Viêm tai giữa cấp là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, được xác định bởi sự căng phồng của màng nhĩ hoặc có dấu hiệu viêm cấp tính và hiện diện dịch trong tai giữa hoặc chảy mủ tai sau khi đã loại trừ viêm ống tai ngoài. Đa phần tình trạng này gây ra do vi khuẩn tồn tại ở đường mũi họng mà hầu như tất cả trẻ em đều có. Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp, như cảm lạnh hoặc cúm.
Viêm tai giữa cấp (VTG cấp) là nguyên nhân hàng đầu bệnh lý cấp tính và là lí do phổ biến nhất của việc sử dụng kháng sinh ở trẻ em. Nó có thể xảy ra ở tất cả độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ 6-24 tháng, không gặp nhiều ở trẻ độ tuổi đến trường và thanh thiếu niên. Trẻ phát hiện viêm tai giữa cấp lần đầu ở độ tuổi <6 tháng thường dễ tăng nguy cơ VTG cấp tái phát sau này. Trẻ ít hoặc không có đợt viêm tai giữa cấp trước 3 tuổi thì thường không có khả năng tái phát viêm tai giữa cấp thường xuyên.
Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra cực kỳ lo lắng cho con của mình và thắc mắc “Liệu có cách nào giải quyết dứt điểm tình trạng này và con không mắc viêm tai giữa cấp tái đi tái lại nữa hay không?”
Cùng Nhi khoa Pasteur giải đáp thắc mắc qua những thông tin sau đây.
1. VIÊM TAI GIỮA CẤP
Viêm tai giữa cấp tái phát được định nghĩa là có từ 3 đợt viêm tai giữa trở lên trong vòng 6 tháng hoặc từ 4 đợt trở lên trong vòng 1 năm. Trẻ <6 tháng mà bị viêm tai giữa cấp là yếu tố tiên lượng của viêm tai giữa nặng hoặc tái diễn. Khi nói đến các phương pháp điều trị viêm tai giữa cấp tái phát, điều quan trọng trước tiên là cần đảm bảo chẩn đoán bệnh chính xác.
Viêm tai giữa cấp tái phát là sự phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai giữa cấp sau khi kết thúc một đợt điều trị thành công. Cũng như ở giai đoạn đầu của viêm tai giữa, màng nhĩ căng phồng hoặc các dấu hiệu viêm cấp khác là dấu hiệu rất quan trọng để chẩn đoán. Điều này tránh sử dụng kháng sinh khi không cần thiết cho trẻ viêm tai giữa thanh dịch dai dẳng.
2. ĐIỀU TRỊ VIÊM TAI GIỮA
Khi viêm tai giữa cấp tái phát, việc điều trị nên bao phủ hết các tác nhân kháng thuốc, đặc biệt là phế cầu kháng thuốc. Khi tái phát trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc liệu trình kháng sinh trước đó, đa phần là do sự tồn tại dai dẳng của mầm bệnh ban đầu. Đối với trẻ điều trị ban đầu với amoxicillin, đề nghị chuyển sang amoxicillin-clavulanate. Đối với những trẻ ban đầu điều trị với loại kháng sinh khác không phải amoxicillin, kháng sinh được lựa chọn sẽ là ceftriaxone, levofloxacin. Nếu tái phát sau 15 ngày kể từ khi hoàn tất liệu trình kháng sinh đợt trước thì thường đó là do tác nhân khác chứ không phải do vi khuẩn của đợt bệnh trước. Ở trường hợp này, mặc dù trẻ có nguy cơ cao mắc phải vi khuẩn không điển hình nhưng vẫn khuyến cáo điều trị khởi đầu với amoxicillin-clavulanate, thậm chí đợt trước trẻ đã được dùng kháng sinh này rồi.
2.1. Theo dõi
Phương pháp theo dõi này tức là sẽ theo dõi đáp ứng điều trị kháng sinh cho từng đợt tái phát viêm tai giữa cấp. Phương pháp này nhằm tránh nhu cầu gây tê, các biến chứng tiềm tàng của việc đặt ống thông màng nhĩ và tác dụng phụ của việc sử dụng kháng sinh dự phòng kéo dài ví dụ: tiếp xúc với các tác nhân đề kháng kháng sinh, kháng sinh gây tiêu chảy, thay đổi hệ vi sinh vật vốn có của đường hô hấp và tiêu hóa. Phương pháp này sẽ thích hợp đối với những trẻ > 2 tuổi bởi vì tần suất các đợt viêm tai giữa cấp tái phát giảm dần khi trẻ lớn lên và hệ miễn dịch hoàn thiện hơn.
