Bệnh giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, một số trường hợp có thể lây truyền từ người mẹ mang thai nhiễm giang mai sang con.
Tỷ lệ bệnh giang mai có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, do đó việc tầm soát bệnh trong khi mang thai rất quan trọng vì giúp hạn chế tình trạng giang mai bẩm sinh. Hãy cùng Pasteur Clinic tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Bệnh giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang con
Các triệu chứng bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai thường khó nhận biết trên lâm sàng nên ít khi được phát hiện đúng lúc. Giang mai có thể lây truyền từ người mẹ sang thai nhi từ tháng thứ 5 của thai kỳ qua nhau thai. Xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào bào thai qua mạch máu rốn để lây bệnh.
Nhiễm giang mai thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hay thai lưu. Trẻ cũng có thể mắc giang mai bẩm sinh khi người mẹ sinh bằng phương pháp sinh thường.
Đặc điểm của giang mai bẩm sinh
Biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh khác nhau trên từng trường hợp cụ thể, được chia thành giang mai bẩm sinh sớm và giang mai bẩm sinh muộn:
Giang mai bẩm sinh sớm: các triệu chứng thường xuất hiện trong 2 năm đầu như bọng nước ở lòng bàn tay và bàn chân, có vết nứt ở quanh mép hoặc quanh mũi, chảy nước mũi lẫn máu, viêm xương sụn, giả liệt Parrot…
Giang mai bẩm sinh muộn: thường xuất hiện khi trẻ trên 2 tuổi, một số trường hợp các biểu hiện được ghi nhận khi trưởng thành: viêm mống mắt có thể dẫn đến mất thị lực, mất thính lực, viêm khớp gối, biến dạng xương (thủng vòm miệng, mũi tẹt, xương chày lưỡi liềm…)
Tầm soát giang mai như thế nào?
Tầm soát giang mai giúp hạn chế các biến chứng dị tật hay tử vong do giang mai bẩm sinh:
Cần khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi lên kế hoạch mang thai trong đó bao gồm cả xét nghiệm giang mai
Quan hệ tình dục an toàn
Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ Sản phụ khoa
Khi phát hiện giang mai ngay cả nghi ngờ lây nhiễm giang mai do quan hệ tình dục trong thai kỳ, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp
Thời điểm nào nên xét nghiệm giang mai?
Nếu nghi ngờ bản thân mắc giang mai bẩm sinh, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ở bất kỳ thời điểm nào và càng sớm càng tốt. Đối với giang mai và thai kỳ, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên sàng lọc giang mai trong ba tháng đầu.
Đối với sản phụ có nguy cơ cao, như phụ nữ hành nghề mại dâm nên xét nghiệm thêm trong 3 tháng cuối. Cần sàng lọc trước sinh bổ sung đối với các sản phụ sinh sống trong các cộng đồng có nguy cơ cao, tại các thời điểm:
- Lần khám thai đầu tiên
- 28 tuần
- 36 tuần
- Thời điểm sinh
- 6 tuần sau khi sinh
Tham khảo: Wikipedia
>> Các bà mẹ có nhu cầu thăm khám sản phụ khoa hoặc thực hiện các xét nghiệm máu tầm soát tại Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868