TẮM NẮNG GIÚP TRẺ HẾT VÀNG DA???

Có 1 niềm tin mãnh liệt trong cộng đồng được truyền miệng từ đời này qua đời khác, thậm chí là các bác sĩ rằng “CHO EM BÉ ĐI TẮM NẮNG ĐỂ CUNG CẤP VITAMIN D GIÚP TRẺ HẾT VÀNG DA”. Vậy quan niệm này liệu có đúng không? Liệu có những tác hại tiềm tàng nào mà các bậc phụ huynh còn chưa thật sự hiểu rõ về việc tắm nắng để hết vàng da cho con. Cùng tìm hiểu thông qua thông tin bài viết Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ sau đây!

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VITAMIN D VÀ NHU CẦU VITAMIN D CỦA MỖI NGƯỜI LÀ BAO NHIÊU?

Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể chúng ta cần để xây dựng một bộ xương vững chắc. Nó đóng vai trò giúp cơ thể hấp thu và duy trì đủ số lượng calci và phosphate- là 2 chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho sức khỏe bộ xương.

Chúng ta nhận được hầu hết vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Khi tia cực tím (UV) chiếu vào da- đặc biệt là giữa trưa – nó sẽ kích hoạt sản xuất vitamin D. Thực phẩm bổ sung hằng ngày: các loại thực phẩm tăng cường như sữa, ngũ cốc và cá hồi, cá ngừ, cá thu- cũng cung cấp vitamin D. Các phản ứng hóa học ở gan và thận chuyển hóa vitamin D mà cơ thể sử dụng.

Nhìn chung, người trưởng thành cần tiêu thụ 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên đến 800 đơn vị/ ngày đối với những người >70 tuổi. Các dữ liệu khảo sát quốc gia cho thấy rằng hầu hết những người Mỹ đều không cung cấp đủ vitamin D thông qua chế độ ăn.

Thiếu vitamin D nặng và kéo dài gây ra các rối loạn chuyển hóa xương như còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người trưởng thành. Các hậu quả như dẫn đến xương mềm, đau cơ, vận động đau và thậm chí là gãy xương. Thiếu Vitamin D cũng có thể gây ra loãng xương.

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu cho ra kết quả về sự liên quan của thiếu hụt Vitamin D với các bệnh lý khác nhau- như mệt mỏi, trầm cảm, bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, các vấn đề chuyển hóa và ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng về việc bổ sung vitamin D ở người có các bệnh lý trên thường không cho thấy lợi ích. Do đó thiếu vitamin D có thể không gây ra các bệnh lý này.

Người trưởng thành không nhận đủ vitamin D có thể do 1 trong các nguyên nhân sau đây:

+ Bệnh lý mạn tính: Các tình trạng làm ảnh đến sự hấp thu vitamin D có thể tác động đến nồng độ vitamin D trong máu. Ví dụ: bệnh viêm ruột (IBD) hoặc celiac hoặc phẫu thuật giảm cân có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin D của đường ruột. Bệnh gan và thận mạn tính có thể cản trở sự chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động trong máu của nó. Cũng như việc sử dùng kéo dài 1 số thuốc, chẳng hạn như thuốc chống co giật và corticoid

+ Giảm sự tổng hợp ở da: Người có da sậm màu hơn có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn bởi vì lượng melanin cao hơn làm giảm khả năng sản xuất vitamin D từ ánh sáng mặt trời. 1 số nghiên cứu cho thấy các em bé có làn da sáng, mặc áo ba lỗ, quần ngắn ra nắng tầm 5 phút trong khoảng thời gian từ 10-15h đủ tổng hợp vitamin D để xài cả tuần ( > 3000 UI). Đối với em bé da vàng/ sẫm màu thì thời gian phơi nắng có thể gấp 3 lần.

Lão hóa cũng làm giảm hiệu quả tổng hợp vitamin D. Kem chống nắng, quần áo và các biện pháp chống tia cực tím khác ngăn chặn sự tiếp xúc của da với ánh nắng mặt trời không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư da mà còn làm giảm sản xuất vitamin D.

+ Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Người dành nhiều thời gian trong nhà có nồng độ vitamin D thấp. Lượng ánh nắng cần thiết để sản xuất đủ vitamin D không rõ, nhưng hầu hết các ước tính là không quá 15 phút mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ba lần một tuần. Tuy nhiên, tiếp xúc ánh sáng phải cân bằng với nguy cơ ung thư da.

Cung cấp 600 đơn vị Vitamin D mỗi ngày sẽ đảm bảo đủ nồng độ vitamin D nhanh chóng, tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều vitamin D có thể tăng hấp thu calci, dẫn đến các rối loạn như sỏi thận và gây hại tim và mạch máu của bạn. Học viện Y khoa Quốc gia khuyến nghị giới hạn trên 4.000 đơn vị quốc tế mỗi ngày để đảm bảo an toàn.

