Sởi và tác động nguy hiểm đến hệ miễn dịch

Sởi không chỉ gây biến chứng cấp tính mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc bệnh trong nhiều năm. Tiêm vắc-xin đầy đủ là một biện pháp bảo vệ tối ưu.

1. Bệnh sởi và nguy cơ bùng phát

Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi (Measles virus) gây ra. Hiện nay, dịch đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt ở khu vực phía Nam; không chỉ gây ra các biến chứng cấp tính như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm não và thậm chí tử vong, mà còn có ảnh hưởng lâu dài đến hệ miễn dịch của trẻ nhỏ.

sởi và tác động nguy hiểm đến hệ miễn dịch

2. Sởi làm suy yếu hệ miễn dịch như thế nào?

Một trong những hậu quả đáng lo ngại của bệnh sởi là hiện tượng “mất trí nhớ miễn dịch” (immune amnesia). Virus sởi có khả năng phá hủy tế bào miễn dịch đã ghi nhớ các tác nhân gây bệnh mà cơ thể từng gặp phải. Điều này khiến trẻ mất khả năng miễn dịch đối với các bệnh đã từng mắc hoặc đã được tiêm phòng trước đó.

“Trí nhớ” miễn dịch có được, được xây dựng trong nhiều năm, thông qua việc phơi nhiễm với nhiều loại vi trùng khác nhau. Virus sởi đặc biệt nguy hiểm bởi nó có khả năng phá huỷ hệ miễn dịch của trẻ, do đó làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh khác trong nhiều năm.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó bám vào thụ thể CD150 trên bề mặt tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào B và T có chức năng ghi nhớ miễn dịch. Sau khi tiêu diệt các tế bào này, cơ thể tạo ra các tế bào miễn dịch mới, nhưng chúng chỉ tập trung chống lại virus sởi mà không còn khả năng bảo vệ trước các bệnh khác.

3. Hậu quả lâu dài của mất trí nhớ miễn dịch

Nghiên cứu cho thấy, trẻ từng mắc sởi có nguy cơ nhiễm trùng thứ phát cao hơn trong nhiều năm sau khi khỏi bệnh. Một nghiên cứu tại Vương quốc Anh phát hiện rằng, trẻ mắc sởi có nguy cơ cần sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng không liên quan đến sởi cao hơn 15-24% trong vòng 5 năm sau khi khỏi bệnh.

Không chỉ vậy, tình trạng suy giảm miễn dịch sau sởi có thể kéo dài từ 2-3 năm, thậm chí lên đến 5 năm, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy… Trong thời gian này, hệ miễn dịch của trẻ cần tiếp xúc lại với nhiều tác nhân gây bệnh hoặc tiêm phòng lại để tái thiết lập khả năng miễn dịch.

Sởi và tác động nguy hiểm đến hệ miễn dịch Ảnh minh họa

4. Tiêm phòng sởi – biện pháp bảo vệ tối ưu

May mắn thay, vắc-xin không chỉ giúp phòng bệnh mà còn bảo vệ hệ miễn dịch khỏi hiện tượng mất trí nhớ miễn dịch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR) có hiệu quả 97% trong việc ngăn ngừa sau khi tiêm đủ 2 liều, đồng thời giúp giảm hơn 99% số ca mắc sởi tại Hoa Kỳ.

Lợi ích của vắc-xin sởi:

  • Ngăn ngừa lây nhiễm virus với hiệu quả cao.
  • Bảo vệ hệ miễn dịch khỏi suy yếu và mất trí nhớ miễn dịch.
  • Giúp kiểm soát dịch bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm.
  • Đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ.

Sởi không chỉ là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn gây ra tác động lâu dài đến hệ miễn dịch của trẻ. Việc tiêm vắc-xin phòng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ suy giảm miễn dịch và các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe toàn diện.

Ba mẹ cần tư vấn hoặc đặt lịch khám cho bé tại Nhi khoa Phòng khám đa khoa Pasteur có thể liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 để đội ngũ Pasteur hỗ trợ nhanh chóng!

Tham khảo:
  • ASM
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
  • WHO – Tổ chức Y tế Thế giới