2.2. Kháng sinh dự phòng
Điều trị dự phòng có thể hữu ích trong việc ngăn chặn viêm tai giữa cấp tái phát. Tuy nhiên, việc bảo vệ do dùng kháng sinh dự phòng này không được duy trì sau khi ngưng sử dụng, nhiều trẻ vẫn bị viêm tai giữa cấp tái phát sau ngưng thuốc.
- Hướng dẫn: Bắt đầu điều trị kháng sinh dự phòng sớm hơn ở những trẻ:
+ Dưới 2 tuổi
+ Có nhiều yếu tố nguy cơ viêm tai giữa cấp tái phát (đợt đầu tiên khi trẻ <6 tháng tuổi, đi nhà trẻ, tiền sử gia đình có mắc viêm tai giữa cấp tái phát..)
+ Điều kiện dễ mắc viêm tai giữa cấp: hở hàm ếch, hội chứng nhung mao bất động, thiếu hụt IgG, hội chứng Down, rối loạn chức năng ống Eustachian dai dẳng)
+ Nghi ngờ hoặc xác định có tình trạng chậm phát triển tinh thần và ngôn ngữ
+ Thủng màng nhĩ tái phát, liên quan đến tiến triển viêm tai giữa mủ mạn tính
+ Các đợt nặng hơn như đau tai trung bình – nặng, đau tai >=48h, nhiệt độ >=39°C
+ Trong quá trình theo dõi thì vẫn có nhiều đợt tái phát viêm tai giữa cấp
- Lợi ích:
Sử dụng kháng sinh kéo dài >6 tuần so với việc không điều trị để ngăn ngừa viêm tai giữa ứ mủ cấp và mạn tính thì kháng sinh dự phòng có tác dụng:
+ Giảm các đợt viêm tai giữa cấp
+ Giảm số đợt viêm tai giữa cấp trong khi sử dụng kháng sinh mỗi năm
- So sánh kháng sinh dự phòng so với đặt ống thông màng nhĩ:
Nếu trẻ không bị viêm tai giữa thanh dịch thì kháng sinh dự phòng có hiệu quả hơn.
- Tác dụng phụ: sử dụng kháng sinh dự phòng kéo dài điều trị viêm tai giữa cấp có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Ngoài ra còn gây phản ứng dị ứng thuốc và tiêu chảy, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột.
Kháng sinh dự phòng nên được dùng trong suốt những tháng thu, đông và đầu xuân, khi mà nhiễm trùng đường hô hấp thịnh hành nhưng không kéo dài hơn 6 tháng. Trong 1 thử nghiệm nhỏ thì việc điều trị mỗi ngày hiệu quả hơn là chỉ điều trị trong suốt đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Bùng phát viêm tai giữa cấp: xảy ra dù đã điều trị dự phòng với amoxicillin khi có tình trạng men beta-lactamase được sản xuất từ Haemophilus influenzae hoặc phế cầu đề kháng penicillin.
- Theo dõi: Trong quá trình điều trị dự phòng, trẻ em nên khám kiểm tra bất cứ khi nào chúng có dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm tai giữa cấp. Trẻ em không có các dấu hiệu viêm tai gữa cấp nên được khám kiểm tra mỗi 2 tháng để xác định sự hiện diện và thời gian tai ứ dịch.
2.3. Phẫu thuật
- Đặt ống thông màng nhĩ: Phẫu thuật mở màng nhĩ và đặt ống thông màng nhĩ giúp thoát dịch tai giữa, thông khí cho tai giữa và đưa niêm mạc tai giữa về trạng thái bình thường. Phương pháp này có vẻ tăng lên trong phòng ngừa viêm tai giữa tái phát khi mức độ đề kháng kháng sinh đang ngày càng phổ biến.
