Sùi mào gà (Genital warts/Condyloma acuminatum) còn gọi là bệnh hạt cơm sinh dục, là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến, gây ra bởi virus Human Papillomavirus (HPV). Biểu hiện là những sẩn hoặc mảng có kích thước và hình dạng khác nhau trên da vùng sinh dục. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi thanh niên và người trưởng thành (tuổi hoạt động tình dục). Nhiều người thắc mắc rằng liệu Sùi mào gà có điều trị dứt điểm được không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết của Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ sau đây
1. BỆNH SÙI MÀO GÀ VÀ VIRUS HPV
– Sùi mào gà (Genital warts/Condyloma acuminatum) còn gọi là bệnh hạt cơm sinh dục, là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến, gây ra bởi virus Human Papillomavirus (HPV). Biểu hiện là những sẩn hoặc mảng có kích thước và hình dạng khác nhau trên da vùng sinh dục. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi thanh niên và người trưởng thành (tuổi hoạt động tình dục).
– HPV là một Papovavirus DNA, tức là những virus nhỏ, chứa DNA sợi đôi, không vỏ bọc. Chúng có trên 200 type HPV khác nhau, có thể được chia thành các loại da hoặc niêm mạc. Các type HPV khác nhau có xu hướng lây nhiễm các vị trí cơ thể khác nhau và do đó có liên quan đến các bệnh khác nhau.
+ Nhóm HPV gây bệnh trên da: Thường gây mục cóc. Ví dụ như mụn cóc lòng bàn tay, chân thường liên quan đến HPV type 1, 2, 4; mụn cóc phẳng thường do HPV type 3, 10…
+ Nhóm HPV gây bệnh niêm mạc sinh dục: Hơn 40 type HPV gây bệnh nhiễm đường sinh dục. Các biểu hiện bệnh sinh dục khác nhau tùy theo loại HPV:
. Sùi mào gà (SMG): Thường gặp nhất là type 6, 11, chiếm khoảng 90% các trường hợp SMG.
. Tổn thương tế bào biểu mô vảy (SIL) và/hoặc Ung thư biểu mô âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, hậu môn hoặc dương vật: Có khoảng 15 type gây bệnh, được gọi là những type HPV nguy cơ cao như type 16, 18, 21, 33, 35… Trong đó type 16 là phổ biến nhất.
+ Nhóm HPV gây bệnh niêm mạc cơ quan khác: Một số type như type 16 có thể gây bệnh ở niêm mạc miệng, có thể gây ung thư biểu mô tế bào vảy ở khoang miệng, các type 6, 11 cũng thường gây bệnh.
=> Như vậy, virus HPV có thể gây bệnh nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Bên cạnh việc phân loại theo vị trí gây bệnh, chúng cũng có thể chia 2 nhóm:
+ Nhóm nguy thấp: gây sùi lành tính
+ Nhóm nguy cơ cao: Đây là những type có khả năng gây loạn sản vùng hậu môn – sinh dục, ung thư cổ tử cung, âm đạo, khoang miệng, dương vật…
2. ĐƯỜNG LÂY BỆNH
– HPV lây truyền qua tiếp xúc với da hoặc niêm mạc của người bị nhiễm bệnh. Virus sẽ xâm nhập các tế bào của lớp đáy biểu bì thông qua các vết xước nhỏ. Do đó:
+ QHTD là nguyên nhân phổ biến nhất gây lan truyền HPV. Nhiễm HPV vùng hậu môn, sinh dục hầu như luôn mắc phải qua quan hệ tình dục. Do đó đối với bệnh SGM, đường lây truyền chủ đạo qua là qua QHTD.
+ Lây qua tiếp xúc trực tiếp: Mụn cóc ngoài da có thể đi từ vết thương hở (vết xây xước da) đi vào cơ thể. Mặc dù đây không phải là con đường chính lây truyền nhưng cũng có khả năng vì tải lượng virus cao.
+ Lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ, qua đường âm đạo khi sinh.
– Cần lưu ý rằng, những tổn thương mới là do sự nhiễm nguyên phát virus hoặc do lây từ tổn thương liền kề chứ không phải lây theo đường máu.
