Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều loại men vi sinh. Nhưng loại nào được chứng minh là có hiệu quả, nó hiệu quả trong trường hợp nào và số lượng những vi sinh vật có lợi có trong sản phẩm men vi sinh đó có đủ hay không thì cần được làm rõ. Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur đã giải thích chi tiết trong bài viết dưới đây.
Bắt đầu từ năm 2012, men vi sinh (Probiotics) được Tổ chức y tế Thế Giới (WHO) cho rằng đây là những vi sinh vật thường trú có lợi. Nếu chúng ta cung cấp một lượng khuyến cáo đủ thì nó có thể mang lại hiệu quả cho cơ thể. Nhiều bậc phụ huynh hiện tại có mối quan tâm lớn đến men vi sinh (Probiotics) vì chúng được biết đến với những vai trò rất lớn.
Cho đến hiện tại có rất nhiều Probiotics được nghiên cứu nhưng những loại Probiotics được chứng minh là có lợi gồm 3 loại chính:
- Lactobacillus and BifidobacteriumBlends
- Saccharomyces boulardii, a beneficial yeast.
- Soil-Based Blends, usually Bacillus species.
Đối với những em bé tiêu chảy do nhiễm trùng; tiêu chảy có liên quan đến kháng sinh; 1 số trẻ viêm da cơ địa hoặc dị ứng đạm sữa bò hay bất dung nạp đường lactose thì Probiotics tỏ ra là có hiệu quả. Còn về điều trị táo bón hay biếng ăn thì vai trò của Probiotics chưa được chứng minh nhiều.
Ngoài các phương pháp điều trị bắt buộc như bù nước điện giải, bổ sung kẽm, sử dụng kháng sinh đúng, chế độ dinh dưỡng, 1 trong những phương pháp điều trị hỗ trợ được chứng minh có hiệu quả trong các nghiên cứu cũng như trong thực hành lâm sàng đối với trẻ tiêu chảy đó là bổ sung các men vi sinh, giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy, có thể tự sử dụng hoặc được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên muốn tự sử dụng phải biết chất lượng của men vi sinh. Men vi sinh trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau, có những men vi sinh có nguồn gốc từ vi khuẩn hoặc nấm men; có những men vi sinh đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng cũng có những men vi sinh không đạt tiêu chuẩn đó.
PHÂN BIỆT MEN VI SINH VÀ MEN TIÊU HÓA
Men vi sinh:
– Vi sinh vật sống có lợi mang lại sức khỏe cho cơ thể chúng ta khi bổ sung vào cơ thể đủ 1 lượng theo khuyến cáo
– Có thể có hoặc không khuyến cao từ bác sĩ; miễn tuân thủ đủ các tiêu chí về lựa chọn men vi sinh an toàn để bổ sung cho em bé. Men vi sinh tương đối an toàn, tùy vào mục đích sử dụng có thể dùng 2-3 tuần liên tiếp. Nếu dùng lâu hơn hay liều lớn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Men tiêu hóa:
– Do đường tiêu hóa tiết ra: tuyến nước bọt tiết amylase tiêu hóa tinh bột; dạ dày tiết acid clohydrid hay pepsin để tiêu hóa chất đạm; dịch mật tiêu hóa mỡ; men tụy tiêu hóa đạm, đường và mỡ. Đường ruột có lactase hoặc enterokinase để tiêu các chất đạm và đường. Đó là những men tự nhiên mà cơ thể sản xuất ra. Cơ thể có 1 cơ chế điều hòa ngược: là khi cơ thể có lượng men cao sẽ làm ức chế tiết men, do đó nếu cho trẻ uống men tiêu hóa mà không có khuyến cáo từ bác sĩ thì đường tiêu hóa sẽ không tiết ra những men tự nhiên đó nữa.
– Sử dụng theo từng đợt, mỗi đợt từ 10 – 15 ngày là kết thúc, kéo dài thời gian thêm phải có chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa trong những trường hợp đặc biệt.
