Tình huống lâm sàng thường gặp: “Em hay bị nổi mề đay ngứa, chức năng gan chắc có vấn đề rồi. Nhờ bác sĩ cho em làm hết xét nghiệm về chức năng gan; Em bị nổi mụn, chắc do gan nóng. Bác sĩ xét nghiệm gan giúp em!”. Nhiều trường hợp bệnh nhân nổi mề đay, nổi mụn trứng cá dù đã thăm khám da liễu, điều trị đáp ứng nhưng vẫn muốn làm xét nghiệm, kiểm tra chức năng gan. Vậy việc kiểm tra gan những trường hợp trên liệu có cần thiết?
Cùng tìm hiểu một số vấn đề sau đây: Vai trò của gan, thông tin mà xét nghiệm về kiểm tra gan cung cấp, nguyên nhân gây mề đay, mụn qua bài viết của Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur
1/ Gan có vai trò gì đối với cơ thể?
Gan là một tạng đặc có kích thước lớn nhất nằm trong ổ bụng, phía bên phải, nằm ngay dưới cơ hoành, tiếp giáp với dạ dày, ruột non, thận phải, nằm ở mặt dưới gan phải, có cấu trúc . Gan được chia làm 2 thùy, thùy gan trái và thùy gan phải ngăn cách dây chằng liềm và nối gan vào thành bụng.
Gan là nơi dự trữ các vitamin tan trong dầu (Vitamin A, D) thông qua việc tiết dịch mật (dịch mật giúp hấp thu và tiêu hóa lipid thông qua việc bài tiết muối mật và acid), đồng thời dự trữ sắt và đồng.
Nó có vai trò trong huyết học với việc tổng hợp các yếu tố đông máu và protein. Và có vai trò trong việc phân hủy heme thành bilirubin trực tiếp và gián tiếp.
Nó cũng đóng một vai trò trong quá trình chuyển hóa hormone giới tính và tạo ra các protein vận chuyển quan trọng trong quá trình sinh sản và phát triển.
Một chức năng quan trọng khác của gan là chuyển hóa và/hoặc giải độc xenobamel (*). Các phản ứng này chủ yếu diễn ra ở mạng lưới nội chất trơn của tế bào gan. Nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, tương tác thuốc-thuốc, bệnh tiểu đường, mang thai, bệnh gan hoặc thận, viêm hoặc di truyền… ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc.
Cuối cùng, tế bào Kupffer và tế bào Pit đóng của gan có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, gan đóng một vai trò trong chức năng hormone tuyến giáp, nó là nơi khử iode T4 thành T3.
2/ Những xét nghiệm về chức năng gan cho biết điều gì?
Các xét nghiệm chức năng gan (LFTs) thường được các bác sĩ lâm sàng yêu cầu để giúp đánh giá gan của bệnh nhân gồm có:
– Xét nghiệm men gan (transaminases): SGOT (AST), SGPT (ALT), GGT
– Xét nghiệm về sắc tố mật: Bilirubin (toàn phần, trực tiếp, gián tiếp)
– Xét nghiệm thời gian Prothrombin (PT)
Những xét nghiệm về men gan SGOT, SGPT, GGT giúp khắc họa một bức chân dung về những gì đang xảy ra trong gan, chỉ ra chính xác mức độ tổn thương tế bào gan (nếu có). Lý do là bởi vì các enzym này là thành phần của tế bào gan được giải phóng vào tuần hoàn khi tế bào gan bị tổn thương.
Một xét nghiệm thực sự để đánh giá chức năng gan là khả năng tổng hợp protein thông qua xét nghiệm PT (Prothrombin time). Prothrombin được sản xuất bởi gan, là một trong những yếu tố đông máu. Khi cơ thể có vết thương chảy máu, các yếu tố đông máu sẽ kết hợp lại làm đông máu, nhờ đó vết thương được cầm máu. Thiếu hụt một hay nhiều yếu tố đông máu đều có thể gây ra rối loạn đông máu.
Bilirubin là sắc tố mật, có màu vàng hình thành từ sự thoái giáng của heme trong tế bào hồng cầu, tức là quá trình phá vỡ hồng cầu. Nó được di chuyển ở bên trong máu đến với gan được giáng hóa và đào thải qua phân và nước tiểu. Vì vậy, dựa vào chỉ số Bilirubin bác sĩ có thể đánh giá được sự bài tiết dịch mật của gan cũng như giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán một số nguyên nhân gây vàng da.
