VẶN MÌNH ƯỠN NGƯỜI Ở TRẺ NHỎ LIỆU CÓ NGUY HIỂM

Các ông bố bà mẹ khi thấy con vặn mình, ưỡn người khi ngủ thì vô cùng lo lắng, không biết con có thiếu chất hay có bệnh lý gì nguy hiểm hay không?…Rất nhiều lý do được đưa ra cho biểu hiện này. Do đó bố mẹ thường tìm đủ mọi cách khác nhau với mong muốn làm giảm triệu chứng này cho con. Vậy hiện tượng vặn mình, ưỡn người có thực sự nguy hiểm như các bố mẹ vẫn nghĩ?

I. GIẤC NGỦ SINH LÝ Ở TRẺ 

Khi trẻ ngủ sẽ trải qua nhiều chu kỳ khác nhau. Mỗi chu kỳ ngủ có 2 giai đoạn chính:

REM (Rapid Eye Movement)= Ngủ nông, ngủ động

NON-REM (Non Rapid Eye Movement)= Ngủ sâu, ngủ tĩnh

Biểu hiện giấc ngủ động REM:

Bé mở mắt rồi nhắm lại

Tròng mắt đảo

Nhịp thở không đều

Cơ mặt không đều: mặt nhăn/ cơ giật nhẹ

Miệng cười

Vặn người, rặn è è

Trong 3 tháng đầu, giấc ngủ động chiếm >50% số giờ ngủ, nên trẻ ngủ hay khó chịu, hay cử động, vặn vẹo, rặn e…e

 

Tình Trạng Vặn Mình Ưỡn Người Ở Trẻ Nhỏ Có Phải Là Biểu Hiện Nguy Hiểm
Tình trạng vặn mình ưỡn người ở trẻ nhỏ có phải là biểu hiện nguy hiểm

 

II. NGUYÊN NHÂN TRẺ VẶN MÌNH ƯỠN NGƯỜI

Hiện tượng vặn mình hay ưỡn người ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (<6 tháng tuổi) đa phần là lành tính. Những nguyên nhân lành tính lý giải cho vấn đề này là gì?

  1. Sự thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung

Do tế bào thần kinh của trẻ chưa biệt hóa. Hoạt động của vỏ não hay thể vân chưa hoàn chỉnh nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế, do đó trẻ có biểu hiện cử động tay chân vì hoạt động của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi trẻ bị kích thích.

Giai đoạn ngủ động là 1 hình thức cho bộ não được hoạt động, khi bộ não phát triển thì các vùng não sẽ truyền tín hiệu liên tục →giai đọan REM này cũng sẽ hoạt động liên tục.

Khi ra ngoài, trẻ cần có thời gian thích nghi với môi trường xung quanh. 2 tuần đầu: bú xong trẻ thường nằm yên nhưng khi bước qua tuần thứ 3: bắt đầu vặn vẹo vì trẻ đang phát triển vận động và trí não rất tốt; luyện tập cơ lưng

→Hiện tượng đỏ mặt, vặn mình ưỡn người hoàn toàn không phải là dấu hiệu của thiếu canxi hay vitamin D mà là sinh lý bình thường của não đang cần thời gian để hoàn thiện hơn và thường kết thúc khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. Lúc này giấc ngủ sâu NON-REM sẽ ổn định hơn; bộ não dần hoàn thiện hơn→dễ dàng chuyển từ giấc ngủ nông sang ngủ sâu nhiều hơn.

  1. Đây là cách trẻ giao tiếp với chúng ta

Ngoài vặn mình ưỡn người, trẻ có thể khóc để bày tỏ nhu cầu của trẻ: đói, lạnh, cần được ôm…Bố mẹ nên hiểu và đáp ứng nhu cầu của trẻ

Tuy nhiên khi đã làm đủ mọi cách mà trẻ vẫn khó chịu, vẫn vặn mình ưỡn người thì cũng bình thường, đừng quá lo lắng.