2. CƠ CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA MEN VI SINH
Các nghiên cứu in vivo cho thấy rằng MEN VI SINH tác động thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Các cơ chế này bao gồm điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột bằng cách sản xuất nhiều loại chất gây ức chế cho cả hai vi khuẩn gram dương và gram âm; cải thiện cân bằng niêm mạc ruột bằng cách ức chế cạnh tranh vị trí bám dính của vi khuẩn trên bề mặt biểu mô ruột. Probiotics đã được chứng minh là giảm sản xuất các cytokine interferon-γ (IFN-γ), yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin-10 (IL-10) và IL-12 trong một số trường hơp tiền viêm, bao gồm viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
3. LỰA CHỌN MEN VI SINH ĐỦ TIÊU CHÍ SAU:
- S: Source/ Strain (chủng): nguồn gốc từ người (tồn tại trong hệ vi sinh đường ruột của người)
- S: Survival: chịu được và tồn tại được trong hàng rào bảo vệ khắc nghiệt của cơ thể (dịch acid dạ dày, dịch mật, dịch tụy để tiêu hóa thức ăn)
- S: Scientific studies: tính khoa học, có bằng chứng lâm sàng: có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng mình được cơ chế tác động của men vi sinh và hiệu quả trong quá trình thực hiện trên lâm sàng
- S: Safe: an toàn: có quy trình sản xuất chuẩn mực, đảm bảo an toàn, được bảo quản đúng và hợp lý; còn hạn sử dụng
- S: Strength: liều lượng: đủ liều, đúng các khuyến cáo (hệ vi sinh đường ruột 10^12-10^14 CFU nên khi bổ sung ít nhất phải 10^8 CFU mới làm thay đổi cân bằng hệ vi sinh đường ruột)
→Vì vậy các bậc phụ huynh không nên tự sử dụng men vi sinh mà hãy sử dụng dưới khuyến cáo của bác sĩ.
4. THỜI GIAN SỬ DỤNG MEN VI SINH
Để giảm triệu chứng trong thời gian ngắn, chẳng hạn như giảm tiêu chảy, một số loại men vi sinh có thể hoạt động chỉ trong vài ngày. Đối với các tình trạng mãn tính hoặc sức khỏe miễn dịch nói chung, có thể có lợi nhất khi dùng men vi sinh trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Do đó việc sử dụng men vi sinh lâu dài là an toàn và được chấp nhận tốt, có thể 2 tuần, 3 tuần, 3 tháng, thậm chí 6 tháng hoặc chia làm nhiều đợt phụ thuộc vào đối tượng sử dụng, tình trạng vấn đề sức khỏe là gì.
Men vi sinh nguồn gốc vi khuẩn thường chịu tác động của kháng sinh, khuyến cáo uống xa thuốc kháng sinh ít nhất 2h. Còn lại những men vi sinh có nguồn gốc từ nấm men thì không bị phá hủy bởi kháng sinh, do đó có thể uống đồng thời được.
5. LỰA CHỌN MEN VI SINH ĐỐI VỚI CÁC BỆNH LÝ ĐƯỜNG RUỘT
- Tiêu chảy do nhiễm trùng
Đối với trẻ mắc tiêu chảy nhiễm trùng, trong 1 vài nghiên cứu ở trẻ 3-36 tháng cho thấy hầu hết các trẻ đều cải thiện các triệu chứng về đường tiêu hóa và giảm thời gian tiêu chảy khi sử dụng men vi sinh, so với nhóm không sử dụng men vi sinh
Ở 1 nghiên cứu khác trong việc sử dụng men vi sinh Saccharomyces boulardii cho điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ 3 tháng đến 2 tuổi. S. boulardii là một loại men vi sinh không gây bệnh có khả năng kháng với thuốc kháng sinh một cách tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy trẻ sử dụng S. boulardii giảm thời gian tiêu chảy và tỷ lệ trẻ tiêu chảy kéo dài >7 ngày cũng thấp hơn so với nhóm không sử dụng men vi sinh này.
