Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột trượt và chui vào trong lòng đoạn ruột kế tiếp, nó lồng vào nhau như các phần của ống kính thiên văn. Đây là cấp cứu bụng ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 4-36 tháng tuổi.
Tình huống lâm sàng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không có tiền sử té ngã trước đó, nôn ói đột ngột thường có 2 trường hợp xảy ra:
- Bệnh lý viêm ruột thông thường do siêu vi/ vi khuẩn, thường gồm 2 giai đoạn: trẻ nôn ói trước và sau đó là đi phân lỏng, tuy nhiên bệnh lý này thường khỏi sau 5-7 ngày nếu trẻ được chẩn đoán và xử trí đúng
- Bệnh lý thứ 2 sợ nhất đó là LỒNG RUỘT. Đây là một bệnh lý cấp cứu bụng ngoại khoa, do đó việc chẩn đoán và xử trí kịp thời là vô cùng quan trọng.
Vậy LỒNG RUỘT là tình trạng như thế nào, việc chẩn đoán và điều trị có dễ dàng hay không. Nếu lồng ruột phát hiện muộn có nguy hiểm gì cho trẻ? Cùng tìm hiểu một số thông tin hữu ích được Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ sau đây!
NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân lồng ruột: trong đa số các trường hợp, đặc biệt là nhóm trẻ <2 tuổi thì không có nguyên nhân thực thể gây lồng ruột. Có thể do rối loạn nhu động ruột từ nhiễm siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tế bào lympho ở vùng ruột và gây rối loạn nhu động ruột, sau đó mới xuất hiện các biểu hiện lồng ruột.
Nhóm thứ 2 hầu hết xảy ra ở trẻ lớn >3 tuổi, có thể có 1 số nguyên nhân gây lồng ruột. Chẳng hạn như túi thừa Meckel, trên 1 đoạn ruột có polyp hoặc nang ruột đôi…hoặc thậm chí là 1 khối u trên đoạn ruột. Đó là các nguyên nhân thực thể có thể xảy ra đặc biệt là ở trẻ lớn.
CÁC BIỂU HIỆN CỦA LỒNG RUỘT NHƯ THẾ NÀO ?
– Triệu chứng lâm sàng điển hình:
- xuất hiện đau bụng đột ngột, liên tục, dữ dội, cơn đau tăng dần, kèm theo khóc thét lên và co rút chân về phía bụng, có thể kèm theo xanh xao. Mỗi cơn đau thường diễn ra từ 15-20 phút,sau đó xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn.
- Nôn ói thường là một triệu chứng nổi bật, thường khởi phát ngay sau cơn đau bụng đầu tiên. Ban đầu, nôn Thường không kèm theo dịch mật nhưng sau khi tắc nghẽn tiến triển thường nôn ra dịch mật. Một khối ở bên phải bụng có thể được sờ thấy. Đại tiện phân máu gặp trong 50% trường hợp, 25% trường hợp có máu ẩn trong phân.
- Giữa các cơn đau, trẻ thường không có biểu hiện gì cả, gần như bình thường. Do đó, các triệu chứng ban đầu có thể dễ nhầm với bệnh lý viêm dạ dày ruột. Thậm chí khi bệnh diễn tiến nặng lên, trẻ rơi vào trạng thái li bì, hôn mê, rất dễ nhầm với bệnh lý viêm não màng não.
– Triệu chứng lâm sàng không điển hình: Tuy nhiên tam chứng được mô tả điển hình gồm đau bụng, sờ thấy khối vùng bụng và phân nhầy máu chỉ chiếm khoảng 15% trường hợp. Đến >20% trẻ không có đau bụng rõ ràng, và khoảng 1/3 trẻ không có phân nhầy máu và không có khối sờ thấy vùng bụng. Nhiều trẻ lớn hơn chỉ có đau bụng mà không có bất kỳ dấu hiệu nào khác.
