TIÊU CHẢY KÉO DÀI Ở TRẺ EM

Tiêu chảy là vấn đề rất thường gặp ở trẻ em. Phần lớn các đợt tiêu chảy thường khỏi trong 1 tuần. Tuy nhiên, khi tình trạng tiêu chảy này kéo dài hơn 2 tuần làm các bậc bố mẹ vô cùng lo lắng và không biết nguyên nhân do đâu. Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur đã có bài viết cụ thể về tình trạng này.

1. Khi nào trẻ được chẩn đoán tiêu chảy kéo dài

Tiêu chảy kéo dài là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước xảy ra ít nhất 3 lần mỗi ngày và kéo dài từ 14 ngày trở lên. Một số tác giả sử dụng thuật ngữ “tiêu chảy mạn tính” đối với các tình trạng tiêu chảy kéo dài từ 30 ngày trở lên.

Ở các nước đang phát triển, tiêu chảy kéo dài thường gặp ở trẻ <2 tuổi, đặc biệt là trẻ <1 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở những trẻ lớn hơn.

Tiêu Chảy Kéo Dài Ở Trẻ

2. Nguyên nhân gây tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ

Các nguyên nhân và tỷ lệ mắc tiêu chảy kéo dài khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ở các nước đang phát triển, tình trạng tiêu chảy kéo dài thường sau các đợt tiêu chảy cấp và thường có liên quan đến các nhiễm trùng đường ruột nhiều đợt và không đủ thời gian để hồi phục giữa các đợt này; dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, và thường kèm theo các bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi…

Ở các nước phát triển, trẻ thường ít có khả năng tiếp xúc với các mầm bệnh đường ruột và chế độ dinh dưỡng đảm bảo, do đó nếu xảy ra tiêu chảy kéo dài thì nhiều khả năng là do các bệnh lý nền khác như bệnh celiac, bệnh lý ruột viêm thường do đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với các tác nhân gây bệnh.. (IBD- inflammatory bowel diseases)

Ngoài ra, chế độ ăn thiếu hụt các vi chất như kẽm, vitamin A, acid folic,..và tình trạng suy giảm miễn dịch góp phần gây nên bệnh lý đường ruột mạn tính cũng như gây ra tiêu chảy kéo dài, làm cho quá trình hồi phục niêm mạc ruột bị giảm và giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu.

Do sự hấp thu của nước và các chất điện giải trong lòng ruột không đảm bảo chức năng hoàn toàn hoặc sự bài tiết quá nhiều vượt quá khả năng hấp thu hoặc giữ nước do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột.

*Tiêu chảy xuất tiết có thể xảy ra khi các mầm bệnh sản xuất các độc tố gây bệnh, kích thích ruột non bài tiết các ion clo- kéo theo nước vào trong lòng ruột và vượt quá khả năng hấp thu của ruột già. Các mầm bệnh làm tổn thương trực tiếp các niêm mạc ruột non. Tình trạng tiêu chảy có thể rất nặng, đặc biệt trong 2-3 ngày đầu.

*Tiêu chảy thẩm thấu: xảy ra khi trong chế độ ăn có các chất mà đường ruột không hấp thu được, hoặc sử dụng 1 số thuốc có hoạt tính thẩm thấu và hậu quả kéo nước vào trong lòng ruột. Đây là nguyên nhân hay gặp gây nên tiêu chảy cấp cũng như tiêu chảy kéo dài.

4 nhóm nguyên nhân chính:

– Bị các đợt nhiễm trùng mới liên tiếp nhau hoặc chồng chéo nhau gây ra các triệu chứng liên tục dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài

– Một số tác nhân gây bệnh độc lực cao khó/ không bao giờ bị thanh thải hoàn toàn gây ra tình trạng bệnh kéo dài

– Bất dung nạp lactose thứ phát sau đợt tiêu chảy cấp hoặc 

Sự phát triển quá mức các loại vi khuẩn cũng có liên quan đến tăng tính thấm, đặc biệt ở những trẻ <12 tháng, làm tăng nhạy cảm với các kháng nguyên trong chế độ ăn và dẫn tới các bệnh lý ruột do dị ứng sau đó (ví dụ dị ứng đạm sữa bò..) hoặc 

Tình trạng dùng kháng sinh gây ra các tác dụng rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột và gây ra các triệu chứng kéo dài hơn.

– Khi hàng rào bảo vệ của cơ thể bị suy giảm, giảm tái tạo niêm mạc đường ruột, cơ thể suy giảm miễn dịch, do đó không có khả năng loại bỏ mầm bệnh và sự hồi phục bị gián đoạn

3. Chẩn đoán bệnh tiêu chảy kéo dài như thế nào?

Bởi vì tình trạng tiêu chảy kéo dài sau đợt nhiễm trùng cấp tính liên tục là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy kéo dài. 

*Bệnh nhân cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng, loại tiêu chảy, một số xét nghiệm nếu cần thiết. Ngoài ra cần được đánh giá biến chứng, mức độ nặng và các bệnh lý kèm theo:

– Đánh giá mất nước và nhiễm khuẩn huyết

– Đánh giá chiều cao, cân nặng, có phù hay không để nhận biết suy dinh dưỡng nặng 

– Tất cả trẻ phải được đánh giá các nhiễm trùng kèm theo như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa

– Đánh giá các bệnh lý nền có thể gây ra suy dinh dưỡng: bại não, tim bẩm sinh, HIV và lao..

*Phân loại tiêu chảy:

– Tiêu chảy tóe nước: Thường được gây ra bởi các đợt nhiễm trùng cấp tính nối tiếp nhau, thường kèm theo tình trạng dinh dưỡng không đảm bảo. Các trẻ này thường cải thiện triệu chứng nếu chế độ dinh dưỡng hợp lý và giảm các nguy cơ tái nhiễm như vấn đề vệ sinh

– Tiêu chảy phân máu: phần lớn gây ra bởi Shigella, sau đó có thể do Campylobacter, E.histolytica hiếm gặp hơn. Hầu hết các nhiễm trùng do các căn nguyên này gây ra các đợt tiêu chảy cấp tính và gây ra phân máu lượng ít, thường gây sốt. Tuy nhiên các mầm bệnh này có thể gây ra tiêu chảy mạn tính ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.

*Cần làm các xét nghiệm nào?

Các xét nghiệm đặc hiệu thường không quá cần thiết trong xử lý bệnh nhân tiêu chảy kéo dài ở các nước đang phát triển. Các vấn đề như bù dịch, bù điện giải và quản lý chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng mà không phụ thuộc vào căn nguyên của bệnh.

Nếu tiêu chảy phân nhầy máu, có thể thực hiện cấy phân để tìm tác nhân vi khuẩn gây bệnh (cụ thể là Shigella và Campylobacter)

Tiêu Chảy Kéo Dài Ở Trẻ Em Ảnh Minh Họa

4. Điều trị tiêu chảy kéo dài ở trẻ

– Bù nước điện giải: 

+ Tử vong trong bệnh tiêu chảy kéo dài thường gây ra do giảm thể tích hoặc do suy dinh dưỡng nặng. 

+ Khuyến cáo tiếp tục bú mẹ, đặc biệt bú mẹ hoàn toàn có lợi trong tiêu chảy do giảm tiếp xúc với các mầm bệnh và cung cấp các chất bảo vệ có trong sữa mẹ như lactoferrin, lysozyme, oligosaccharide chống lại mầm bệnh cũng như cung cấp các kháng thể từ mẹ truyền sang con

– Quản lý chế độ ăn: 

+ Trẻ nên bắt đầu ăn ngay sau khi được bù dịch. Việc trì hoãn cho trẻ ăn sẽ làm tình trạng suy dinh dưỡng nặng lên. Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ. Nếu trẻ không muốn ăn có thể đặt sonde dạ dày cho trẻ nếu cần thiết.

+ Nhiều trẻ có tình trạng tiêu chảy kéo dài/ tiêu chảy mạn tính sẽ thiếu các men tiêu hóa đường disaccharide thứ phát gây ra do tổn thương niêm mạc ruột. Do đó trẻ phải dùng chế độ ăn ít lactose và đôi khi chế độ ăn giảm đường nếu cần thiết.

+ Không cần hạn chế chất béo, vì bản thân nó không gây tiêu chảy nặng hơn mà ngược lại nó còn giúp cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, góp phần làm giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn.

+ Trường hợp trẻ không đáp ứng với chế độ ăn giảm lactose trong vòng 7 ngày thì có thể chuyển sang chế độ ăn free-lactose. 

– Bổ sung vi chất và vitamin: 

+ Trẻ suy dinh dưỡng và tiêu chảy mạn tính thường thiếu vitamin A, kẽm, acid folic, đồng và các vitamin khoáng chất khác..Việc thiếu các vi chất này có thể làm giảm chức năng của hệ miễn dịch và làm chậm sự hồi phục chức năng của ruột non.

+ Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm làm giảm mức độ nặng và thời gian của các đợt tiêu chảy cấp và kéo dài ở trẻ. Việc bổ sung kẽm dự phòng ở dân số nơi có tỷ lệ thiếu kẽm cao cũng góp phần giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy, trong đó bao gồm cả tiêu chảy kéo dài.

+ WHO khuyến cáo bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy ở các nước đang phát triển, liều 10 mg/ ngày đối với trẻ <=6 tháng và 20 mg/ ngày đối với trẻ lớn hơn, trong 14 ngày. Ngoài ra, WHO còn khuyến cáo cung cấp ít nhất 2 lần so với nhu cầu hằng ngày các chất như folate, vitamin A, sắt, đồng và magie trong 2 tuần.

– Kháng sinh: điều trị khi có chỉ định, đặc biệt ở những trẻ tiêu phân máu (thường do Shigella, Campylobacter hay kí sinh trùng). Khi trẻ đi phân có máu, thì khả năng hàng đầu là do Shigella hay Campylobacter và có thể điều trị theo kinh nghiệm.

– Thuốc cầm tiêu chảy: các thuốc làm thay đổi nhu động ruột như loperamide, codein,..không được khuyến cáo vì chúng ít có hiệu quả, có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, mầm bệnh không thải ra được làm nặng nề tình trạng bệnh hơn.

– Men vi sinh: Các nghiên cứu cho thấy men vi sinh làm giảm tần suất đi phân và giảm thời gian của tiêu chảy kéo dài. Một số men vi sinh được thử nghiệm là có hiệu quả gồm Saccharomyces boulardii và Lactobacillus rhamnosus GG.

Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Persistent diarrhea in children in resource-limited countries-Uptodate
  2. World Health Organization. The treatment of diarrhoea, a manual for physicians and other senior health workers. WHO/FCH/CAH/03.7. Geneva: World Health Organization, 2005