Vàng da là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh. Khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau sinh.Cùng tìm hiểu chi tiết về tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh qua bài viết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur sau đây!
Tìm hiểu về Vàng da
Vàng da là một tình trạng da và kết mạc mắt của trẻ có màu vàng. Màu vàng này do một chất được gọi là bilirubin (được tạo ra trong cơ thể) tăng cao trong máu khi có sự phá vỡ tế bào hồng cầu. Bình thường tất cả các trẻ đều có nồng độ chất bilirubin này tăng cao trong máu khoảng 3-5 ngày đầu sau sinh. Khi bilirubin tích tụ trong da và máu đến mức cao hơn bình thường, trẻ sẽ biểu hiện vàng da.
Nếu không được điều trị, nồng độ bilirubin cao có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó nguy hiểm nhất là tổn thương não. Vì lý do này mà tất cả các trẻ đều cần phải kiểm tra tình trạng vàng da sớm ngay sau sinh. Đối với những trẻ có các dấu hiệu vàng da nặng cần được xét nghiệm ngay để đánh giá mức độ tăng bilỉubin máu nặng.
Thật may mắn là hiện nay đã có các phương pháp an toàn và hiệu quả để phòng ngừa các tình trạng nặng hơn của bệnh.
Khoảng 80% trẻ có biểu hiện vàng da rõ và hết sau 7 ngày tuổi. Chỉ khoảng 10-15% trẻ tăng nồng độ bilirubin đến ngưỡng cần điều trị. Chỉ dưới 2% trẻ có nguy cơ tiến triển thành tăng bilirubin nặng.
Cách nhận diện các dấu hiệu vàng da và thế nào là vàng da “nặng”?
NHẬN DIỆN CÁC DẤU HIỆU VÀNG DA:
– Bộc lộ toàn thân trẻ và quan sát ở nơi đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng mặt trời). Một số trường hợp khó nhận biết như da trẻ đỏ hồng hoặc đen sậm, dùng ngón tay đè nhẹ lên da vài giây để quan sát vùng da bên dưới
– Sự thay đổi màu vàng da sẽ dễ nhận thấy đầu tiên ở mặt, cổ sau đó là ngực, bụng, đùi, cánh tay, cẳng chân, cuối cùng là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
– Có thể kiểm tra bằng cách ấn một ngón tay lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.
– Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi bật của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn hay không.
– Nên kiểm tra nhiều lần trước khi trẻ rời bệnh viện sau khi sinh. Nếu bà mẹ đưa bé về nhà sớm hơn ba ngày sau khi sinh, bà mẹ nên kiểm tra màu da của bé hàng ngày cho đến lần hẹn khám tiếp theo và trong suốt tuần đầu sau sinh. Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng để kiểm tra trong vòng một đến ba ngày sau khi về nhà.
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA VÀNG DA NẶNG: Cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế NGAY nếu trẻ có bất kì triệu chứng sau đây:
– Vàng da xuất hiện từ đầu gối trở xuống, vàng sậm hơn (chuyển từ vàng chanh sang vàng cam) hoặc mắt vàng
– Vàng da trước 24 giờ tuổi
– Trẻ có sốt từ 38oC trở lên
– Trẻ bú kém
– Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường
– Trẻ khó đánh thức
– Trẻ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành
– Trẻ ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau (co gồng)
Nguyên nhân gây vàng da
Các nguyên nhân thường gặp:
Một nguyên nhân có thể làm tăng nồng độ bilirubin cao trong máu là do có nhiều tế bào hồng cầu bị vỡ. Trẻ sơ sinh tạo ra lượng bilirubin gấp 2-3 lần người lớn do 1 số nguyên nhân sau:
– Mảng bầm tím hoặc các sang thương nhẹ trong quá trình sinh đẻ (như các trường hợp sinh khó, sử dụng kẹp hoặc giác hút..)
