Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em nhưng vẫn còn chưa được chú ý. Tình huống lâm sàng thường gặp là khi bố mẹ đưa trẻ đến khám với lý do thấy trẻ thở khò khè, đặc biệt sau khi bú và lo lắng về đường thở của trẻ liệu có ổn hay không hay là trình trạng bé thường bị ọc sữa. Nhiều bậc phụ huynh cứ ngỡ rằng người lớn thì mới có vấn đề về dạ dày vì do lối sống, sinh hoạt… mà không biết rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh cũng gặp vấn đề tương tự. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề trên!
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Dạ dày thực quản tức là đề cập đến dạ dày và thực quản. Thực quản là một khối cơ dạng hình ống, nối cổ họng với dạ dày với nhiệm vụ chính là vận chuyển thức ăn, nước uống từ miệng xuống dạ dày sau động tác “nuốt”. Trào ngược được định nghĩa là dòng chảy ngược lại hoặc quay trở lại. Trào ngược dạ dày thực quản (GER) xảy ra do cơ thắt thực quản dưới ở trẻ sơ sinh dễ dàng mở ra. Điều này cho phép dịch dạ dày, thức ăn và chất lỏng có tính acid chảy ngược vào thực quản của trẻ.
Trào ngược [1] có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng là vấn đề cực kỳ phổ biến ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Nghiên cứu của Vandenplas Y và cộng sự về Trào ngược dạ dày thực quản, theo dõi độ pH trong 24 giờ, ở 509 trẻ sơ sinh khỏe mạnh đã cho thấy rằng dịch dạ dày có thể trào ngược lên thực quản 30 lần trở lên mỗi ngày. Mặc dù tần suất nhiều, nhưng không phải tất cả, các đợt trào ngược này dẫn đến trào ngược vào khoang miệng. Do đo, hầu hết nó thường là trào ngược sinh lý, tạm thời. Nhưng nếu nó trở thành một vấn đề lâu dài thì nó được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Tại sao trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh lại thường dễ bị trào ngược dạ dày thực quản?
Trào ngược dạ dày thực quản thường do các vấn đề ở cơ thắt thực quản dưới. Thông thường, cơ này mở ra để đưa thức ăn vào dạ dày và đóng lại để giữ thức ăn trong dạ dày. Khi cơ này giãn quá thường xuyên hoặc quá lâu, acid sẽ trào ngược vào thực quản. Điều này gây ra buồn nôn, nôn mửa và ợ nóng.
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản là do đặc điểm cấu tạo, vị trí, kích thước cũng như chức năng dạ dày còn chưa hoàn thiện. Theo giải phẫu, dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang, độ co giãn còn thấp, cùng với đó là các cơ thắt chưa hoạt động hiệu quả dẫn đến tình trạng sữa có thể ọc ra bất cứ lúc nào. Tình trạng ọc sữa có thể xảy ra cả khi mẹ vừa cho bé ăn, đã đặt bé nằm xuống hoặc bế với tư thế không phù hợp.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Khi trẻ tiêu hóa thức ăn, cơ vòng thực quản dưới có thể mở ra. Điều này khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản của trẻ. Đôi khi dịch đi lên hết mức, đến khoang miệng và khiến bé bị nôn, trớ hay ọc sữa. Khi trẻ bị trào ngược dạ dày, một phần dịch thức ăn (sữa) sẽ bị ọc ra ngoài, đôi khi rơi vào đường hô hấp (khí quản), kích thích gây ho và tăng tiết đờm. Lúc này, tiếng thở của trẻ sẽ khò khè. Đôi khi có thể gây nhiễm trùng. Trong những trường hợp khác, những chất dịch từ dạ dày chỉ có thể đi lên một phần thực quản và chúng có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc các vấn đề về hô hấp. Hoăc có thể chúng không gây ra triệu chứng gì.
Những trẻ thường trớ hay ọc sữa, cần phân biệt với nôn mữa. Thông thường đối với nhiễm trùng ở đường tiêu hóa, bên cạnh triệu chứng nôn trớ thì thường sẽ đi kèm với sốt, trẻ thường quấy khóc, hoặc có thể đại tiện phân lỏng.
Một số trẻ có tình trạng thở khò khè, cần phân biệt với một tình trạng viêm ở đường ở hô hấp. Đa phần những trẻ bị trào ngược thì trẻ thường thở khò khè đặc biệt là sau khi bú, trẻ vẫn bú tốt, không quấy, không sổ mũi, không sốt.
Những biến chứng có thể xảy ra của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là gì?
Một số trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể không nôn. Thay vào đó, chất chứa trong dạ dày của chúng có thể di chuyển lên trên và tràn vào khí quản (khí quản). Điều này có thể gây ra thở khò khè và viêm phổi. Trong một số ít trường hợp, điều này có thể đe dọa tính mạng.
Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên nôn mửa có thể không tăng cân và phát triển bình thường. Nếu trình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nó có thể viêm và thậm chí loét thực quản. Những vết loét này có thể gây đau đớn, và có thể gây xuất huyết. Về lâu dài nó có thể gây ra thực quản hẹp và các tế bào bất thường trong niêm mạc thực quản (thực quản Barrett).
Có cần phải điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ không?
Theo thống kê, hơn 50% trẻ dưới 3 tháng tuổi có ít nhất một lần nôn trớ mỗi ngày. Tình trạng này là bình thường và vô hại nếu trẻ vẫn vui vẻ, không quấy khóc và tăng cân bình thường. Do đó, hầu hết các trường hợp trẻ trào ngược không biến chứng thì không cần điều trị mà thay vào đó là điều chỉnh lại tư thế cho bé lúc bé bú, lúc bé ngủ.
Tuy nhiên, nếu trẻ có những biểu hiện nặng hơn, chuyển từ trớ sang nôn ói, chậm tăng cân, hay có những biểu hiện khác như thở mệt, khò khè, quấy khóc, sốt… thì cần đưa trẻ đến khám ngay.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản này thường diễn ra bao lâu?
Tần suất trào ngược, cũng như tỷ lệ các đợt trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến nôn, trớ sẽ cải thiện dần khi trẻ lớn lên. Chẳng hạn như trào ngược sinh lý hoặc nôn mửa giảm dần hoặc biến mất khi trẻ khoảng được 12 tháng, bởi vì lúc này trẻ đã có thể ngồi và ăn những thức ăn đăc hơn. Và nếu trào ngược xảy ra ở trẻ lớn hơn 18 tháng tuổi có nghĩa bất thường.
Chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
Yếu tố thúc đẩy
– Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản của trẻ và cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, nếu trong gia đình có người hút thuốc lá cần tránh hút trong nhà hoặc những không gian kín như xe oto để tránh cho trẻ tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc lá.
Yếu tố làm giảm
– Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược. Ợ hơi trong và sau khi bú có thể ngăn không khí tích tụ trong dạ dày của bé.
Cách ăn và bú sữa
– Cho con bú sữa mẹ nếu có thể: Trong sữa công thức thì thành phần chủ yếu là đạm casein, loại đạm này đạm có trọng lượng phân tử lớn dễ bị kết tủa nên sẽ khó tiêu hơn so với sữa mẹ (thành phần chủ yếu là đạm Whey). Do đó, nếu mẹ đang cho con bú, hãy tiếp tục cho con bú nếu có thể. Trẻ bú sữa mẹ ít bị trào ngược hơn so với trẻ bú sữa công thức.
– Tránh cho trẻ ăn/bú quá nhiều: Cho trẻ bú theo nhu cầu, tránh cho bú quá nhiều. Nếu dạ dày của trẻ quá no, trẻ sẽ có nhiều khả năng nôn trớ hơn. Có thể cho bé ngừng bú ngay khi bé có vẻ hài lòng hoặc mất hứng thú.
Tư thế
– Cho trẻ bú đúng tư thế, sau khi bú cần bế trẻ ở tư thế đứng khoảng 30 phút để sữa hoàn toàn xuống dạ dày, tránh cho trẻ nằm nay sau khi bú. Nếu đặt trẻ ở tư thế ngồi thường không giúp ích gì vì ở tư thế này có xu hướng chèn ép dạ dày của trẻ.
– Tránh đè ép lên vùng bụng của trẻ, nhất là sau khi bú.
– Tư thế đúng lúc ngủ: Những có vấn đề về trào ngược nên ngủ ở tư thế nằm ngữa – tư thế này đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và các trường hợp tử vong khác liên quan đến giấc ngủ (tư thế nằm nghiêng trái không còn được khuyến nghị nữa). Có thể đầu giường nên kê cao hơn một chút.
Tóm lại,
– Trào ngược dạ dày thực quản là do các vấn đề với cơ thắt thực quản dưới. Cơ này phải mở để đưa thức ăn vào dạ dày và đóng lại để giữ thức ăn trong dạ dày. Khi nó giãn ra quá thường xuyên hoặc quá lâu, dịch vị và dịch thức ăn sẽ trào ngược lên thực quản, gây ra tình trạng trào ngược.
– Tình trạng này trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhi, đặc biệt ở lứa tuổi từ 0 – 3 tháng.
– Hầu hết trẻ bị trào ngược không có triệu chứng nào khác ngoài việc nôn trớ thường xuyên. Nếu mà trẻ vẫn phát triển tốt, tăng cân và không có các triệu chứng khác thì bé sẽ không cần điều trị.
– Cần cho bé bú đúng tư thế, bế bé thẳng trong 30 phút sau khi bú, giảm lượng không khí bé nuốt và cho bé ợ hơi trong khi bú có thể làm giảm trào ngược. Nếu có thể, nên cho trẻ bú sữa mẹ. Cho trẻ bú theo nhu cầu, tránh cho trẻ ăn/bú quá no. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường như: dịch nôn/trớ của trẻ bất thường (màu sắc lạ), tần suất nôn trớ thường xuyên (trẻ có thể nôn ở bất kỳ thời điểm nào), trẻ có dấu hiệu thở gắng sức, người mệt đừ, quấy khóc, chậm tăng cân…
Tham khảo
1. Gastroesophageal Reflux in Children
Khi có các dấu hiệu bất thường về nhi khoa, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.