Sặc sữa là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây ngừng thở. Nguyên nhân thường là do ba mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú, ăn không đúng tư thế, cho bú khi trẻ đang khóc, đang ho, sữa mẹ quá nhiều hoặc núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp, … Nếu không được sơ cứu kịp thời, trẻ dễ bị tử vong
Vậy làm thế nào để phát hiện trẻ bị sặc sữa? Và khi phát hiện ra thì phải làm sao để cứu con mình sống sót? Cùng xem chi tiết qua bài viết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur sau đây nhé!
MỤC ĐÍCH XỬ TRÍ TRẺ SẶC SỮA
– Lấy ra được lượng sữa trẻ hít vào đường hô hấp
– Cấp cứu cho trẻ thoát khỏi tình trạng suy hô hấp
– Cấp cứu ngưng tim ngưng thở.
2. NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP DẪN TỚI TRẺ BỊ SẶC SỮA
– Do mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế hoặc cho trẻ bú khi trẻ đang khóc, ho, cười, hóng chuyện.
– Sữa mẹ quá nhiều hoặc núm vú cao su quá rộng, sữa trào ra nhiều khiến trẻ không kịp nuốt.
– Trẻ có thói quen vừa bú vừa ngủ, nhưng lại không nuốt sữa kịp khiến sữa trào lên mũi, khí quản gây sặc.
– Trẻ đói quá nên vội bú sữa, bú nhanh quá dễ bị sặc, bị ọc sữa lên mũi.
3. DẤU HIỆU TRẺ BỊ SẶC SỮA
– Trẻ tím tái: lúc đang bú bỗng dưng ho, sặc, thở nấc hoặc sau khi bú một thời gian ngắn hoặc khi bé đang ngủ
– Sữa có thể trào qua miệng, qua mũi
– Trẻ hốt hoảng, da tái lạnh, mềm nhũn hoặc co cứng
– Có thể có dấu hiệu ngưng thở
* Lúc phát hiện sặc sữa, đánh giá xem trẻ còn tỉnh hay không
+ Nếu trẻ còn tỉnh nhưng không khóc/ không thở🡪 dùng thủ thuật vỗ lưng ấn ngực cấp cứu sặc sữa
+ Nếu trẻ đã ngưng tim ngưng thở🡪 hồi sức tim phổi
4. THỦ THUẬT VỖ LƯNG- ẤN NGỰC
– Mục đích: làm tăng áp lực trong lồng ngực để đẩy sữa ra ngoài phổi em bé
– Cách thực hiện
- Vỗ lưng:
– Đặt trẻ nằm sấp trên tay, đầu thấp hơn mông, người em bé tựa lên tay và lên đùi mình, giữ đầu và cổ trẻ
– Vỗ mạnh và nhanh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 xương bả vai 5 lần để tống sữa ra khỏi đường hô hấp
- Ấn ngực:
– Lật trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn thân, cổ ngửa
– Dùng 2 ngón tay ấn mạnh ở vùng nửa dưới xương ức- dưới đường nối 2 núm vú khoảng một khoát ngón tay, liên tục 5 lần (ấn sâu 1/3 bề dày khoảng cách trước sau của lồng ngực)
* Lặp lại thủ thuật vỗ lưng ấn ngực cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại
* Trong lúc cấp cứu phải gọi ngay người hỗ trợ và cấp cứu 115 để đưa em bé đến cơ sở y tế gần nhất.
5. LƯU Ý KHI CHO TRẺ BÚ PHÒNG NGỪA SẶC SỮA
- Bú đúng tư thế:
– Nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, bú từ từ
– Nếu thấy sữa mẹ chảy xuống quá nhiều mà trẻ chưa kịp nuốt, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống
– Sau khi bú xong nên bế trẻ nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ 15 – 20 phút, vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc. Khi phát hiện trẻ bị trớ, ngay lập tức cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên và lau sạch sữa ở miệng trẻ.
- Không ép bú khi con khóc:
– Nếu bú sữa bình thì lưu ý trẻ khóc thì dừng lại, không nên cố ép con bú trong khi đang khóc
- Trẻ bú bình
– Với những trẻ bú bình, cần chú ý đầu núm vú cao su không quá rộng
– Nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí dẫn đến nôn sau bữa ăn.
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
Xem thêm một số bài viết:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện Từ Dũ
- Bệnh viện Nhi đồng thành phố
- How to stop a child from choking- NHS
- Karen Gill, M.D, 2020, Help! My Baby Is Choking on Milk!-Healthline