Hiệp hội Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu (ESPGHAN) và Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa Châu Âu (ESPID) hiện khuyến nghị sử dụng Lactobacillus rhamnosus GG và Saccharomyces boulardii trong việc kiểm soát trẻ em bị tiêu chảy cấp như một liệu pháp bổ sung cho liệu pháp bù nước, trong khi khuyến nghị về Bacillus clausii bị thiếu do dữ liệu hạn chế.
Nhưng kết quả của 1 nghiên cứu khác chỉ ra rằng Bacillus clausii có thể là một lựa chọn điều trị hiệu quả trong bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ em, với tính an toàn tốt. Kết quả của tổng quan hệ thống này chỉ ra rằng Bacillus clausii kết hợp với Oresol (ORS)có thể làm giảm đáng kể thời gian tiêu chảy cấp ở trẻ em và thời gian nằm viện so với chỉ dùng ORS.
- Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (Antibiotic-associated diarrhea, AAD) và clostridium difficile
Kháng sinh diệt các tác nhân gây bệnh, đồng thời cũng diệt các tác nhân có lợi trên đường ruột chúng ta. Chính việc sử dụng kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Có rất nhiều các nghiên cứu trên thế giới đánh giá từng chủng vi khuẩn, với những lợi khuẩn ở thời điểm trước khi dùng kháng sinh, sau dùng kháng sinh 7 ngày thậm chí kéo dài đến 24 tháng sau, nhận thấy sau 2 năm hệ vi sinh đường ruột vẫn chưa cân bằng được, chưa được phục hồi bằng hệ vi sinh so với trước khi điều trị kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi thì các hại khuẩn trong đường ruột tạo ra tính kháng kháng sinh và di truyền tính kháng kháng sinh đó trong các đời tiếp theo nữa. Như vậy, hạn chế hiệu quả điều trị. Tất cả các thuốc kháng sinh đều có thể gây ra rối loạn hệ vi sinh đường ruột và đều gây tiêu chảy. Tuy nhiên nhóm hay dùng nhất là nhóm kháng sinh nhóm beta-lactam.
WHO, các nhà chuyên môn định nghĩa AAD là những trường hợp tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh từ 3 ngày – 8 tuần. Tùy theo mức độ nặng của bệnh mà tiêu chảy liên quan đến kháng sinh biểu hiện mức độ nhẹ: nôn, đi cầu lỏng cho đến nặng hơn là gia tăng nhiễm các vi sinh vật gây bệnh cụ thể là Clostridium difficile, 1 vi sinh vật gây ra viêm đại tràng giả mạc, tiêu máu, nhiễm trùng nhiễm độc trên những bệnh nhân đó.
Nhìn chung, các bằng chứng hiện có cho thấy rằng việc bắt đầu điều trị bằng men vi sinh với Lactobacillus rhamnosus GG hoặc Saccharomyces boulardii trong vòng 2 ngày kể từ liều kháng sinh đầu tiên giúp giảm nguy cơ mắc AAD ở trẻ em. Không có bằng chứng nào cho thấy lợi ích lớn hơn khi sử dụng nhiều hơn một chủng lợi khuẩn. Cả Lactobacillus rhamnosus GG và Saccharomyces boulardii đều được chứng minh là làm giảm nguy cơ AAD.
Những men vi sinh nguồn gốc vi khuẩn có 1 nhược điểm là dễ bị tác động bởi kháng sinh. Nên men vi sinh nguồn gốc từ nấm men không chịu tác động của kháng sinh nên khi vào cơ thể tác động của nó sẽ tốt hơn.
*Saccharomyces boulardii CNCM 1 – 745: men vi sinh được hội tiêu hóa Thế giới cũng như là Hiệp hội tiêu hóa gan mật dinh dưỡng của Hoa Kỳ hay châu Âu Nhi khoa khuyến cáo sử dụng cho cả trẻ em và người lớn vì là men vi sinh có nhiều bằng chứng khoa học, từ những nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu lâm sàng, có nhiều thử nghiệm lâm sàng để chứng minh có hiệu quả. (tiêu chảy cấp/ AAD: mức độ khuyến cáo khá mạnh)
– Là nấm men cũng tồn tại trong hệ vi sinh đường ruột chúng ta.
