguy cơ sinh non và gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
– Kiêng giao hợp trong thai kỳ có nguy cơ cao: Ở những trường hợp có nguy cơ sinh non, nên tránh giao hợp vì cơn gò tử cung có thể xuất hiện sau khoái cảm, và tinh dịch có thể gây co thắt tử cung.
– Theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ sinh non: Nếu có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
– Điều trị khi có khí hư âm đạo: Nếu phát hiện có khí hư bất thường, cần thăm khám và điều trị sớm vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sinh non và vỡ ối sớm.
Sinh non là một tình trạng đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và là thách thức lớn trong chăm sóc thai kỳ. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này, góp phần bảo vệ thai kỳ an toàn cho mẹ và bé.
Sàng lọc sớm và thường xuyên, tuân thủ lối sống lành mạnh, và thực hiện các biện pháp can thiệp y tế khi cần thiết là những bước quan trọng để phòng ngừa sinh non hiệu quả. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp mẹ bầu nhận thức rõ hơn về các biện pháp chăm sóc thai kỳ, từ đó đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con ngay từ trong bụng mẹ.
Bs Lê Thị Nhung – Phòng khám đa khoa Pasteur
Nguồn tham khảo:
1.Tổ chức Y tế Thế giới – WHO
2. Phác đồ điều trị Sản Phụ khoa 2022 – BV Từ Dũ
3. NICE Clinical guideline: Preterm labour and birth, 2023
4. ISUOG Guidelines 2022
5. CDC Grand Rounds: Public Health Strategies to Prevent Preterm Birth