3. YẾU TỐ NGUY CƠ MẮC
– Quan hệ tình dục (QHTD) bao gồm chỉ tiếp xúc da kề da, là yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục. Do đó, những trường hợp sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh SMG:
+ Có nhiều bạn tình
+ QHTD không an toàn với nhiều bạn tình.
+ QHTD sớm
+ Tần số giao hợp cao
+ Bạn tình bị nhiễm SMG ở bộ phận sinh dục ngoài
+ Bạn tình có nhiều bạn tình khác.
+ Nhiễm STIs khác
– Lưu ý: Dùng bao cao su (BCS) không đủ để ngăn ngừa nhiễm HPV vì HPV có thể gây nhiễm trùng ở những chỗ BCS không che chắn được.
– Ức chế miễn dịch có liên quan đến sự phát triển SMG nhanh hơn và sự kháng trị. Ở những BN nhiễm HPV và đồng nhiễm HIV hoặc người bị tiểu đường… làm một thách thức trong điều trị SMG.
– Hút thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ mắc SMG. Nguy cơ mắc SMG có thể tăng lên khi số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số gói trong năm tăng lên.
– Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc cắt bao quy đầu ở nam giới làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh STIs nói chung, cũng như SMG nói riêng. Việc này làm giảm khả năng mắc phải và giảm khoảng 25% lây truyền HPV sang cho bạn tình nữ.
4. TRIỆU CHỨNG CỦA SÙI MÀO GÀ
– Thời gian ủ bệnh từ khi nhiễm HPV đến khi có biểu hiệu lâm sàng kéo dài khoảng từ 2 tuần đến 8 tháng.
– Phần lớn không có triệu chứng cơ năng (triệu chứng chỉ bệnh nhân cảm nhận được) gì đặc biệt. Một số người có thể cảm thấy ngứa, rát hay chảy máu ở âm đạo hoặc niệu đạo khi QHTD.
– Bệnh biểu hiện là những sẩn, mảng nhỏ, có thể hình dáng như sùi súp lơ hoặc phẳng… phân bố ở vùng hậu môn – sinh dục ở nam, và nữ. Những vị trí thường gặp:
+ Đối với nam: dây hãm, rãnh quy đầu, qui đầu, thân qui đầu, bìu, miệng sáo…
+ Đối với nữ: các môi, âm vật, khu vực quanh niêu đạo âm đạo, cổ tử cung…
+ Những vị trí khác ở cả hai giới có thể gặp: tầng sinh môn, hậu môn, ống hậu môn, trực tràng, niệu đạo, bàng quang, hầu họng.
– Sau khi xuất hiện ban đầu, SMG có thể tăng về số lượng và kích thước hoặc thoái triển một cách tự nhiên. Người ta ước tính khoảng 1/3 số mục cóc sinh dục thoái triển mà không cần điều trị trong vòng 4 tháng.
– Tuy nhiên, virus HPV có thể vẫn tồn tại trong cơ thể, mặc dù không còn biểu hiện ra bên ngoài (không còn hình ảnh sẩn, sùi…), do đó có thể dẫn đến tái phát SMG.
5. CHẨN ĐOÁN
– Dựa vào lâm sàng: Dựa vào triệu chứng thực thể điển hình: một hoặc nhiều sẩn hoặc mảng mềm, nhẵn hoặc có gai giới hạn ở vùng hậu môn – sinh dục.
– Mô bệnh học:
+ Sinh thiết: BS tiến hành lấy mẫu tế bào vùng nghi ngờ (cắt trọn sẩn, u nhú…), gửi khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành phân tích, định type. Đây vừa là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị SMG.
+ Phết tế bào cổ tử cung (Pap smear): Lấy tế bào vùng cổ tử cung đem soi dưới kính hiển vi.
– Ngoài ra có một số xét nghiệm khác để chẩn đoán:
+ Test whitening với acid acetic 3-5%
+ HPV – Genotype (PCR): Lấy mẫu bệnh phẩm từ âm đạo/cổ tử cung ở nữ, dịch niệu đạo hoặc mẫu bệnh phẩm ở nam đem phân tích, tách chiết DNA. Thông qua xét nghiệm này sẽ giúp biết được có nhiễm HPV hay không, và nếu có thì nhiễm type nào.
