Đặc trưng của cây kim tiền thảo
Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium) là một loại thuốc nam thân thảo, ngọn thân dẹt, có nhiều khía và lông tơ trắng. Cây còn có tên gọi khác là cây mắt trâu, mắt rồng, vảy rồng hay đồng tiền lông…Đây là loại thảo dược phổ biến trong hỗ trợ điều trị sỏi đường tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng.
Trong Y Học Cổ Truyền, kim tiền thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt và lợi niệu, thường được dùng trong điều trị những triệu chứng rối tiểu tiện do sỏi đường tiết niệu gây nên. Bên cạnh đó, một tác dụng phổ biến của cây trong sỏi đường tiết niệu là làm giảm kích thước của viên sỏi.
Tác dụng của kim tiền thảo khi điều trị sỏi tiết niệu
Kim tiền thảo có Soyasaponin I làm ức chế sự hình thành sỏi canxi oxalat. Kim tiền thảo còn giúp kích thích bài tiết citrate giúp giảm khả năng kết tinh của sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, cũng có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn giúp giảm tình trạng phù nề của niêm mạc đường tiết niệu, tạo điều kiện cho sỏi di chuyển ra ngoài hơn.
Theo các nghiên cứu đã chứng minh rằng, kim tiền thảo làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu. Nhờ đó, có công dụng giúp đào thải lượng canxi cặn ra bên ngoài cơ thể mà không lắng đọng tạo thành tinh thể khi chưa đạt đến nồng độ bão hòa.
Đồng thời, thảo dược này còn có tác dụng giúp tăng bài tiết lượng citrat niệu qua đó tăng đào thải oxalat, giảm hình hình thành canxi oxalat và giảm hình thành sỏi thận.
Có thể dùng kim tiền thảo ở dạng đun sắc nước uống hoặc nghiền thành bột. Một số thảo dược khác như râu mèo, râu ngô, hoàng bá, nhọ nồi…có thể được phối hợp cùng thảo dược này trong những trường hợp sỏi đường tiết niệu.
Tùy theo kích thước viên sỏi và tình trạng cụ thể của người bệnh như bệnh lý kèm theo, mang thai…mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kim tiền thảo hay không, sử dụng với số lượng như thế nào, thời gian bao lâu. Các loại thảo dược nói chung và kim tiền thảo nói riêng cần được tư vấn và chỉ định bởi bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất cũng như hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
Hiện nay, loại thảo dược này đã được ứng dụng trong việc giảm những tổn thương thận do sỏi cũng như các tinh thể trong nước tiểu gây nên. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả và cơ chế cụ thể của cây vẫn cần được thực hiện thêm.
Ảnh hưởng khi uống nhiều kim tiền thảo
Theo Y Học Cổ Truyền, kim tiền thảo là loại cây lành tính, an toàn và không để lại tác dụng phụ gì nhiều đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần lưu ý một số trường hợp sau:
- Điều trị bệnh sỏi thận: Như đã trình bày ở trên, thảo dược này có tác dụng tốt trong điều trị sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Nhưng, kim tiền thảo chỉ có giá trị trong điều trị sỏi nhỏ hơn 1cm. Vì vậy trước khi bạn có ý định sử dụng vị thuốc này trong điều trị bạn cần xác định được kích thước và tình trạng sỏi thận của mình.
- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, nếu muốn sử dụng vị thuốc này bạn cần sự tư vấn và theo dõi sát từ các bác sĩ sản khoa. Bởi đây có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi.
- Điều trị hoặc tiền sử mắc bệnh dạ dày: Bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá trước khi sử dụng kim tiền thảo.
Tham khảo: Wikipedia
>> Để được thăm khám khi có các biểu hiện về sỏi tiết niệu tại khoa Tiết niệu-nam khoa phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868