– Bất đồng nhóm máu mẹ-con: Người mẹ mang nhóm máu O hoặc Rh(-) nên thông báo với bác sĩ để kiểm tra nhóm máu cho con vì em bé có thể nhận được kháng thể qua nhau thai khiến hồng cầu bị vỡ nhanh.
– Một số nguyên nhân do bệnh lý di truyền gây vỡ hồng cầu như thiếu hụt enzyme màng hồng cầu gọi là thiếu men G6PD.
– Bệnh lý như nhiễm trùng
Một nguyên nhân khác cũng làm tăng bilirubin ở trẻ là do bilirubin đào thải qua phân và nước tiểu lượng ít. Điều này là do cơ thể trẻ sơ sinh loại bỏ bilirubin chậm hơn so với người lớn, đặc biệt đối với những trẻ sinh trước 38 tuần hoặc mắc một số bệnh di truyền hiếm gặp. Ngoài ra, nếu trẻ không được cung cấp đủ sữa mẹ ở những ngày đầu sau sinh, chúng dễ bị mất nước và dẫn đến tăng bilirubin nặng cũng như 1 số vấn đề khác.
Bú mẹ: Vàng da có thể gặp ở những trẻ bú mẹ do 2 nguyên nhân sau:
– Trẻ bú kém hoặc mẹ không có đủ sữa cho con. Điều này làm trẻ nhẹ cân, làm tăng bilirubin
– Vàng da do sữa mẹ: có thể xuất hiện trong tuần đầu sau sinh, và đạt ngưỡng trong suốt 2 tuần sau sinh, sau đó sẽ giảm dần khoảng vài tuần sau đó. Nguyên nhân là do gan và đường ruột của trẻ chưa hoàn thiện, làm cho chậm đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, vàng da không phải là nguyên nhân để ngưng bú mẹ miễn là trẻ bú mẹ tốt, lên cân và phát triển. Vì sữa mẹ được chứng minh là vô cùng có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Và điều đặc biệt là vàng da do sữa mẹ này thì hiếm khi cần phải điều trị.
Biến chứng của vàng da
Ở nồng độ thấp, bilirubin không gây hại. Các biến chứng chỉ xảy ra ở trẻ nếu nồng độ bilirubin đạt đến ngưỡng gây hại.
Nếu bilirubin quá cao, có thể ảnh hưởng đến não bộ và gây tổn thương thần kinh, được gọi là bệnh não cấp do tăng bilirubin. Nếu điều trị không kịp thời, sự phá hủy này có thể trở nên không thể hồi phục hoặc vĩnh viễn.
Hậu quả nghiêm trọng hiếm gặp nếu trẻ được theo dõi thường xuyên và điều trị kịp thời. Trong 1 vài trường hợp, trẻ có nguy cơ cao tăng bilirubin nặng có thể được điều trị sớm hơn để ngăn ngừa tổn thương não bộ.
5. Tắm nắng có giúp trẻ hết vàng da?
Từ năm 2004, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyến cáo không phơi nắng để trị vàng da ở trẻ sơ sinh. Tại sao lại không?
Vàng da sơ sinh là do cơ thể bé tạo ra nhiều chất bilirubin từ hồng cầu bị phân huỷ mà gan chuyển hóa không kịp, đó thực ra là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần sau tuần đầu, tuy nhiên có thể bị nhiều hơn do một số bệnh lý kèm theo. Nếu tăng quá cao, chất bilirubin sẽ vào trong não, gây tổn thương não vĩnh viễn. Do vậy việc phát hiện vàng da sớm và theo dõi khi nào cần điều trị là rất quan trọng.
Trẻ sơ sinh bị vàng da thường được điều trị bằng loại đèn phát ra ánh sáng xanh làm thay đổi bilirubin (chất màu vàng có tự nhiên trong máu của trẻ) để có thể đào thải dễ dàng hơn.
Ánh sáng mặt trời phát ra ánh sáng có quang phổ tương tự. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời cũng phát ra tia cực tím và tia hồng ngoại có hại, có thể gây cháy nắng và ung thư da. Hơn nữa, việc cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể khiến trẻ bị quá ấm hoặc quá lạnh, tùy thuộc vào khí hậu.