– Gia tăng chuyển hóa các acid amin, vitamin.
– Làm vững bền hàng rào bảo vệ của ruột, thông qua tương tác với các tế bào miễn dịch trong cơ thể, tạo chất không chỉ kháng khuẩn tại chỗ mà còn đáp ứng miễn dịch trên toàn cơ thể.
– Không chịu tác động của kháng sinh
*Hội đồng chuyên gia châu Á gồm các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã phát triển một bộ khuyến nghị chung về việc sử dụng men vi sinh như một phương pháp điều trị hỗ trợ trong bệnh tiêu chảy và việc sử dụng Bacillus clausii (O/C, SIN, N/ R , T) trong tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mãn tính và AAD (tiêu chảy do kháng sinh) được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quản lý tiêu chảy ở trẻ em để cải thiện kết quả của bệnh nhân. Những khuyến nghị này củng cố bằng chứng hiện tại về hiệu quả của men vi sinh trong việc giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, cũng như hiệu quả và độ an toàn của B. clausii (O/C, SIN, N/R, T) trong việc giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy cấp và tần suất tiêu chảy cấp.
- Phòng ngừa bệnh lý dị ứng
Các phân tích tổng hợp cho thấy lợi ích của men vi sinh trong việc giảm sự phát triển của bệnh chàm, chứ không phải bất kỳ kết quả dị ứng nào khác, ở trẻ sơ sinh có nguy cơ (được định nghĩa là có cha hoặc mẹ ruột hoặc anh chị em mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, bệnh chàm hoặc dị ứng thực phẩm ). Tuy nhiên, hiệu quả chỉ ở mức trung bình và chủng lợi khuẩn duy nhất có dữ liệu là Lactobacillus rhamnosus GG (LGG).
Probiotics gần đây nổi như 1 hiện tượng nên các nhà khoa học đổ xô vào nghiên cứu về vai trò của men vi sinh đó trên từng loại bệnh lý khác nhau. Riêng về bệnh lý miễn dịch: viêm da cơ địa, dị ứng đạm sữa bò, người ta nghiên cứu thấy rằng men vi sinh giúp hệ miễn dịch của em bé phát triển hoàn chỉnh hơn, trưởng thành hơn, ít phản ứng lung tung và giảm tình trạng dị ứng của em bé. 1 số nghiên cứu cho thấy kết quả đó nhưng thật sự ra đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào đủ mạnh mẽ để biết được loại men vi sinh nào có hiệu quả thực sự (vẫn còn đang nghiên cứu).
- Quá mẫn và dị ứng với thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, để tiêu diệt các dị nguyên tiếp xúc trong chế độ ăn uống. Chức năng của thành ruột như một rào cản kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mầm bệnh tiềm ẩn ở trẻ sơ sinh, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đáp ứng miễn dịch tiềm ẩn. Sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn, chẳng hạn như kháng thể IgA, yếu tố tăng trưởng biến đổi -beta (TGF-β) và (s)CD14, có thể góp phần tăng cường sự trưởng thành của thành ruột. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời giúp làm tăng sự phát triển của các chủng vi khuẩn Bifidobacteria và Lactobacilli trên thành ruột. Sự phát triển này giúp thúc đẩy một rào cản chống lại mầm bệnh và giảm nguy cơ phản ứng dị ứng trong tương lai.
Ở một nghiên cứu khác thì việc sử dụng men vi sinh (LGG là chủng đương nghiên cứu nhiều nhất) trong phòng ngừa viêm da cơ địa giảm nguy cơ cho trẻ trong 2 năm đầu đời đến 61%.