  1. Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý

Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và kết thúc khi trẻ được 3-4 tháng tuổi

Do tư thế trẻ thường xuyên nằm: dạ dày của trẻ nằm ngang, cơ thắt vùng thực quản còn lỏng lẻo, nên trẻ dễ trào ngược kèm vặn mình ưỡn người→ Đây cũng là hiện tượng sinh lý bình thường

Nếu trẻ vẫn chơi, vẫn bú, tăng cân bình thường thì thỉnh thoảng có trớ kèm vặn mình ưỡn người 1 tí cũng không sao

III. GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN SINH LÝ

  1. Chia nhỏ bữa bú

Trẻ <6 tháng có phản xạ bú mút nên đừng lầm tưởng là con đang đói. Do đó trẻ bú lượng nhiều hơn dung tích dạ dày của trẻ trong khi các yếu tố về sinh lý giải phẫu chưa hoàn chỉnh sẽ khiến trẻ dễ ọc. Vì vậy nên cho trẻ bú nhiều lần hơn nhưng mỗi cữ bú ít lại

Khi con đã bú tốt (thường sau 1 tháng tuổi ) thì mới chia nhỏ ra khoảng 2,5-3h / cữ bú. Khi trẻ càng lớn thì thời gian giữa các cữ bú có thể giãn ra

Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược (giữ tư thế để trẻ ợ không quá 1 phút)

Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút

Không nằm sấp sau bú (thời gian nằm bụng- tummy time: chỉ thực hiện khi trẻ thức-chơi )

Tư thế đúng lúc ngủ: nên nằm ngửa, vì nằm sấp tăng nguy cơ trào ngược và đột tử ở trẻ

Nhưng nếu áp dụng các phương pháp trên thì có thể tình trạng vẫn còn, thì chờ đợi đến sau 1 tuổi, tình trạng này sẽ giảm đi

2. Khóc đạ đề- Cơn Colic (link cuối bài viết)

3. Cơn ngưng thở ở trẻ sơ sinh

Vùng điều hòa hô hấp ở não của trẻ chưa hoàn chỉnh, thường gặp ở trẻ sinh non. Tuy nhiên, cơn ngưng thở thường ngắn và không gây tím tái cho trẻ. Hiện tượng này cũng sẽ hết sau 3-4 tháng tuổi

Giải pháp: kích thích vào chân trẻ.

Nếu cơn ngưng thở kéo dài >20s và gây tím tái thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để thăm khám kiểm tra

Các nguyên nhân trên là lành tính và thường tự hết khi trẻ lớn dần

1 số nguyên nhân nguy hiểm khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên các nguyên nhân này rất hiếm xảy ra. Nếu có thì ngoài vặn mình ưỡn người sẽ kèm theo những biểu hiện khác.

Bệnh lý não gặp trong trẻ có vàng da nặng

Trẻ bại não, động kinh: gồng ưỡn người kéo dài và khó kiểm soát

Biểu hiện sớm của trẻ có rối loạn phổ tự kỷ: giao tiếp kém, thường trẻ không cười

Nếu trẻ có các biểu hiện trên cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ để đánh giá chính xác hơn.

>> TÓM LẠI

Đa phần hiện tượng vặn mình ưỡn người là do những nguyên nhân lành tính. Nếu con có những cử động mà bố mẹ nghĩ là không bình thường thì nên quay video lại để các bác sĩ kiểm tra kỹ hơn.

Giấc ngủ nông- REM không những không gây hại cho trẻ mà còn có những lợi ích vô cùng quan trọng:

+ Giúp trẻ phát triển vận động, trí não

+ Tăng khả năng sống sót của bé

Trẻ sơ sinh có nhịp thở không đều, 1 số bé có cơn ngưng thở ngắn. Khi bé ngủ không sâu hay thức dậy giúp tránh cơn ngưng thở kéo dài. Nếu bé ngủ quá sâu sẽ không kích hoạt được quá trình này. Do đó giấc ngủ REM giúp giảm nguy cơ đột tử sơ sinh.

Không phải giấc ngủ sâu mới giúp bé phát triển, giấc ngủ nông cũng giúp bé phát triển. Nếu trẻ có nhiều giấc ngủ nông, vặn mình ưỡn người liên tục, sau khi đã kiểm tra và giải quyết được các vấn đề có thể có ở trẻ, hãy an tâm là con bạn đang phát triển vận động và trí não một cách toàn diện. Đừng quá căng thẳng mà ảnh hưởng đến tâm lý bản thân cũng như lượng sữa cho con.

Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur

Tham khảo: Wikipedia