Tìm Hiểu Về Biện Pháp Tắm Nắng Để Tránh Vàng Da Cho Trẻ
Tắm nắng có giúp trẻ hết vàng da

II. TIẾP XÚC VỚI ÁNH SÁNG MẶT TRỜI Ở TRẺ EM- CÂN NHẮC GIỮA LỢI VÀ HẠI?

Vitamin D được tổng hợp ở da bởi tia cực tím (UV) của ánh nắng mặt trời được đánh giá đáp ứng gần 90% nhu cầu hàng ngày. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15-30 phút trong 2-3 lần/ tuần thì đủ để sản xuất lượng vitamin D cần thiết. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có chứng minh nào cho ý kiến này. Một số khía cạnh quan trọng khác liên quan đến việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời phần lớn đã bị bỏ qua (ví dụ như lão hóa do ánh sáng, khuynh hướng ung thư da, đục thủy tinh thể, chấn thương võng mạc và các bệnh tự miễn).

  1. CÁC LOẠI TIA CỰC TÍM?

Chia làm 3 loại:

  • UVA: bước sóng cao 320-400nm, xuyên qua tầng ozon, qua lớp mây mù, qua kính, qua nước, có thể tiếp cận với da, tác động lên lớp màng đáy có thể dẫn đến ung thư da.
  • UVB: bước sóng từ 290-320nm, nó bị hấp thu khoảng 95% khi đi qua tầng ozon, bị ngăn cản bởi nước, mây, kính thủy tinh, quần áo; cơ thể tiếp xúc ít hơn so với tia UVA
  • UVC: bước sóng rất ngắn 200-290 nm, hầu như bị tầng ozon hấp thụ hết. Do đó không thể tiếp cận với da

Tia UVB có lợi để tổng hợp vitamin D nhưng đặc tính tia UVB có bước sóng trung bình nên vào lúc sáng sớm (trước 9h) khi mặt trời chưa lên đến đỉnh đầu thì tia UVB chiếu xiên -> đường đi ánh sáng càng dài, dẫn đến cường độ càng yếu đi nên khi đến mặt đất tiếp xúc với da với cường độ rất thấp. Do vậy nếu phơi nắng buổi sáng sớm thì hầu hết hấp thụ tia UVA.

Khi mặt trời đứng bóng (10-15h): mặt trời lên cao trên đỉnh đầu thì tia UVB mạnh, đi theo đường thẳng và không bị các lớp mây mù cản->giúp tổng hợp vitamin D nhưng đồng thời lúc này là lúc tia UVA cực mạnh. Do đó nếu phơi nắng lúc này thì tiếp xúc tia UVA nhiều hơn mặc dù tổng hợp được vitamin D, do đó có thể dẫn đến khô da, nhăn da, xạm da và thậm chí là ung thư da.

2. LỢI ÍCH CỦA TIA CỰC TÍM?

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tổng hợp vitamin D
  • Tạo cảm giác hạnh phúc
  • Điều trị một số bệnh da liễu như bệnh bạch biến và vảy nến

3. QUAN ĐIỂM: TẮM NẮNG GIÚP TRẺ HẾT VÀNG DA?

Trẻ sơ sinh bị vàng da thường được điều trị bằng loại đèn phát ra ánh sáng xanh làm thay đổi bilirubin (chất màu vàng có tự nhiên trong máu của trẻ) để có thể đào thải dễ dàng hơn.

Ánh sáng mặt trời phát ra ánh sáng có quang phổ tương tự. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời cũng phát ra tia cực tím và tia hồng ngoại có hại, có thể gây cháy nắng và ung thư da. Hơn nữa, việc cho trẻ vàng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể khiến trẻ vàng da bị quá ấm hoặc quá lạnh, tùy thuộc vào khí hậu.

Trong 1 nghiên cứu cho thấy rằng: Có một số bằng chứng cho thấy ánh sáng mặt trời có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng vàng da tăng bilirubin máu cần nhập viện ở trẻ sinh đủ tháng có nguy cơ thấp hoặc sinh non muộn, mặc dù điều này không thể được kết luận một cách chắc chắn vì chỉ có một nghiên cứu có bằng chứng chắc chắn rất thấp chứng minh điều này. Không tìm thấy bằng chứng nào ủng hộ hay bác bỏ việc sử dụng ánh sáng mặt trời trong điều trị trẻ sơ sinh bị vàng da tăng bilirubin máu đã được xác nhận. Dựa trên những nghiên cứu này, không chắc chắn liệu ánh sáng mặt trời có hiệu quả trong việc phòng ngừa vàng da hoặc điều trị chứng vàng da tăng bilirubin máu ở trẻ sơ sinh đủ tháng hoặc sinh non muộn hay không.

Do đó, hiện nay trên Thế giới quan điểm tắm nắng cho trẻ sơ sinh vàng da giúp giảm vàng da đã không được khuyến cáo nữa, điều quan trọng là đánh giá tình trạng trẻ bị vàng da và ngưỡng vàng da để điều trị chiếu đèn/ lọc máu kịp thời tránh vàng da nhân (ảnh hưởng não của trẻ). Còn đối với vàng da sinh lý thì dù có tắm nắng hay không thì trẻ cũng tự hết vàng da. Phơi nắng hoàn toàn không cần thiết trong trường hợp vàng da sinh lý.

