Sởi (measles), hay rubeola, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Đây là một trong những bệnh lây lan mạnh, ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ, tuy nhiên người lớn chưa tiêm vắc xin cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Virus sởi lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, miệng.
Trước khi vắc xin được phổ biến rộng rãi, sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt ở các khu vực nghèo và kém phát triển. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể.
Triệu chứng của bệnh Sởi
Triệu chứng thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: Triệu chứng sởi không xuất hiện ngay sau khi nhiễm virus mà có thời gian ủ bệnh từ 7-14 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 3 ngày
- Triệu chứng giống cúm: sốt cao, mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng và ho.
- Viêm kết mạc: mắt đỏ, kèm theo chảy nước mắt.
- Dấu Koplik: thường xuất hiện ở niêm mạc má và nướu răng, đặc trưng bởi các chấm trắng nhỏ nằm rải rác trên nền viêm đỏ.
- Giai đoạn toàn phát: Là giai đoạn phát ban, ban sởi xuất hiện đầu tiên ở mặt và cổ, trong vòng 3 ngày sẽ lan khắp toàn thân. Các ban có xu hướng kết hợp với nhau tạo thành mảng. Ban sởi thường không ngứa hoặc ít ngứa.
- Giai đoạn hồi phục: Ban bắt đầu lặn vào ngày thứ 3 kể từ khi phát ban, trước tiên ở mặt và cuối cùng ở chân. Các vết thâm có thể tồn tại khoảng 10 ngày.
2. Biến chứng của bệnh Sởi
Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu:
- Viêm phổi: Là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất, chiếm đa số ca tử vong do sởi.
- Viêm não: Tuy hiếm gặp (1/1000 ca), nhưng có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
- Mù: Trường hợp viêm củng mạc có bội nhiễm vi khuẩn hoặc trên cơ địa thiếu vitamin A có thể gây mù lòa.
- Tiêu chảy: Xảy ra trước hoặc trong giai đoạn phát ban, nếu có bội nhiễm vi khuẩn hoặc virus khác sẽ làm tình trạng tiêu chảy nặng nề và kéo dài hơn.
- Viêm tai giữa: Là biến chứng rất thường gặp ở trẻ em
3. Chẩn đoán bệnh Sởi
Chẩn đoán sởi chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng, nhất là khi xuất hiện dấu Koplik và phát ban điển hình, cũng như dịch tễ tiếp xúc với người mắc sởi và chưa tiêm ngừa vắc xin. Trong trường hợp không điển hình, xét nghiệm xác nhận nhiễm virus qua kháng thể IgM hoặc phát hiện RNA của virus bằng kỹ thuật PCR.
4. Điều trị bệnh Sởi
4.1.Nguyên tắc điều trị:
- Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ.
- Người bệnh mắc sởi cần được cách ly ít nhất 4 ngày sau khi ban xuất hiện.
- Phát hiện và điều trị sớm biến chứng.
- Không sử dụng corticoid khi chưa loại trừ sởi
4.2. Điều trị hỗ trợ:
- Vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa bội nhiễm.
- Tăng cường dinh dưỡng
- Hạ sốt: Paracetamol, lau mát bằng nước ấm.
- Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống.
- Bổ sung vitamin A:
+ Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ 6 – 12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ trên 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên sau 4 – 6 tuần.
4.3. Điều trị biến chứng
5. Phòng ngừa
Bệnh sởi có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Chương trình tiêm chủng mở rộng khuyến cáo tiêm đủ 2 mũi:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi)
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi – rubella)
Đối với trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, người lớn chưa được tiêm phòng và chưa từng bị sởi: Cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ.
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
6. Tầm quan trọng của vắc xin trong kiểm soát sởi
Vắc xin không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người không thể tiêm phòng, như trẻ sơ sinh hoặc người suy giảm miễn dịch. Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng đạt trên 95%, virus sởi khó có khả năng lây lan rộng rãi, dẫn đến hiệu quả bảo vệ gián tiếp cho cả những người chưa được tiêm.
Lợi ích kinh tế của vắc xin cũng rất đáng chú ý. Một đợt dịch sởi không chỉ tốn kém về chi phí điều trị mà còn làm tăng áp lực lên hệ thống y tế và làm giảm năng suất lao động. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí tiêm chủng vắc xin sởi thấp hơn rất nhiều so với chi phí kiểm soát và điều trị khi dịch xảy ra.
7. Những thách thức trong việc loại trừ bệnh sởi
Dù sởi có thể phòng ngừa hiệu quả, nhưng việc loại trừ hoàn toàn bệnh này vẫn đối mặt với nhiều thách thức:
- Phong trào chống vắc xin: Thông tin sai lệch và sự e ngại về an toàn vắc xin đã làm giảm tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi, đặc biệt tại các nước phát triển.
- Tiếp cận vắc xin hạn chế: Ở các nước thu nhập thấp, hệ thống y tế yếu kém và chi phí cao làm giảm khả năng tiếp cận vắc xin.
- Tình trạng di cư: Việc di chuyển giữa các khu vực, quốc gia làm gia tăng nguy cơ lây lan virus giữa các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng khác nhau.
Để vượt qua những thách thức này, cần đẩy mạnh chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện hệ thống y tế.
Bs Châu Thị Minh Hiền – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Bệnh sởi – Bộ Y tế – 2014
- Hướng dẫn Tiêm vắc xin phòng sởi – Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – 2019
- Measles – Tổ chức Y tế Thế giới – 2024
- Measles – Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh – 2022