Viêm tụy cấp là một tình trạng viêm đột ngột và xuất huyết của tụy do sự phá hủy các cấu trúc của tụy bởi các enzyme tiêu hóa của chính nó. Viêm tụy cấp thường nhẹ, tuy nhiên vẫn có 1 số trường hợp diễn tiến nặng hơn, thậm chí tử vong, do đó cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bài viết sau đây Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur sẽ giúp các ba mẹ hiểu rõ về tình trạng viêm tụy cấp ở trẻ.
1. Chức năng tuyến tụy là gì?
- Nội tiết: Các tế bào alpha và beta của tụy tiết ra các hormon vào trong máu để điều chỉnh đường máu
- Ngoại tiết: tiết các enzyme tiêu hóa, các enzyme này sẽ phân cắt đường, chất béo và protein
Vì các enzyme này có thể tiêu hủy tụy nên để bảo vệ chính mình, tụy sản xuất ra các enzyme dưới dạng tiền enzyme: zymogens (dạng chưa hoạt động). Các tiền enzyme này được hoạt hóa bởi các protease thành dạng hoạt động (active enzyme). Ngoài ra các tiền enzyme này được dự trữ trong các hạt, cùng với các chất ức chế protease. Do đó, bình thường thì các enzyme này không thể làm tổn thương tụy.
2. Các nguyên nhân gây viêm tụy cấp?
- Tự phát: không rõ nguyên nhân
- Sỏi mật
- Nghiện rượu
- Chấn thương thường do vật sắc nhọn
- Dùng thuốc corticoid
- Virus quai bị
- Các bệnh tự miễn
- Bọ cạp cắn (ít gặp)
- Tăng triglyceride và tăng calci máu
- Tổn thương do thủ thuật nội soi mật-tụy ngược dòng ERCP
- Một số loại thuốc
3. Một số biến chứng của viêm tụy cấp?
- Hình thành nang giả tụy và có thể vỡ nang, dẫn đến các dịch tụy bên trong thoát ra ổ bụng, gây viêm các tổ chức xung quanh. Ngoài ra nang này cũng có thể bị nhiễm trùng, tạo thành các ổ áp xe.
- Ngoài ra còn có 1 số biến chứng khác gồm:
– Xuất huyết do mạch máu bị vỡ, có thể gây sốc giảm thể tích, dẫn đến suy đa cơ quan
– Hoạt hóa các yếu tố đông máu gây đông máu rải rác nội mạch DIC
– Do tiêu thụ các yếu tố đông máu dẫn đến nguy cơ dễ xuất huyết
– “Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS” do tình trạng đáp ứng viêm quá mức, do các mạch máu bị rò rỉ làm thoát dịch vào trong phế nang gây nên khó thở.
4. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm tụy cấp: >=2/3 tiêu chuẩn sau:
1/ Đau bụng phù hợp với viêm tụy cấp: đau vùng thượng vị, lan tỏa (không có điểm đau nhất) và đau liên tục. Ở trẻ em đặc biệt trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, nôn, kích thích và chướng bụng có thể gợi ý viêm tụy cấp.
2/ Amylase và/ hoặc lipase máu >=3 lần giới hạn trên mức bình thường
3/ Chẩn đoán hình ảnh phù hợp viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp tái diễn:
– Ít nhất 2 đợt cấp trong 1 năm hoặc
– Nhiều hơn 3 đợt trong đời mà không có bằng chứng của viêm tụy mạn (vì nếu có 3 đợt sẽ phải loại trừ viêm tụy mạn)
Điều kiện: hoàn toàn hết đau >1 tháng giữa 2 đợt, hoặc amylase, lipase hoàn toàn về bình thường và hoàn toàn hết đau (không quan tâm đến thời gian)
Viêm tụy mạn: là quá trình viêm không thể đảo ngược dẫn tới thay đổi về nhu mô và chức năng tụy. Xác nhận qua hình thái học và mô học hoặc giảm chức năng tụy nội tiết hoặc tụy ngoại tiết
Các Biomarker huyết thanh:
– Lipase và amylase huyết thanh là 2 marker chính để chẩn đoán viêm tụy cấp
– Lipase chủ yếu tiết bởi tụy, phần nhỏ ở dạ dày và lưỡi
– Độ nhạy và độ đặc hiệu của lipase là 87-100% và 95-100%
– Trong viêm tụy cấp, lipase thường tăng trong 6 giờ đầu từ khi có triệu chứng, đạt đỉnh 24-30 giờ, và vẫn tăng trong hơn 1 tuần
– Lipase tăng kéo dài trong huyết thanh hơn amylase🡪 có giá trị chẩn đoán các trường hợp đến muộn
– Nồng độ lipase ít bị thay đổi theo nguyên nhân viêm tụy cấp như amylase
– Amylase được tiết bởi nhiều cơ quan, chủ yếu ở tuyến nước bọt và tụy
– Amylase tăng nhanh hơn lipase và thường về bình thường sau 24 giờ khởi phát triệu chứng🡪 ít giá trị chẩn đoán khi BN đến muộn
4. Điều trị viêm tụy cấp ở trẻ
- Quản lý dịch
– Là điều trị chính trong viêm tụy cấp
– Bù dịch đảm bảo nhu cầu và lượng nước tiểu
– Sử dụng dịch đường tĩnh mạch để ngăn ngừa các biến chứng như hoại tử và suy đa cơ quan
– Bù dịch không chỉ hồi phục khối lượng tuần hoàn mà còn giúp duy trì vi tuần hoàn tụy, ngăn ngừa vi huyết khối 🡪ngăn ngừa biến chứng và tiến triển nặng của viêm tụy cấp
- Theo dõi trẻ, theo dõi các biến chứng
– Theo dõi các chức năng sống là cần thiết để cân bằng giữa bù dịch và cố gắng tránh các biến chứng tim, phổi, thận
– Theo dõi nước tiểu, tưới máu da, huyết áp, nhịp thở, nhịp tim
– Theo dõi các biến chứng trong 48h: ARDS, viêm phổi, phù phổi, tràn dịch màng phổi, khó thở, ho tăng lên, SpO2,..
- Quản lý đau
– Đau là triệu chứng phổ biến nhất trong viêm tụy cấp, chiếm 80-95%
– Đau điển hình vùng thượng vị lan ra sau lưng chỉ gặp 1,6-5,6% trong viêm tụy cấp ở trẻ em
– Kiểm soát đau là mục tiêu quan trọng trong điều trị viêm tụy cấp, sử dụng acetaminophen, NSAIDs, morphin..
- Dinh dưỡng đường ruột và tĩnh mạch
– Ăn đường miệng có thể bắt đầu ngay khi dung nạp, thậm chí vẫn còn viêm hệ thống và trước khi lipase và amylase giảm xuống
– Nếu ăn đường miệng không dung nạp hoặc không đủ năng lượng trong 72h, khuyến cáo ăn qua sonde
– Nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn được chỉ định khi dinh dưỡng đường ruột không dung nạp trong 5-7 ngày và cần nhu cầu năng lượng cao
– Ăn lại bằng đường ruột sớm nhất có thể, có thể kết hợp ăn đường ruột và đường tĩnh mạch
- Các điều trị khác:
- Sử dụng kháng sinh trong viêm tụy cấp
+ Lý do là lo ngại nhiễm khuẩn từ các vi khuẩn đường ruột
+ Chưa có nghiên cứu được công bố về sử dụng kháng sinh trong viêm tụy cấp ở trẻ em
- Vai trò của men vi sinh:
+ Men vi sinh không được khuyến cáo trong điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em
+ Các công bố ở người lớn nhấn mạnh rằng sử dụng men vi sinh không những không có lợi ích mà còn làm tăng tỷ lệ tử vong
-Vai trò của phẫu thuật: 1 số chỉ định can thiệp phẫu thuật trong viêm tụy cấp bao gồm:
– Chấn thương bụng khi BN ổn định và/ hoặc
– Có các tổn thương liên quan đến các cơ quan khác
– Trong VTC do bệnh đường mật, cắt bỏ túi mật không những an toàn mà còn ngăn ngừa VTC tái phát
– Dữ liệu ở người lớn cho thấy, can thiệp sớm trong VTC hoại tử làm tăng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong, gây rối loạn huyết động, vì thế nên trì hoãn phẫu thuật ít nhất 4 tuần từ khi khởi phát triệu chứng và lý tưởng phẫu thuật nội soi qua da
6. Một số kết cục đối với viêm tụy cấp ở trẻ em:
- Thời gian nằm viên trung bình 3-8 ngày, ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dài hơn (20 ngày)
- Dinh dưỡng đường ruột sớm và bù dịch làm giảm thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ nhập khoa hồi sức, giảm tỷ lệ viêm tụy cấp nặng
- Các biến chứng sớm gồm rối loạn chức năng đa cơ quan hoặc sốc
- Tụ dịch quanh tụy thường thấy ở giai đoạn cấp và thường tự cải thiện
- Biến chứng nang giả tụy từ 8-41%, cao hơn ở VTC liên quan chấn thương bụng
- Nang giả tụy thường không triệu chứng và có thể điều trị bảo tồn nếu kích thước nhỏ hoặc nếu có kích thước lớn hơn, gây đau bụng, nôn, sốt, nhiễm trùng hoặc vỡ nang.
- Tỷ lệ nhiễm trùng nang giả tụy từ 10-15%
- Biến chứng muộn khác liên quan đến hoại tử nhu mô tụy. Do đó cần theo dõi sát trong quá trình bệnh để phát hiện biến chứng tại chỗ và toàn thân gồm rối loạn chức năng cơ quan, sốc, tụ dịch, nang giả tụy và/ hoặc hoại tử
- Trẻ em bị viêm tụy cấp có tiên lượng tốt hơn với tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng có khoảng 15-35% bị tái phát
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- EPC/HPSG evidence-based guidelines for the management of pediatric pancreatitis
- Management of Acute Pancreatitis in the Pediatric Population: A Clinical Report From the North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology and Nutrition Pancreas Committee (Hiệp hội Tiêu hóa- Gan mật- Dinh dưỡng Bắc Mỹ 2018)