- Viêm ruột mạn tính (IBD- inflammatory bowel disease)): viêm loét đại tràng và bệnh Crohn
Bằng chứng thuyết phục đã chứng minh rằng rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm ruột (IBD). Các liệu pháp nhắm mục tiêu hệ vi sinh vật có thể cung cấp các lựa chọn thay thế để điều trị IBD, chẳng hạn như men vi sinh. Trong 1 nghiên cứu tác dụng bảo vệ của một chủng lợi khuẩn, Pediococcus pentosaceus (P. pentosaceus) CECT8330, đối với viêm đại tràng do dextran sulfat natri (DSS) ở chuột cho thấy sử dụng P. pentosaceus CECT8330 bảo vệ viêm đại tràng do DSS và điều chỉnh thành phần và chức năng của vi khuẩn đường ruột, chức năng rào cản của đường ruột. Do đó, P. pentosaceus CECT8330 có thể đóng vai trò là một loại vi khuẩn có triển vọng giúp cải thiện tình trạng viêm ruột mạn.
Các tác giả kết luận rằng mặc dù men vi sinh có thể có lợi một chút đối với viêm loét đại tràng, nhưng chúng không nên được sử dụng thường xuyên. Đối với bệnh Crohn, các tác giả không tìm thấy bằng chứng về bất kỳ lợi ích nào.
6. TÍNH AN TOÀN CỦA MEN VI SINH
Tác dụng phụ của men vi sinh thường nhỏ và bao gồm các triệu chứng tiêu hóa tự giới hạn, chẳng hạn như đầy hơi. Sự an toàn của việc sử dụng men vi sinh ở trẻ em đang gây tranh cãi. Mặc dù không có báo cáo nào liên quan đến việc sử dụng lợi khuẩn gây nhiễm trùng huyết ở trẻ em khỏe mạnh nhưng một số trường hợp đã cho thấy có tình trạng nhiễm khuẩn huyết và nhiễm nấm huyết ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mãn tính.
Tóm lại, các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đánh giá hiệu quả của các chủng cụ thể và liều lượng của men vi sinh trong quần thể bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nặng, bệnh mãn tính là cần thiết trước khi có thể đề nghị bổ sung men vi sinh cho thực hành thường xuyên.
→Trường hợp em bé có bệnh lý nền: bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc suy giảm miễn dịch thì hầu hết các vi sinh vật sống đều không được khuyến cáo sử dụng.
→Nguyên tắc điều trị là sử dụng tối thiểu các thuốc phải dùng và tối đa hiệu quả đạt được. Cần xác định đích điều trị chính ở đây là gì để không điều trị quá nhiều thuốc kết hợp cho trẻ.
→Tất cả các em bé bình thường không cần bổ sung men vi sinh vì chế độ dinh dưỡng hợp lý, môi trường sạch, chăm sóc em bé đủ thì bản thân em bé tự cân bằng cho cơ thể. Còn đối với em bé phải bổ sung men vi sinh vì 1 lý do nào đó ví dụ như dùng kháng sinh thì thường bắt đầu từ giai đoạn uống kháng sinh, và duy trì trong ít nhất thời gian uống kháng sinh. Nếu bé bị tiêu chảy thì phải uống men vi sinh cho đến khi tình trạng tiêu chảy ổn định hoặc được bác sĩ đánh giá và khuyến cáo duy trì trong thời gian dài hơn.
7. THÀNH PHẦN CÁC LOẠI MEN VI SINH HAY GẶP TRÊN THỊ TRƯỜNG:
7.1. BIOGAIA:
Mỗi liều (5 giọt) chứa: 100 tế bào lợi khuẩn sống triệu (10^8 CFU) Lactobacillus reuteri DSM 17938 (L.reuteri Protectis).