– Để chẩn đoán, có thể kết hợp các xét nghiệm trên. Virus HPV có đến hơn 200 type, một số type liên quan đến loạn sản hậu môn – sinh dục và ung thư biểu mô, do đó việc định type virus HPV giúp ta phân tầng nguy cơ.
6. SÙI MÀO GÀ CÓ ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM ĐƯỢC KHÔNG?
– Nguyên tắc điều trị:
+ Điều trị cho cả bạn tình
+ Theo dõi định kỳ
+ Không QHTD trong quá trình điều trị
+ Sàng lọc các bệnh STIs khác, ví dụ như lậu, giang mai, HIV…
– Sùi mào gà do virus HPV gây ra, như hầu hết các loại virus, phần lớn đợi hệ miễn dịch đào thải và không có thuốc đặc trị. Cho đến hiện tại chưa có thuốc kháng virus HPV nào đặc trị. Việc điều trị SMG tập trung điều trị loại bỏ tổn thương.
– Điều trị nội khoa:
+ Một số thuốc bôi tại chỗ: TCA (acid trichloracetic), Podofilox (thuốc chống phân bào), kem Imiquimod 5%…
+ Thuốc toàn thân: Cimetidin, Levamisole, Immiqimod (kích thích hệ miễn dịch)
– Điều trị bằng thủ thuật:
+ Đốt điện (Electrocautery): Sử dụng dao điện đốt, cắt sẩn sùi.
+ Chiếu Laser: Laser CO2, laser màu (PDL): Ánh sáng laser phá hủy các mạch máu nhỏ bên trong mụn cóc, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho chúng.
+ Phẫu thuật cắt bỏ
+ Áp lạnh bằng nito lỏng (cryotherapy)
– Hầu hết tổn thương đáp ứng trong 3 tháng điều trị. Tuy nhiên, có một số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh sùi mào gà không đáp ứng với điều trị và thường tái phát, đặc biệt là nhiễm trùng lặp đi lặp lại do quan hệ tình dục hoặc thời gian ủ bệnh lâu dài của HPV. Có thể đánh giá lại bệnh nhân mỗi 2 – 4 tuần về hiệu quả, tác dụng phụ, biến chứng của điều trị.
– Như vậy có thể thấy rằng, việc điều trị sùi mào gà hiện tại đang điều trị phần ngọn (biểu hiện/triệu chứng) chứ chưa điều trị được phần gốc (nguyên nhân gây bệnh) – đó là diệt trừ virus HPV. Sùi mào gà được điều trị tốt nhất bằng phẫu thuật để giảm thiểu các biến chứng lâu dài, loại bỏ bớt lượng lớn virus ở sang thương. Trả lời cho câu hỏi sùi mào gà có điều trị dứt điểm được không, thì câu trả lời là không. Tuy nhiên, mặc dù không có thuốc hay phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng việc đào thải virus còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch của cơ thể và type của virus. Chúng có thể bị cơ thể đào thải sau một khoảng thời gian. Khoảng 80% người nhiễm HPV sẽ khỏi bệnh một cách tự nhiên trong vòng 18 đến 24 tháng.
TÓM LẠI:
– Bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra.
– HPV có trên 200 type, khoảng 40 type bệnh ở nhiễm trùng ở đường sinh dục, một số khác gây bệnh ở da, ở niêm mạc trong khoang miệng.
– HPV chia làm 2 nhóm virus, đó là nhóm nguy cơ thấp gây sùi lành tính và nhóm nguy cơ cao liên quan đến ung thư biểu mô ở vùng hậu môn – sinh dục cũng như khoang miệng.
– Việc chẩn đoán sùi mào gà có thể dựa vào lâm sàng, hoặc mô bệnh học. Nhưng nên định type HPV để phân tầng nguy cơ.
– Đối với sùi mào gà, bệnh rất dễ tái phát, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chính hướng đến việc loại bỏ tổn thương. Tuy nhiên, tùy vào type virus mắc phải và hệ miễn dịch của mỗi cá nhân, theo thời gian cơ thể có thể tự đào thải virus.
Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur
– Tài liêu tham khảo –