Tiểu không tự chủ là gì?
Tiểu không tự chủ hay són tiểu là tình trạng mất tự chủ trong việc tiểu tiện. Các triệu chứng tùy mức độ khác nhau, có thể tiểu không tự chủ khi ho, hắt hơi hay tiểu đột ngột vào một thời điểm bất kỳ. Tiểu không tự chủ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi và phụ nữ. Tuy nhiên, tiểu không tự chủ không phải là một dấu hiệu lão hóa của cơ thể.
Nguyên nhân của tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ do nhiều yếu tố gây nên:
Một số thực phẩm, thuốc làm kích thích bàng quang và tăng lượng nước tiểu: rượu, caffein, đồ uống có ga, chocola, đồ ăn cay, cam, quýt, thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc hạ huyết áp, lượng lớn vitamin C…
Có bệnh lý hay có vấn đề về sức khỏe: nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón…
Một số yếu tố khác như: mang thai, sinh con, mãn kinh, các bệnh lý ở tuyến tiền liệt của nam giới, chấn thương cột sống…
Tiểu không tự chủ biểu hiện với những tia tiểu nhỏ giọt liên tục hoặc tiểu ngắt quãng, người bệnh có thể có ý thức hoặc không có ý thức. Người bệnh có tình trạng tiểu gấp, không nhịn được tiểu cho đến khi đến nhà vệ sinh.
Chẩn đoán tiểu không tự chủ
Hai bước đầu tiên để đánh giá tình trạng tiểu không tự chủ thường là hỏi tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng:
- Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân mô tả kỹ các dấu hiệu gặp phải. Người bệnh có thể phải ghi chú lại thông tin vào một cuốn nhật ký trong vài ngày để bác sĩ dễ dàng kiểm tra.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám vùng chậu để xem người bệnh có bị sa các cơ quan ở vùng chậu hay không và để tìm kiếm các vấn đề khác thuộc về giải phẫu. Nghiệm pháp ho có thể được thực hiện để chẩn đoán tình trạng tiểu không tự chủ do gắng sức. Theo đó, bệnh nhân được yêu cầu ho khi đang mắc tiểu để kiểm tra xem nước tiểu có bị rò rỉ lúc đang ho hay không. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải làm pad test để đánh giá lượng nước tiểu rò rỉ. Người bệnh được yêu cầu lót thêm một chiếc tả hút nước được cân từ trước trong một khoảng thời gian và cân lại sau khi làm test. Bằng cách này, bác sĩ sẽ biết được lượng nước tiểu đã rỉ ra là bao nhiêu. Bên cạnh đó, một vài trường hợp cần phải kiểm tra chức năng hỗ trợ của niệu đạo.
Đôi khi bác sĩ phải chỉ định cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm chức năng bàng quang nếu cần thêm thông tin.
Khi nào cần đặt lịch hẹn với bác sĩ?
Tiểu không tự chủ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi, triệu chứng tiểu gấp làm tăng nguy cơ té ngã khi vào nhà vệ sinh. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu của tiểu không tự chủ, hãy đến gặp bác sĩ để cùng thảo luận và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ
Đa số các trường hợp tiểu không tự chủ, sự thay đổi lối sống và có điều trị đơn thuần có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng. Dưới đây là một số phương pháp giúp cải thiện tiểu không tự chủ:
Cố gắng nhịn tiểu trong khoảng 10 phút khi xuất hiện cảm giác muốn đi tiểu. Mục tiêu là kéo dài khoảng cách giữa mỗi lần tiểu tiện là khoảng 2,5 đến 3,5 giờ
Sau khi đi tiểu, có thể đi tiểu thêm lần nữa cách đó vài phút để làm rỗng bàng quang hoàn toàn
Tạo thói quen hay lịch trình: sau mỗi 2 đến 4 giờ, cần vào nhà vệ sinh để tiểu tiện ngay cả khi không có cảm giác muốn đi tiểu
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các thực phẩm nhiều đường, các thức uống chứa cồn, ga hay caffein…
Thực hành bài tập Kegel, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể
Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc như: thuốc chống cholinergic, thuốc chẹn alpha, estrogen tại chỗ…
Một số liệu pháp và các phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp trên không hiệu quả
Tham khảo: Mayo Clinic
Khi có các dấu hiệu bất thường về Tiết niệu, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.