7.2. ENTEROGRAN/ ENTEROGERMINA
ENTEROGRAN: chứa hoạt chất là Bacillus clausii nồng độ 2 x 10^9 CFU
ENTEROGERMINA: Bào tử kháng đa kháng sinh Bacillus clausii 2 tỷ CFU
7.3. NOVOFIDOL
Mỗi ml chứa:
Bidobacterium lactis……………………………………………………………………………….1 x10^9 CFU
Lactobacillus (Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus helveticus)…………….. 5 x10^9 CFU
7.4. AB- KOLICARE
Thành phần của AB Kolicare Digest:
Bifidobacterium longum CECT 7894
Lactobacillus rhamnosus ATCC 53103: 1,5 x 10^9 CFU
Pediococcus pentosaceus CECT 8330
7.5. BIOAMICUS
Trong 5 giọt chứa: Lactobacillus Gasseri 100 × 10ˆ6CFU, Lactobacillus Johnsonii 100 × 10ˆ6CFU, Lactoba cillus Plantarum 100 × 10ˆ6CFU, Lactobacillus Reuteri 100 × 10ˆ6CFU, Lactobacillus Salivarius 100 × 10ˆ6CFU, Bifidobacterium bifidum 100 × 10ˆ6CFU, Bifidobacterium Breve 100 × 10ˆ6CFU, Bifidobacterium Longum 100 × 10ˆ6CFU, Bifidobacterium Longum subsp. Infantis 100 × 10ˆ6CFU, Bifidobacterium animalis subsp. Lactis 100 × 10ˆ6CFU.
7.6. BIOFLORA 100 MG:
có thành phần chính là Saccharomyces boulardii CNCM 1 – 745
TÓM LẠI
Như các thông tin đã đề cập ở trên, hầu hết các loại men vi sinh này đều chứa các chủng vi sinh vật có lợi cho cơ thể, với lượng khuyến cáo đủ để đem lại hiệu quả cho cơ thể, trong đó loại Lactobacillus rhamnosus GG (LGG) được xem là có hiệu quả với hầu hết các bệnh lý về đường ruột. Riêng đối với tiêu chảy liên quan đến kháng sinh thì chủng Saccharomyces boulardii có vẻ ưu thế nhiều hơn vì nó là nấm men có thể sử dụng cùng lúc với kháng sinh mà không bị kháng sinh tiêu diệt, các vi khuẩn có lợi khác phải dùng cách liều kháng sinh ít nhất 2h. Ngoài ra, Bacillus clausii cũng được nghiên cứu là có tác dụng đối với tiêu chảy liên quan đến kháng sinh. Bifidobacterium có lợi đối với bệnh lý dị ứng; còn Pediococcus có hiệu quả viêm loét đại tràng mạn tính.
Việc có cần phải sử dụng hay không và sử dụng như thế nào, liều lượng như thế nào nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho con. Và đừng xem nó như là CỨU CÁNH trong vấn đề điều trị biếng ăn, táo bón vì khi đó phải xem vấn đề nằm ở đâu để điều trị; tránh trường hợp dù đã tốn nhiều tiền để tìm vô số những loại men vi sinh cao cấp ở nước ngoài cho con nhưng hiệu quả lại không như mong đợi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Types of Probiotics
- Clinical Use of Probiotics in the Pediatric Population
- Probiotics
- Bacillus clausii for the Treatment of Acute Diarrhea in Children: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials
- Prebiotics and probiotics for prevention of allergic disease
- Efficacy and safety of the probiotic Saccharomyces boulardii for the prevention and therapy of gastrointestinal disorders
- Recommendations for the adjuvant use of the poly-antibiotic–resistant probiotic Bacillus clausii (O/C, SIN, N/R, T) in acute, chronic, and antibiotic-associated diarrhea in children: consensus from Asian experts
- How Long Does It Take for Probiotics to Work?
- Lactobacillus Reuteri DSM 17938 (Limosilactobacillus reuteri) in Diarrhea and Constipation: Two Sides of the Same Coin?
- THE ROLE OF PROBIOTIC CULTURES IN THE CONTROL OF GASTROINTESTINAL HEALTH Rial D. Rolfe / Department of Microbiology and Immunology, Texas Tech University Health Sciences Center, Lubbock, TX 79430
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur