Đái tháo đường là một trong những rối loạn chuyển hóa hay gặp có liên quan đến hormon insulin làm đường huyết tăng cao. Trong các thuốc điều trị đái tháo đường type 2 thì Metformin được chỉ định phổ biến. Metformin được đánh giá hiệu quả trong việc giảm đường huyết đói và HbA1c nhưng cần lưu ý với tác dụng phụ thiếu máu do thiếu Vitamin B12, đặc biệt khi dùng trong thời gian dài với liều cao.
Các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của đái tháo đường?
Các yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh lý đái tháo đường thường gặp là: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, sử dụng rượu, thuốc lá, nhiễm virus như quai bị, sởi, coxsackie B….
Tình trạng thiếu Insulin làm tăng đường huyết, áp lực thẩm thấu máu làm cho các triệu chứng tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân nhiều. Một số triệu chứng có thể gặp như: khô da, ngứa toàn thân hay mờ mắt thoáng qua.
Vai trò của Metformin trong điều trị đái tháo đường?
Trong bệnh lý đái tháo đường, Metformin đơn độc có thể giúp giảm được 60 – 70 mg/dL và giảm HbA1c được 1,5 – 2%. Điều trị hiệu quả với Metformin giúp giảm thiểu nguy cơ với các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Sự sản xuất glucose tại gan và sự tân sinh đường tại gan giảm. Metformin cũng có vai trò làm giảm triglycerid và acid béo tự do. Cân nặng của người bệnh không tăng như điều trị với các thuốc đái tháo đường khác mà có thể giảm khi kết hợp với một chế độ tập luyện hợp lý.
Lưu ý về tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12 do sử dụng Metformin
Khi dùng Metformin trong thời gian dài có thể gây thiếu máu do kém hấp thu vitamin B12 và yếu tố nội tại tại hồi tràng. Tuy nhiên các triệu chứng ở giai đoạn đầu của thiếu máu do thiếu vitamin B12 ít được biểu hiện rõ ràng. Do đó, cần được thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, xét nghiệm công thức máu để đánh giá theo dõi. Một số xét nghiệm về chức năng gan, chức năng thận cũng cần được quan tâm trước và trong quá trình điều trị với Metformin.
Bên cạnh tình trạng thiếu máu, cần lưu ý những tác dụng phụ khác có thể gặp của Metformin như rối loạn tiêu hóa, thường gặp nhất là tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, giảm acid folic, nhiễm acid lactic…
Các loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin B12
Thịt đỏ
Thịt đỏ rất giàu đạm, vitamin B12 và sắt, là những nguồn dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh đái tháo đường. Nhưng thịt đỏ cũng có rất nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng thêm biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường. Do vậy, khi ăn thịt đỏ, người bệnh đái tháo đường chỉ nên chọn phần thịt nạc bởi hầu hết chất béo xấu đều tập trung ở phần mỡ. Đồng thời, một tuần không nên ăn quá 300-500g loại thịt này và nên ăn đan xen với một số nguồn đạm tốt khác như: đạm thực vật từ các loại đậu đỗ, thịt trắng (cá biển, thịt gia cầm bỏ da…).