Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là gì? Tại sao phải tầm soát ung thư? Địa chỉ khám tầm soát ung thư ở đâu tốt tại Đà Nẵng.. Tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, phổi, gan, dạ dày, vòm họng, đại trang tuyến giáp… như thế nào là đúng cách?
Tất cả các câu hỏi cũng như thắc mắc sẽ được BS CKII Nguyễn Hữu Hòa tại phòng khám đa khoa Pasteur giải thích đầy đủ và chuyên sâu qua bài viết này để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn và tổng quan hơn cũng như có thêm kiến thức về vấn đề này một cách rõ ràng nhất.
A/ Tại sao phải tầm soát ung thư?
Ung thư ngày nay đang gia tăng trên toàn cầu, nhất là ở những nước đang phát triển, và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi. Ung thư ở giai đoạn trễ điều trị rất khó khăn, khả năng trị khỏi rất thấp, còn ở giai đoạn sớm hoặc rất sớm thì khả năng trị khỏi rất cao. Do đó, song song với phòng ngừa ung thư, chúng ta phải phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm. Đó chính là vai trò của tầm soát ung thư.
Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh.
Ung thư giai đoạn rất sớm hầu hết được chữa khỏi bằng phương pháp đơn giản, ít tốn kém, với rất ít tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ.
Ngoài ra, tầm soát ung thư còn phát hiện được những tổn thương tiền ung thư, là những tổn thương không phải ung thư nhưng có nhiều khả năng chuyển thành ung thư sau này.
B/ Tầm soát ung thư thế nào cho đúng cách?
Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và ứng dụng vào trong y học, ngày càng có nhiều phương pháp tầm soát ung thư có giá trị phát hiện bệnh cao (độ nhạy cao).
* Đó là những phương pháp nào?
1/ Xét nghiệm các dấu hiệu sinh học bướu, có nơi gọi là dấu ấn ung thư, có vai trò trong tầm soát ung thư không?
Theo Viện Sinh hóa Lâm sàng Hoa Kỳ, Hội Dấu hiệu sinh học bướu Châu Âu và nhiều tổ chức ung thư trên thế giới, hiện nay hầu như không có một xét nghiệm máu đơn độc nào có giá trị trong tầm soát ung thư cho mọi đối tượng. Đó là do:
– Ung thư giai đoạn rất sớm với bướu còn nhỏ hầu hết không tạo ra đủ lượng trong máu để có thể phát hiện được khi làm xét nghiệm. Trong cơ thể chúng ta đã có ung thư nhỏ rồi mà hầu hết dấu hiệu sinh học bướu không tăng. Như vậy chúng ta đã bỏ sót ung thư khi làm xét nghiệm máu, nghĩa là khả năng phát hiện bệnh thấp mà trong y học gọi là độ nhạy thấp, âm tính giả cao).
– Các dấu hiệu sinh học bướu có thể tăng trong các bệnh lành tính, không phải ung thư, có nghĩa là khi dấu hiệu sinh học bướu tăng nhưng không phải do ung thư mà do các bệnh lành tính gây ra.
Có người cho rằng, xét nghiệm dấu hiệu sinh học bướu nếu tăng thì sẽ đi làm xét nghiệm khác để xác định. Điều này không đủ và bỏ sót rất nhiều vì khả năng dấu hiệu sinh học bướu tăng khi ung thư còn nhỏ là rất thấp. Mặt khác, khi dấu hiệu sinh học bướu tăng mà kết luận có ung thư là không chính xác hoặc làm thêm các xét nghiệm khác để truy tìm ung thư sẽ gây tốn kém hoặc gây lo lắng quá mức.
Trong khám sức khỏe tổng quát, thường chúng ta làm các xét nghiệm máu như CA15-3 tầm soát ung thư vú, CA125 tầm soát ung thư buồng trứng, CEA tầm soát ung thư đại tràng- trực tràng, AFP tầm soát ung thư gan…cho mọi đối tượng là không chính xác. Thật sự các xét nghiệm này không có vai trò tầm soát như vậy.