4. TÁC HẠI CỦA TIA CỰC TÍM?

  • Gây ức chế miễn dịch: Tia UVB làm tổn thương các tế bào đuôi gai trong da và kích thích tế bào T sản xuất cytokine, IL-10 gây ức chế miễn dịch.
  • Tia UV làm đứt gãy các liên kết DNA, làm xuất hiện các kháng nguyên hạt nhân trên về mặt tế bào và sự tổng hợp các kháng nguyên mới có thể gây ra các bệnh tự miễn như lupus.
  • Lão hóa là một biến chứng khác của việc tiếp xúc tia cực tím kéo dài.
  • Nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự hình thành khối u ác tính và ung thư da. Nguy cơ cao nhất ở nhóm người da trắng, do đó thấy được tác dụng bảo vệ của melanin. Người ta cũng thấy rằng sự phát triển ung thư da cao hơn khi tiếp xúc với tia cực tím từ thời thơ ấu hơn so với nguy cơ khi tiếp xúc ở nhóm tuổi lớn hơn.

Người ta đưa ra giả thuyết rằng việc tiếp xúc với tia UV ở nhóm tuổi sớm có thể làm hỏng DNA của tế bào hắc tố và những tế bào hắc tố này có khả năng biến đổi ác tính sau này trong cuộc sống.

III. VIỆN HÀN LÂM NHI KHOA HOA KỲ KHUYẾN NGHỊ ĐIỀU GÌ?

– Tiếp xúc quá nhiều với tia UV (cả nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo) ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da và một số trường hợp này có thể gây tử vong.

– Bệnh tật và tử vong do tiếp xúc với tia cực tím hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

– Nên tránh tiếp xúc quá mức với tia cực tím

– Lý tưởng nhất là nên bổ sung vitamin D cho tất cả các trẻ thông qua chế độ ăn uống và chế phẩm thuốc.

– Bác sĩ Nhi khoa và bác sĩ Da liễu có vai trò quan trọng trong việc gáo dục ba mẹ trẻ một số phương pháp bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời ngày từ sớm.

– Trẻ <6 tháng tuổi phải được bảo vệ khỏi tia cực tím càng nhiều càng tốt và tốt nhất là nên tránh xa ánh nắng mặt trời

– Trên thực tế, học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã tuyến bố rằng “Không nên cố ý cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để duy trì đủ lượng vitamin D” và “Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp”.

– Có những khuyến nghị rất nghiêm ngặt ở Úc. Theo chính sách “Không đội mũ, không chơi”, trẻ em không thể chơi ngoài trời nếu không đội mũ.

TÓM LẠI:

  1. Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em dưới 6 tháng tuổi có làn da rất non nớt nên chống chỉ định tắm nắng dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
  2. Để tránh tình trạng còi xương do thiếu vitamin D, tất cả trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được bổ sung vitamin D nhỏ giọt (400 đơn vị/ ngày). Đối với trẻ >1 tuổi thì nhu cầu vitamin D3 là 600 UI/ ngày; sau 1 tuổi trẻ đã bắt đầu ăn dặm và sử dụng các thực phẩm có bổ sung vitamin D.
  3. Thiếu vitamin D và bệnh còi xương luôn là vấn đề quan trọng đối với các bác sĩ nhi khoa. Nguyên nhân phổ biến nhất của còi xương ở trẻ em, đặc biệt là các nước đang phát triển là thiếu dinh dưỡng. Sự thiếu hụt dinh dưỡng này không nên được hiểu là tương đương là thiếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

KHÔNG CÓ LƯỢNG ÁNH SÁNG MẶT TRỜI NÀO CÓ THỂ THAY THẾ ĐƯỢC CHẾ ĐỘ ĂN THIẾU VITAMIN D

  1. Sữa mẹ không có đủ vitamin D cho trẻ (trong 1 lít sữa mẹ chỉ có 20 đơn vị vitamin D). Do đó nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì phải bổ sung vitamin D và việc bổ sung vitamin D là kéo dài suốt đời.
  2. Thực phẩm tự nhiên không cung cấp đủ vitamin D (các thực phẩm giàu vitamin D nhất: gan cá, dầu cá và mỡ cá, đặc biệt là cá biển cá hồi, cá thu..); lòng đỏ trứng, nấm cũng có vitamin D nhưng không đủ để cung cấp cho nhu cầu của trẻ.
  3. Nếu không cung cấp đủ vitamin D thì chỉ có 10-15% số lượng calci nạp vào bằng đường ăn uống là được hấp thu qua ruột và máu mà thôi, còn lại sẽ bị đào thải hết ra ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.nhs.uk/condi…/vitamins-and-minerals/vitamin-d/
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34698034/
  3. https://newsnetwork.mayoclinic.org/…/mayo-clinic-q-and…/
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4928729/
  5. https://www.healthychildren.org/…/Pages/Sun-Safety.aspx
  6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7001416/…

Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur