Bệnh tăng nhãn áp là gì?
Tăng nhãn áp glocom (thiên đầu thống) là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặc trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và liên quan đến tình trạng nhãn áp cao.
Glocom có nhiều cách phân loại, hiện ở Việt Nam thường phân loại thành:
Glocom nguyên phát (được quan tâm nhiều nhất), bao gồm:
- Glocom góc đóng nguyên phát (hay gặp ở Việt Nam).
- Glocom góc mở nguyên phát.
Glocom thứ phát: xuất hiện sau những rối loạn tại mắt và toàn thân, như glocom do chấn thương, do viêm màng bồ đào, do bệnh lý của thể thuỷ tinh,…
Glocom nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ không có thuốc điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật nào phục hồi lại được những tổn thương mà glocom đã gây ra.

Mắc bệnh tăng nhãn áp cần bổ sung vitaminh không?
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tăng nhãn áp thắc mắc về các vấn đề về bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt liệu rằng có giúp cải thiện thị lực hoặc có giúp người bệnh khỏi bị suy giảm thị lực thêm hay không?
Câu trả lời là không. Nhiều loại thực phẩm chức năng được bán trên thị trường dưới dạng vitamin bổ sung cho mắt. Nhưng có rất ít các bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng các sản phẩm này để ngăn ngừa bệnh lý tăng nhãn áp hoặc cải thiện tình trạng suy giảm thị lực do bệnh lý này gây nên.
Đã có một số thử nghiệm lâm sàng về việc bổ sung các vitamin hoặc thực phẩm chức năng cho mắt được tiến hành. Một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin nhóm B thông qua nguồn thực phẩm tự nhiên từ nhiều loại rau xanh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tăng nhãn áp. Nhưng các chất bổ sung dạng kết hợp bao gồm axit folic, vitamin B6, vitamin B12 dường như không mang lại các lợi ích tương tự.
Một số các nghiên cứu khác đã phát hiện các chất chống oxy hóa cũng như các hợp các tự nhiên (Ginkgo biloba), trái cây, trà xanh có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh lý tăng nhãn áp, nhưng mức độ bằng chứng còn rất thấp. Và một số nghiên cứu khác đã phát hiện việc bổ sung thêm vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tăng nhãn áp, nhưng vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều các nghiên cứu chuyên sâu khác để khẳng định.
Nếu bạn đang mắc bệnh lý tăng nhãn áp và đang có ý định bổ sung thêm các loại vitamin hoặc thực phẩm chức năng hãy trao đổi với các bác sĩ Nhãn khoa để được tư vấn các rủi ro cũng như lợi ích mà chúng có thể mang lại.
Với bệnh nhân điều trị tăng nhãn áp bằng thuốc tra tại mắt, phải khám và tiến hành theo dõi nhãn áp 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và soi đáy mắt 3 – 6 tháng/lần. Theo dõi điều trị là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng.
Trong nhiều trường hợp, tăng nhãn áp tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp, hậu quả là bệnh tiếp tục âm ỉ tiến triển dẫn tới mất hoàn toàn thị lực. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ theo dõi định kỳ từ khi phát hiện bệnh, kiên trì điều trị suốt đời nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, bảo tồn được thị lực của mình.
Có thể phòng tránh được mù lòa do tăng nhãn áp bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.
Tham khảo: Wikipedia
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về sức khỏe mắt hoặc phương pháp này, vui lòng liên hệ 𝟎𝟐𝟑𝟔 𝟗𝟗𝟗𝟗 𝟖𝟔𝟖 để được hỗ trợ nhanh nhất