Về mặt hình ảnh, siêu âm là một phương thức hình ảnh rẻ tiền và không xâm lấn thường được sử dụng để đánh giá chức năng gan. Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để mô tả đặc điểm và chẩn đoán tổn thương chức năng gan.
Như vậy, những xét nghiệm về gan giúp đánh giá mức độ tổn thương tế bào gan. Một số nguyên nhân thường gặp gây tổn thương chức năng gan đó là: viêm gan (có thể do nhiễm virus viêm gan A, B, C, D…, có thể do rượu), quá trình viêm gan kéo dài (viêm gan mạn) có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, chúng còn giúp chẩn đoán nguyên nhân gây vàng da, rối loạn đông máu…
3/ Nguyên nhân gây mề đay?
Mề đay (còn gọi là mày đay) là sự xuất hiện những mảng đỏ, gồ lên bề mặt da, gây ngứa. Mề đay thường được phân loại dựa vào thời gian. Mề đay dưới 6 tuần, được gọi là “mề đay cấp”, nếu nổi mề đay kéo dài hơn 6 tuần thì được gọi là “mề đay mạn”.
Nổi mề đay thông qua 2 cơ chế đó là do dị ứng (**) (hay gặp nhất) và không do dị ứng. Cơ chế chung là do sự giải phóng của các chất trung gian hóa học (histamin, bradykinin, serotonin…) từ tế bào mast vào hạ bì, mà trong đó quan trọng nhất là histamin. Histamin kích thích đầu mút của các dây thần kinh gây ngứa. Nó cũng gây giãn mạch dẫn đến hiện tượng đỏ da và gây tăng tính thấm thành mạch, biểu hiện là sưng phù.
Nguyên nhân phổ biến của nổi mề đay mới khởi phát bao gồm nhiễm trùng; phản ứng dị ứng với thuốc, thực phẩm, hoặc côn trùng đốt và cắn; phản ứng với các loại thuốc gây kích hoạt tế bào mast không gây dị ứng (ví dụ, chất gây nghiện); và uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng bởi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
– Dị ứng thuốc: Hay gặp là penicillin, aspirine, codeine… mày đay là một trong những biểu hiện của dị ứng thuốc.
– Do thức ăn: Phản ứng dị ứng với thực phẩm có thể gây nổi mề đay, thường trong vòng 30 phút sau khi ăn. Sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt, đậu nành và lúa mì là những thực phẩm phổ biến nhất gây nổi mề đay toàn thân ở trẻ em. Ở người lớn, cá, động vật có vỏ, hạt, và đậu phộng thường liên quan nhất.
– Do côn trùng: Hay gặp nhất là do ong đốt, bệnh nhân có nguy cơ sốc phản vệ.
– Do tiếp xúc: Tiếp với dị nguyên như hạt latex, thuốc… Hoặc do tiếp xúc một số chất trực tiếp với da làm giải phóng trực tiếp histamin – tức là không thông qua cơ chế IgE (ví dụ như morphine, codein, một số thuốc giãn cơ…).
– Nguyên nhân khác:
+ Tác nhân vật lý: do lạnh, thay đổi đột ngột về nhiệt độ cơ thể, áp lực hoặc rung động trên da, tập thể dục, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc các kích thích khác.
+ Rối loạn nội tiết: Cường giáp (là bệnh tự miễn thường gặp nhất gây nổi mày đay). Cường giáp kích hoạt sự kích hoạt của kinins và sau đó là mề đay mạn tính.
Như vậy, sự hình thành mề đay là do giải phóng các chất trung gian hóa học (histamin, bradykinin…) từ tế bào mast vào hạ bì, do các tác nhân như sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, thức ăn, chất tiết của côn trùng, thuốc, do nhiệt, ánh sáng…
4/ Nguyên nhân gây nổi mụn
Mụn là tình trạng da nổi những sẩn đỏ, sưng, có thể có mủ, có thể gây ngứa hoặc đau. Chúng thường gặp ở bề mặt da những vùng như mặt, lưng, ngực, cổ, cằm, mông, bả vai.
Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn: do nhiễm trùng (vi khuẩn P.acne); do thay đổi nội tiết tố; do thuốc; chế độ ăn giàu đường, sữa; căng thẳng; lạm dụng mỹ phẩm… Một loại mụn hay gặp nhất là mụn trứng cá, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân đến các phòng khám xin kiểm tra chức năng gan.
Vậy cơ chế gây mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá là bệnh lý đơn vị nang lông – tuyến bã, được hình thành thông qua 4 cơ chế sau:
– Sự tăng sừng hóa cổ nang lông: sự tăng sinh các tế bào sừng (tế bào chết của da), cộng với sự tăng kết dính giúp hình thành các vi nhân mụn.
– Do sự tăng tiết chất bã nhờn: bao gồm yếu tố nội tiết (sự tăng tiết Androgen – một hormon được tiết ra bởi tuyến thượng thận, nó làm thúc đẩy quá trình nhân lên và biệt hóa tế bào bã) và các yếu tố không liên quan đến nội tiết (xà phòng, sở hữu làn da dầu).
– Do viêm
– Nhiễm vi khuẩn: Khuẩn chí tồn tại bình thường trên da với số lượng rất nhiều, khi có cơ hội xâm nhập sẽ gây nhiễm trùng, điển hình với mụn trứng cá là nhiễm vi khuẩn P.acne.
Các yếu tố thúc đẩy:
– Thuốc: glucocorticoid, thuốc tránh thai đường uống, isoniazid, danazol…
– Tinh thần: căng thẳng, stress.
– Thức ăn: không là yếu tố thúc đẩy và làm nặng bệnh.
Như vậy, sự hình thành mụn là do sự bít tắc cổ nang lông, có thể tạo điều kiện cho việc bội nhiễm vi khuẩn. Mặc dù hâu hết các bệnh về gan, bao gồm tổn thương gan cấp tính, tổn thương gan do thuốc, viêm gan siêu vi, bệnh gan chuyển hóa và bệnh gan giai đoạn cuối, đều có liên quan chặt chẽ với ảnh hưởng của nội tiết tố. Nhưng chưa tìm thấy bằng chứng giữa nguyên nhân hình thành mụn trứng cá với việc suy giảm chức năng gan.
Phác đồ điều trị mụn trứng cá xây dựng trên 4 nguyên tắc sau:
– Chống lại sự tăng sừng hóa nang lông,
– Bình thường hóa hoạt động của tuyến bã nhờn,
– Ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn P.acnes phát triển,
– Giảm viêm (viêm tại vùng mụn).
Có thể thấy 4 nguyên tắc điều trị mụn trứng cá không liên quan gì đến gan. Tuy nhiên cần lưu ý, trường hợp bệnh nhân nổi mụn do một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan, nhưng thuốc mới chính là nguyên nhân!
(*) Xenobamel là các hợp chất hóa học không thuộc thành phần tự nhiên của các sinh vật sống.
(**) Dị ứng là một phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với một chất lạ mà không thường gây hại cho cơ thể. Nhưng nếu phản ứng này xảy ra quá mức có thể làm tổn thương tế bào hoặc mô, dẫn đến những tình trạng bệnh lý với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến tử vong, gọi là quá mẫn.
TÓM LẠI:
- Gan là cơ quan có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Các xét nghiệm về gan cho biết mức độ tổn thương tế bào gan, nguyên nhân gây vàng da, rối loạn đông máu…
- Đối chiếu với chức năng gan và nguyên nhân gây mề đay, nổimụn không thấy có mối liên quan trực tiếp. Và cũng chưa có bằng chứng chỉ ra nguyên nhân nổi mề đay vàmụn không liên quan đến việc suy giảm chức năng gan. Do đó, đối với trường hợp bệnh nhân có bệnh lý mề đay, mụn trứng cá không cần thiết làm các xét nghiệm kiểm tra gan.
- Một số trường hợp dị ứng thuốc, nổi mề đay, nổimụn nguyên nhân dothuốc có thể ảnh hưởng đến gan.
Tài liệu tham khảo:
Arjun Kalra; Ekrem Yetiskul; Chase J. Wehrle; Faiz Tuma.
Mostafa Najafipour, Masoumeh Zareizadeh and Farzad Najafipour
Bs PHAN NGỌC HUYỀN – Phòng khám đa khoa Pasteur