2/ Dấu hiệu sinh học bướu có giá trị gì?
Các dấu hiệu sinh học bướu hầu hết chỉ có giá trị góp phần trong đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư và theo dõi tái phát bệnh về sau. Chẳng hạn khi bệnh nhân mắc bệnh ung thư, xét nghiệm dấu hiệu sinh học bướu có tăng lên rồi giảm đi sau điều trị, chứng tỏ điều trị có hiệu quả.
Dấu hiệu sinh học bướu tăng lên trong lúc theo dõi sau điều trị cho biết bệnh tái phát hay tiến triển.
3/ Các phương tiện tầm soát ung thư có giá trị hiện nay?
Các phương tiện có giá trị cao trong tầm soát ung thư là những phương tiện có khả năng phát hiện bệnh cao, ít bỏ sót bệnh. Sau đây là một số phương tiện hiện nay được sử dụng nhiều trên thế giới để tầm soát ung thư:
Tầm soát ung thư vú:
Nhũ ảnh là chụp X quang tuyến vú, có khả năng phát hiện ung thư vú không sờ thấy có giá trị nhất hiện nay trong tầm soát ung thư vú ở phụ nữ. Phương tiện này thường áp dụng cho phụ nữ trên 40 tuổi. Phụ nữ ở tuổi này mô tuyến (mô tạo sữa khi mang thai và cho con bú) thường ít hơn mô mỡ nên nhũ ảnh dễ phát hiện tổn thương ung thư hơn.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) đề nghị tầm soát ung thư vú cho phụ nữ nguy cơ cao ung thư vú khi mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, xạ trị thành ngực lúc 20-30 tuổi.
Ngoài ra, phát hiện sớm ung thư vú có thể bằng tự khám tuyến vú hằng tháng, đi khám lâm sàng định kỳ mỗi năm.
Siêu âm vú không phải là phương tiện tầm soát, vì khó phát hiện được tổn thương ung thư nhỏ biểu hiện bằng vôi hóa li ti, nhưng có vai trò hỗ trợ sau chụp nhũ ảnh nghi ngờ ung thư vú hoặc nhu mô vú dày.
Tầm soát ung thư cổ tử cung:
Phết tế bào học cổ tử cung (còn gọi là xét nghiệm PAP) là dùng một que hoặc bàn chải phết vào cổ tử cung để lấy các tế bào và quan sát dưới kính hiển vi, có thể kết hợp với soi cổ tử cung để thấy rõ vùng cần phết. Giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư (dị sản) hoặc ung thư tiền xâm lấn, ung thư tại chỗ (giai đoạn 0).
Kết hợp thêm xét nghiệm ADN virut HPV đánh giá nguy cơ ung thư.
Tầm soát ung thư phổi:
Chụp CT xoắn ốc liều thấp, đây là một loại CT có độ phân giải cao và tốc độ nhanh giúp phát hiện tổn thương nhỏ và ít độc tính bởi liều xạ thấp.
X quang ngực có thể thay thế cho CT nhưng giá trị thấp hơn.
Tầm soát ung thư gan:
Xét nghiệm AFP kết hợp với siêu âm cho nhóm nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan B hoặc C, nghiện rượu.
Tầm soát ung thư trực – đại tràng:
Thử máu ẩn trong phân và nội soi:
Bướu thường gây xuất huyết ngay cả khi còn nhỏ, do đó nếu xét nghiệm máu trong phân mà dương tính thì sau đó tiến hành nội soi để tìm tổn thương. Ngoài ra, có thể trực tiếp nội soi để phát hiện trực tiếp tổn thương ngay từ đầu. Nội soi không những giúp phát hiện ung thư sớm mà còn phát hiện được tổn thương tiền ung thư, thường dạng políp và qua đó cắt luôn políp này.
Tầm soát ung thư dạ dày:
Cũng giống đại trực tràng, dạ dày là cơ quan hình ống, rỗng nên nội soi là phương pháp có giá trị nhất trong tầm soát. Nội soi giúp nhìn thấy trực tiếp tổn thương trong lòng dạ dày, nơi đây ung thư thường xuất hiện.
Tầm soát ung thư da và hốc miệng:
Không cơ quan hay cấu trúc nào thuận lợi như da và hốc miệng. Da là cấu trúc bao bọc bên ngoài cơ thể, hốc miệng là cơ quan cửa ngỏ cơ thể, có thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường.
Thăm khám lâm sàng hốc miệng giúp phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư như bạch sản, hồng sản hay một tổn thương nhỏ lâu lành trong hốc miệng.
Quan sát da có thể thấy được vết loét hay sùi, u cục nhỏ hay sự thay đổi tính chất một nốt ruồi.
Tầm soát ung thư tuyến giáp:
Tuyến giáp là cơ quan nằm ngay trước cổ. Siêu âm là một phương tiện không có hại, chi phí thấp có thể phát hiện ung thư rất nhỏ, có thể phát hiện khi ung thư chỉ vài milimét. Một cách khác là khám cổ định kỳ có thể sờ thấy nhân giáp nhỏ.
Tầm soát Ung thư tuyến tiền liệt:
Kết hợp thăm khám trực tràng bằng ngón tay hoặc siêu âm qua ngã trực tràng và xét nghiệm PSA máu.
Siêu âm qua ngã bụng khó phát hiện bướu nhỏ tuyến tiền liệt.
4/ Các phương tiện tầm soát ung thư đã được công nhận có hạn chế không?
Một số phương tiện đắc tiền, đó là hạn chế thứ nhất.
Hạn chế thứ hai, tầm soát cho kết quả là ung thư hoặc không nhưng thực tế kết quả ngược lại, trong y học gọi là dương tính giả và âm tính giả.
Thật khó khăn khi phải chọn lựa giữa phương tiện tầm soát rẻ tiền không chính xác và phương tiện đắc tiền chính xác hơn. Nếu vì chi phí cao mà chọn các phương tiện rẻ tiền có giá trị thấp thì chúng ta phải nhớ rằng khả năng phát hiện ung thư sớm rất thấp, khả năng bỏ sót bệnh cao, nhiều khi đã mắc ung thư rồi mà phát hiện không ra.
5/ Ai sẽ là đối tượng của tầm soát ung thư?
Nói chung, tất cả mọi người đều có thể được tầm soát vì ung thư có thể gặp ở bất cử tuổi nào, bất cứ ai. Tuy nhiên, tầm soát ung thư thường nhằm vào các đối tượng dễ bị, đối tượng nguy cơ cao và nhằm vào các bệnh ung thư thường gặp.
Đối tượng nguy cơ cao là những người trong gia đình có người bị ung thư, thuộc nhóm tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao, những người có tiếp xúc yếu tố nguy cơ cao gây ung thư.
Chẳng hạn, ung thứ vú thường gặp ở nữ trên 40 tuổi, phụ nữ béo phì, phụ nữ mãn kinh dùng nội tiết tố nữ thay thế; ung thư đại tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, tiền căn gia đình có người bị ung thư đại tràng.
Tầm soát theo chương trình là tầm soát cho một nhóm người trong dân số nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư thường gặp.
Tầm soát cá nhân là những người trong nhóm nguy cơ nhận thức được ích lợi của tầm soát và tự đi tầm soát.
6/ Ung thư nào được đưa vào chương trình tầm soát hàng đầu?
Một ung thư được đưa vào tầm soát hàng đầu trong dân số phải thỏa đủ các đặc điểm sau:
- Ung thư thường gặp trong dân số
- Đối tượng tầm soát của chương trình thuộc nhóm nguy cơ cao
- Có phương tiện dễ thực hiện, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cao, chi phí thấp.
- Có khả năng lấy được mẫu khi phát hiện tổn thương
- Khả năng trị khỏi cao, cải thiện được sống còn và giảm tỉ lệ tử vong.
* Các loại ung thư đủ tiêu chuẩn trên bao gồm: Ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi.
* Các loại ung thư gần đủ tiêu chuẩn trên bao gồm: Tuyến tiền liệt, bọng đái, tinh hoàn, nội mạc tử cung, buồng trứng, hốc miệng, thực quản, dạ dày, gan, bướu nguyên bào thần kinh
7/ Tổn thương phát hiện khi tầm soát sẽ được xác định là ung thư, có vậy đúng không?
Không phải vây.
+ Các loại tổn thương có thể phát hiện khi tầm soát bao gồm không có bất thường nào, tổn thương lành tính, tổn thương tiền ung thư, tổn thương nghi ngờ ung thư thấp, tổn thương nghi ngờ ung thư cao.
+ Các tổn thương tiền ung thư là những tổn thương có khả năng chuyển thành ung thư sau nhiều năm.
+ Các tổn thương nghi ngờ ung thư thấp đa số sẽ được theo dõi và đánh giá lại trong thời gian ngắn.
Tổn thương nghi ngờ ung thư cao sẽ được lấy mẫu tế bào (mẫu nhỏ) hoặc mẫu mô (mẫu lớn) để xác định ung thư. Ví dụ như đốm vôi hóa li ti phát hiện trên nhũ ảnh, polyp phát hiện trong nội soi đại tràng (ruột già), một khối trong gan kèm theo AFP tăng, một khối trong tuyến tiền liệt kèm PSA tăng, một chỗ dày mất bóng trong nội soi dạ dày, một nhân giáp vôi hóa li ti hoặc tăng sinh mạch máu trung tâm, dị sản nặng kèm theo HPV dương tính ở cổ tử cung…
8/ Tầm soát ung thư vào thời điểm nào và khi nào lặp lại tầm soát?
Khi bạn muốn tầm soát ung thư thì nên thực hiện càng sớm càng tốt, khi bắt đầu vào tuổi nguy cơ. Nên lặp lại định kỳ 6 tháng, 1 năm, 2 năm …tùy theo loại ung thư.
Ngoài ra, chưa đến kỳ tầm soát nhưng bạn có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ ung thư thì nên đi khám chuyên khoa ngay.
9/ Khi bạn đi tầm soát hãy đặt các câu hỏi đối với bác sĩ
– Bác sĩ đề nghị cho tôi những xét nghiệm nào? Tại sao?
– Chi phí xét nghiệm bao nhiêu? Bảo hiểm sức khỏe có giúp trả chi phí cho các xét nghiệm tầm soát không?
– Các xét nghiệm có gây tác hại gì không?
– Sau khi làm xét nghiệm, bao lâu tôi sẽ biết kết quả?
– Nếu kết quả có vấn đề, bác sĩ sẽ thấy thế nào nếu tôi bị ung thư?
Tóm lại, tầm soát ung thư định kỳ và đúng phương pháp giúp phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đọan rất sớm, sẽ đem đến cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao và ít tốn kém. Để được hướng dẫn tầm soát một cách cụ thể các bạn hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ phương tiện và chuyên môn.
….
Như vậy bài viết trên BS. CKII Nguyễn Hữu Hòa đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về tầm soát ung thư cho bạn đọc hiểu rõ hơn.. Nếu cần tư vấn, trao đổi hay có vấn đề gì có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 023 63811868 của chuyên khoa ung bướu của phòng khám đa khoa Pasteur để được các bác sĩ chuyên sâu tư vấn miễn phí cũng như thăm khám và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn..
Chúc các bạn luôn có sức khỏe tốt!
BS CKII Nguyễn Hữu Hòa
Phòng khám đa khoa Pasteur
Từ khóa tìm kiếm: tam soat ung thu, chẩn đoán ung thư, khám ung thư