Trong 1 nghiên cứu cho thấy rằng: Có một số bằng chứng cho thấy ánh sáng mặt trời có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng tăng bilirubin máu cần nhập viện ở trẻ sinh đủ tháng có nguy cơ thấp hoặc sinh non muộn, mặc dù điều này không thể được kết luận một cách chắc chắn vì chỉ có một nghiên cứu có bằng chứng chắc chắn rất thấp chứng minh điều này.
Không tìm thấy bằng chứng nào ủng hộ hay bác bỏ việc sử dụng ánh sáng mặt trời trong điều trị trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu đã được xác nhận. Dựa trên những nghiên cứu này, không chắc chắn liệu ánh sáng mặt trời có hiệu quả trong việc phòng ngừa hoặc điều trị chứng tăng bilirubin máu ở trẻ sơ sinh đủ tháng hoặc sinh non muộn hay không.
Do đó, hiện nay trên Thế giới quan điểm tắm nắng cho trẻ sơ sinh giúp giảm vàng da đã không được khuyến cáo nữa, điều quan trọng là đánh giá tình trạng trẻ và ngưỡng vàng da để điều trị kịp thời tránh vàng da nhân (ảnh hưởng não của trẻ). Còn đối với vàng da sinh lý thì dù có tắm nắng hay không thì trẻ cũng tự hết vàng da. Phơi nắng hoàn toàn không cần thiết trong trường hợp vàng da sinh lý.
Nếu thấy con vàng da ba mẹ hãy cho trẻ đi khám ngay để được hướng dẫn theo dõi và điều trị kịp thời. Đừng chỉ tin tưởng vào phơi nắng là con sẽ hết vàng da, nếu để đến lúc vàng da nặng, thậm chí có tổn thương não rồi thì dù có hối hận cũng đã muộn.
Điều trị vàng da
– Tiếp tục cho bú sữa: quan trọng vì điều này sẽ thải bilirubin qua phân và nước tiểu. Trẻ được cho là cung cấp đủ sữa nếu trẻ có ít nhất 5-6 tã ướt mỗi ngày, màu sắc phân thay đổi từ xanh đen sang vàng và trẻ dường như hài lòng sau khi bú xong.
– Chiếu đèn: là phương pháp điều trị thông thường nhất, và đa số trẻ chỉ cần chiếu đèn để điều trị vàng da
– Thay máu: cần thiết khi các phương pháp khác không hiệu quả, có dấu hiệu hoặc có nguy cơ cao tổn thương não
Phòng ngừa vàng da
Phòng ngừa vàng da do tăng bilirubin máu nặng là rất quan trọng để tránh các biến chứng nghiệm trọng bao gồm:
– Sàng lọc: các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả các trẻ sơ sinh nên kiểm tra nồng độ bilirubin trước khi xuất viện về nhà, bất kể độ tuổi. Điều này đặc biệt đúng với những trẻ bị vàng da trước 24 giờ tuổi, trong trường hợp đó cần phải xét nghiệm lại.
– Theo dõi: Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ theo dõi chặt chẽ nếu vàng da tăng dần. Vàng da tăng bilirubin máu thường dễ dàng ngăn ngừa và điều trị ban đầu; tuy nhiên, các biến chứng có thể nghiêm trọng và không thể hồi phục nếu điều trị bị trì hoãn.
– Điều trị kịp thời: Trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cao nên được điều trị ngay để giảm nồng độ bilirubin một cách an toàn và ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não, không nên trì hoãn điều trị vì bất kỳ lý do gì.
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
Một số nguồn tài liệu tham khảo:
- Patient education: Jaundice in newborn infants (Beyond the Basics)-Uptodate 2024
- Jaundice in Newborns- Cleveland Clinic
- Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020- Bệnh viện Nhi đồng 1
- Infant jaundice- Mayo Clinic