- Hướng dẫn:
+ Trẻ có những đợt bùng phát viêm tai giữa cấp khi đã điều trị kháng sinh dự phòng hoặc
+ Thường xuyên viêm tai giữa tái phát trong khi theo dõi bằng các đợt kháng sinh riêng lẽ
+ Dị ứng với nhiều loại thuốc không thể điều trị kháng sinh dự phòng
- Lợi ích:
Đặt ống thông màng nhĩ làm giảm tần suất viêm tai giữa cấp nặng ở những trẻ tái phát viêm tai giữa, nhưng bằng chứng thì hạn chế. Các đợt viêm tai giữa cấp ở trẻ có đặt ống thông màng nhĩ thường kèm theo dẫn lưu dịch tai giữa bị nhiễm trùng qua ống tai ngoài. Ngoài việc cho phép dẫn lưu dịch bị nhiễm trùng thì ống thông màng nhĩ cò làm giảm cơn đau hoặc mức độ nghiêm trọng của các đợt viêm tai giữa tiếp theo.
- Tác dụng phụ: chảy dịch tai liên tục, dai dẳng có thể phải loại bỏ ống thông ở 1 số trẻ; thủng màng nhĩ dai dẳng, xơ cứng màng nhĩ, teo màng nhĩ khu trú và cholesteatoma (khối u biểu bì lạc chỗ)
- Nạo V.A hoặc cắt amidan: không phải là biện pháp phòng ngừa ban đầu hiệu quả ở trẻ viêm tai giữa cấp tái phát mà chính nạo V.A kèm có hoặc không có cắt amidan hữu ích giảm số đợt viêm tai giữa cấp tái phát sau khi đặt ống thông màng nhĩ ban đầu.
3. PHÒNG NGỪA VIÊM TAI GIỮA
Đối với một em bé bị viêm tai giữa tái diễn có các phương pháp phòng ngừa sau.
3.1. Các biện pháp phòng ngừa chung
– Tránh khói thuốc lá
– Bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu
– Hạn chế dùng núm vú giả
– Chọn nhà trẻ ít trẻ
– Tiêm ngừa đầy đủ: phế cầu, cúm, 6 trong 1
– Vệ sinh tay, đồ chơi thường xuyên
3.2. Các biện pháp phòng ngừa xâm lấn
– Kháng sinh dự phòng: dùng kháng sinh liên tục trong mùa dễ viêm tai, tối đa 6 tháng
– Đặt ống thông màng nhĩ
– Nạo V.A
3.3. Điều trị bệnh nền: khuyết vòm, suy giảm miễn dịch
4. TÓM LẠI
– Điều trị viêm tai giữa cấp thường phức tạp và dễ tái phát nếu không được sử dụng đúng thuốc và điều trị đúng phác đồ. Tình trạng này thường sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên, thường 3-4 tuổi.
– Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể sẽ gây ra các biến chứng VÔ CÙNG NGHIÊM TRỌNG như viêm tai xương chũm, thậm chí thủng màng nhĩ và giảm thính lực. Khi màng nhĩ thủng, trẻ thường không cảm thấy đau, thậm chí trẻ dễ chịu hơn do áp lực bên trong màng nhĩ được giải phóng. Lượng dịch sau màng nhĩ có thể làm giảm thính lực của trẻ, nhưng thường là tạm thời. Tuy nhiên, biến chứng này có thể làm cản trở quá trình học nói của trẻ. Nếu lượng dịch tồn tại quá 3 tháng thì có thể cần đến phương pháp phẫu thuật.
– Kháng sinh là cần thiết cho trẻ nhỏ dưới sáu tháng tuổi bị viêm tai giữa cấp. Kháng sinh là cần thiết đối với trẻ bị viêm tai giữa cấp thủng màng nhĩ chảy mủ. Không nên sợ kháng sinh mà phải biết quý trọng kháng sinh để dùng nó tiết kiệm và hợp lý hơn.
– Tóm lại, quản lý tối ưu của viêm tai giữa cấp tái phát và dai dẳng là một thách thức trong lâm sàng. Chẩn đoán chính xác là bước đầu tiên trong quản lý tối ưu. Lựa chọn liệu pháp kháng sinh thích hợp phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh chính và tình trạng đề kháng kháng sinh.
– Và tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm tình trạng viêm tai giữa tái đi tái lại ở trẻ nếu:
+ Tuân thủ phác đồ điều trị, đúng liều lượng và thời gian điều trị
+ Khuyến cáo gia đình nên cho trẻ theo khám bởi cùng một bác sĩ chuyên khoa bởi có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và theo dõi điều trị trẻ.
+ Phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa cấp là vô cùng cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur