Viêm âm đạo là bệnh lý thường gặp, với khoảng trên 70% phụ nữ bị viêm âm đạo ít nhất một lần trong đời và hơn một nửa trường hợp trong số đó bị tái phát.
Thực tế, việc chẩn đoán và điều trị viêm âm đạo không khó, nhưng tình trạng dễ tái nhiễm làm nhiều chị em cảm giác đây là bệnh lý không thể điều trị dứt điểm, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin để giải đáp những thắc mắc của chị em.
1. VIÊM ÂM ĐẠO LÀ GÌ?
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm dẫn đễn xuất hiện các triệu chứng tăng tiết dịch, ngứa và đau rát. Có nhiều tác nhân dẫn đến tình trạng này: vi khuẩn, nấm, trùng roi (Trichomonas), lậu (Neisseria Gonorrhea),… hoặc do tình trạng thiểu dưỡng (teo âm đạo) ở phụ nữ mãn kinh.
2. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ DỄ BỊ VIÊM ÂM ĐẠO
Có nhiều yếu tố làm thuận lợi cho tình trạng bệnh lý này, có thể chia làm 2 nhóm sau:
– Thứ nhất, tồn tại nguồn lây nhiễm. Nguồn lây có thể đến từ sinh hoạt tình dục, lây nhiễm chéo từ bạn tình; từ các vật dụng hằng ngày (đồ lót, vật dụng vệ sinh cá nhân…), do vệ sinh không đúng cách; hoặc không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thăm khám, làm thủ thuật sản phụ khoa từ chính nhân viên y tế.
– Thứ hai, do giảm sức đề kháng của cơ thể. Thực tế, có khoảng 15% phụ nữ bị viêm âm đạo không triệu chứng, tuy nhiên tại thời điểm sức đề kháng của cơ thể giảm, kèm với tác nhân nguồn lây, điều này khởi phát lên tình trạng nhiễm khuẩn cấp. Trong đó, các nguyên nhân làm giảm sức đề kháng như:
– Stress: Căng thẳng là một trong những yếu tố hay gặp
– Mắc các bệnh lý làm giảm hệ miễn dịch như đái tháo đường, lao, ung thư, HIV…, hoặc đang trong thời kỳ thai nghén
– Dùng thời gian dài các loại thuốc: kháng sinh, thuốc tránh thai, liệu pháp corticoid, v.v…
3. CÓ ĐIỀU TRỊ VIÊM ÂM ĐẠO DỨT ĐIỂM ĐƯỢC KHÔNG
Điều trị viêm âm đạo tái phát là rất khó khăn (đặc biệt với tác nhân là nấm). Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể chữa dứt điểm. Vấn đề trọng tâm là sự hợp tác của cả bệnh nhân và người thầy thuốc.
Đảm bảo tuân thủ điều trị
– KHÔNG tự ý mua thuốc điều trị, KHÔNG tự ý ngưng thuốc để tránh nguy cơ kháng thuốc.
– CẦN tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá, cân chỉnh phác đồ để có hướng điều trị tiếp theo.
– CẦN thực hiện điều trị cả cặp vợ-chồng.
– CẦN quản lý tốt các tình trạng bệnh gây suy giảm miễn dịch như đã nói ở trên.
– Nếu đang đặt dụng cụ tử cung có thể cân nhắc tháo dụng cụ để điều trị viêm nhiễm.
Vệ sinh cá nhân đúng cách
– Vệ sinh nhẹ nhàng vùng âm hộ, KHÔNG vệ sinh sâu trong âm đạo (đưa tay sâu vào âm đạo vệ sinh, dùng vòi xịt…) để tránh đưa tác nhân gây bệnh, đồng thời tránh làm trầy xước và mất cân bằng độ pH âm đạo.
– Dùng dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn vừa phải (pH: 4-6), KHÔNG lạm dụng các dung dịch vệ sinh tính sát khuẩn cao làm mất độ ẩm, thay đổi pH.
– Là ủi đồ lót và vật dụng vệ sinh vùng kín thường xuyên. Thay mới nếu dùng quá 6 tháng.
Nâng cao sức đề kháng
– Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày.
– Uống đủ nước, bổ sung Vitamin C qua các loại thực phẩm, ăn nhiều sữa chua để bổ sung lợi khuẩn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
– Khám phụ khoa 1-2 lần/năm
– Vệ sinh sạch sẽ, giữ khô thoáng vùng kín, tránh mặc đồ chật
– Kiêng quan hệ tình dục khi thấy có triệu chứng bất thường
===> Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi “Viêm âm đạo có điều trị dứt điểm được không?” là CÓ. Nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy điều trị viêm âm đạo tái phát với liều duy trì trong 6 tháng đều cho kết quả cấy âm tính. Điều này chứng tỏ việc điều trị trong trường hợp này là ”dài hơi” và cần sự ”kiên nhẫn” đến từ bệnh nhân và người thầy thuốc.
Các chị em liên hệ tư vấn hoặc đặt lịch hẹn thăm khám, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 để được hỗ trợ.
Bs Nguyễn Bảo Giang – Đơn vị Sản phụ khoa Hiếm muộn – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tham khảo: Wikipedia