Đôi khi dấu hiệu ban đầu là li bì hôn mê hoặc thay đổi tri giác mà không đau bụng, tiêu máu hay bất kỳ dấu hiệu nào khác để gợi ý đến vấn đề trong ổ bụng của trẻ. Biểu hiện này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và thường chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng huyết. Chính vì vậy, lồng ruột nên được xem xét đánh giá khi trẻ có hôn mê hay thay đổi tri giác, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
– Lồng ruột phát hiện tình cờ hoặc lồng ruột thoáng qua: Lồng ruột non thường được phát hiện tình cờ qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh vì một lý do khác hoặc các triệu chứng không đặc hiệu. Đa số các giai đoạn lồng ruột non thoáng qua không có ý nghĩa trên lâm sàng. Nếu các giai đoạn lồng ruột này diễn ra trong thời gian ngắn và không có triệu chứng, bệnh nhân có thể được xử trí bằng cách theo dõi đơn thuần. Bệnh nhân có triệu chứng không đáng kể cũng có thể không cần can thiệp.
SIÊU ÂM BỤNG
Là phương pháp được lựa chọn để phát hiện bệnh lý lồng ruột. Độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này có thể đạt đến 100% đối với một bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm. Giá trị âm tính cũng đạt gần 100%, chính vì vậy hình ảnh âm tính được thực hiện bởi một bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm có thể loại trừ chắc chắn lồng ruột.
Siêu âm có thể giúp phát hiện tốt hơn các nguyên nhân tổn thương thực thể, có thể sử dụng để theo dõi diễn tiến bệnh và không tiếp xúc với các bức xạ. Siêu âm cũng giúp đánh giá một số nguyên nhân khác gây ra triệu chứng của trẻ, như viêm ruột thừa hoặc thận ứ nước…
Các dấu hiệu điển hình của lồng ruột trên siêu âm là “Vòng tròn đồng tâm” (một số thuật ngữ khác như mắt bò hoặc lò xò cuộn) thể hiện cho các lớp trong ruột.
Dưới đây là hình ảnh siêu âm bụng tại Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng của một bệnh nhi nam 14 tháng tuổi với triệu chứng không điển hình: khởi bệnh 2 ngày với đi cầu phân lỏng khoảng 8 lần/ ngày, không có biểu hiện khóc thét, ưỡn người, không nôn ói.
Tuy nhiên siêu âm thấy hình ảnh vài quai ruột ứ dịch. Vùng hố chậu phải có hình ảnh búi lồng đường kính khoảng 16mm kéo dài 1 đoạn khoảng 25mm, bên trong búi lồng chứa quai ruột, có nhu động, hạn chế khảo sát tưới máu do trẻ quấy khóc
—> Kiểm tra lại sau 2h: Búi lồng tăng kích thước # 21x25mm, kéo dài # 32mm, còn tưới máu bên trong búi lồng.
—-> Chẩn đoán lồng ruột, đề nghị nhập viện xử lý.
Qua đó, có thể thấy rằng không phải lúc nào lồng ruột cũng có những triệu chứng rõ ràng, chính vì vậy các bậc phụ huynh cần theo dõi sát trẻ để đưa đi khám kịp thời.
TRẺ EM LỒNG RUỘT CÓ NHỮNG NGUY HIỂM NÀO?
Lồng ruột là tình trạng quai ruột ở trên chui vào quai ruột ở dưới làm cho ruột trên bị siết chặt bởi quai ruột ở dưới làm cho ứ đọng dịch tiêu hóa và hơi ở bên trên. Mạch máu nuôi ruột cũng bị chui vào bên trong, làm cho tắc nghẽn mạch máu và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
– Tắc ruột phía trên: gây những biểu hiện như ói mửa, rối loạn điện giải
– Ruột bị hoại tử do mạch máu nuôi ruột bị siết chặt, thậm chí thủng ruột-->dịch trong ruột tràn ra vào trong ổ bụng gây viêm nhiễm toàn bộ ổ bụng. Trẻ sẽ có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, sốc, thậm chí tử vong
LỒNG RUỘT DỄ NHẦM LẪN VỚI CÁC BỆNH LÝ KHÁC?
-Triệu chứng chính của lồng ruột là đau bụng, tuy nhiên đa số trường hợp lồng ruột có thể xuất hiện sau tình trạng rối loạn nhu động ruột xuất phát từ viêm nhiễm đường tiêu hóa hoặc viêm nhiễm đường hô hấp từ siêu vi. Chính vì vậy, trẻ có thể có sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiêu chầy máu.. nên rất dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày ruột do siêu vi hoặc tiêu chảy nhiễm trùng
ĐIỀU TRỊ LỒNG RUỘT
Phụ thuộc vào thời điểm trẻ được đưa đến bệnh viên trong giai đoạn sớm (chưa có biến chứng) và giai đoạn muộn (đã có biến chứng)
– Chưa có biến chứng: điều trị đơn giản: bơm hơi tháo lồng (tỷ lệ thành công ở các cơ sở y tế có kinh nghiệm và chuyên môn là 70-85% ) và trẻ có thể ra viện ngày hôm sau. Cũng có trẻ tự tháo lồng trong thời gian theo dõi, mát xa bụng. Một số trẻ nặng hơn, đoạn ruột chui vào sâu không tháo được thì có thể phải mổ.
– Điều trị phẫu thuật:
+Bệnh nhân không ổn định: Trường hợp này nên hồi sức ban đầu, hội chẩn phẫu thuật và ổn định bệnh nhân trước khi mổ
+Viêm phúc mạc hoặc thủng ruột
+Phương pháp điều trị không phẫu thuật ở trên hoàn toàn thất bại.
LỒNG RUỘT CÓ TÁI PHÁT KHÔNG?
Lồng ruột là bệnh lý rất hay tái phát. Đặc biệt trẻ nhũ nhi (<2 tuổi) có thể lồng ruột 2,3 lần, thậm chí 10 lần. Khoảng 10% trẻ tái phát sau điều trị tháo lồng bàng hơi, khoảng 4% bị tái phát trong vòng 48h đầu tiên sau điều trị (có thể là do phù nề hoặc viêm ruột vẫn còn, có thể là nguyên nhân gây lồng ruột). Ngoài ra có thể tái phát sau vài tuần hoặc vài tháng.
Tái phát không phải là 1 chỉ định phẫu thuật, mức độ nặng phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn đoạn ruột, siết mạch máu nuôi nhiều hay không, và thời gian đoạn ruột bị lồng bao lâu. Nên tái phát không có nghĩa là lần sau sẽ nặng hơn lần trước đó, nếu phát hiện và điều trị sớm thì không ảnh hưởng đến hậu quả. Mỗi lần tái phát nên được xử lý như lần đầu tiên với điều kiện trẻ lâm sàng ổn định. Lồng ruột tái phát nhiều lần nên xem xét đến liệu có nguyên nhân thực thể nào gây ra tình trạng này hay không, nhưng cũng có thể xảy ra ở những trẻ lồng ruột vô căn.
TÓM LẠI
- Lồng ruột đa số không có một nguyên nhân cụ thể, chính vì vậy không có biện pháp nào chuyên biệt để phòng ngừa lồng ruột xảy ra. Điều quan trọng cần nhận biết các biểu hiện nghi ngờ lồng ruột để đưa trẻ khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Khi trẻ có các biểu hiện dưới đây, bạn nên đưa ngay con tới cơ sở y tế gần nhất để siêu âm kiểu tra loại trừ khả năng bị lồng ruột.
- Đau bụng: khác so với đau bụng do các bệnh lý viêm ruột thông thường. Đau bụng trong lồng ruột cường độ rất dữ dội. Khi vào cơn đau trẻ khóc thét từng cơn, quằn quại, ưỡn người, co chân, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Cơn đau có thể kéo dài 15-20 phút sau đó hoàn toàn mất đi, nhưng vài phút sau thì cơn đau lại tiếp tục xuất hiện, và tần suất càng lúc càng nhiều hơn, thậm chí trẻ bỏ bú, bỏ chơi.
- Nôn, da tím tái, nhợt nhạt
- Đi phân có nhầy máu
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
TÀI LIỆU THAM KHẢO