QUY TRÌNH KHÁM THAI MẸ BẦU NÊN BIẾT

Khám thai là hoạt động hết sức cần thiết và quan trọng đối với các mẹ bầu trong quá trình mang thai. Qua theo dõi thai kỳ đầy đủ, sức khỏe bà mẹ và thai nhi được đảm bảo an toàn, giúp phát hiện sớm những nguy cơ dị tật thai nhi và phòng ngừa các tai biến sản khoa. Dưới đây là quy trình khám thai thường được sử dụng ở các cơ sở y tế mà mẹ bầu có thể tham khảo.

Hỏi

Mẹ bầu cần cung cấp những thông tin cần thiết sau đây cho nhân viên y tế để bổ sung vào hồ sơ:

Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, dân tộc

Những bệnh lý kèm theo, những thuốc đang sử dụng, tiền sử bệnh lý nội ngoại khoa, sản khoa, phụ khoa, các biện pháp tránh thai đã dùng, các dấu hiệu trong lần mang thai này như: mệt mỏi, đau bụng, dịch tiết âm đạo tăng…

Tiền sử gia đình có các bệnh lý nội khoa, bệnh nhiễm khuẩn hay các tình trạng bệnh lý khác như: sinh đôi, dị tật bẩm sinh, dị ứng…

Thời gian lập gia đình, tuổi, nghề nghiệp cũng như tình trạng sức khỏe của chồng

Ngày dự sinh tính đúng 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối

Khám toàn thân

Mẹ bầu sẽ được đo chiều cao trong lần khám thai đầu tiên. Cân nặng, huyết áp được đánh giá ở mỗi lần khám thai. Bác sĩ sẽ khám tim phổi, khám vú ở mỗi lần khám thai và một số bộ phận khác khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Khám sản khoa

Tùy vào giai đoạn của thai kỳ mà bác sĩ sẽ thực hiện các bước thăm khám và đánh giá khác nhau:

3 tháng đầu: xác định tuổi thai qua ngày kinh cuối và siêu âm thai. Siêu âm thai cũng giúp đánh giá số lượng thai, tim thai, các khối u ở vùng chậu và tử cung bất thường. Khi thai được 11 – 13 tuần thì siêu âm có thể đánh giá độ mờ da gáy, xét nghiệm Double test hay NIPT để tầm soát những bất thường.

3 tháng giữa: bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung, đánh giá cử động thai. Xét nghiệm Triple test có thể được thực hiện từ tuần 14 – 20. Nghiệm pháp dung nạp đường được thực hiện vào tuần 24 – 28. Trường hợp viêm nhiễm đường sinh dục hoặc ra máu âm đạo bất thường, bác sĩ có thể đặt mỏ vịt để quan sát âm đạo và cổ tử cung.

3 tháng cuối: đánh giá chiều cao tử cung và vòng bụng, tim thai, cử động thai. Độ xuống của đầu thai được đánh giá trong vòng 1 tháng trước sinh. Siêu âm thai giúp đánh giá xoang ối, tim thai, vị trí nhau bám, sinh trắc thai.

Khám Thai Định Kỳ Cho Mẹ Bầu
Quy trình các bước khám thai định kỳ cho mẹ bầu

Thực hiện các xét nghiệm cần thiết

Một số xét nghiệm thường quy: HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B, Rubella, tổng phân tích tế bào máu, nhóm máu, đường huyết đói.

Tổng phân tích nước tiểu được thực hiện ít nhất 1 lần trong mỗi tam cá nguyệt.

Tổng phân tích tế bào máu và chức máu được xét nghiệm trước sinh.

Soi nhuộm huyết trắng khi nghi ngờ viêm nhiễm 

Tiêm phòng uốn ván

Tiêm phòng uốn ván là bước không thể thiếu trong thai kỳ giúp tránh lây nhiễm trong quá trình sinh con và nhiễm trùng uốn ván khi cắt dây rốn. Cung cấp cho bác sĩ lịch tiêm chủng vacxin uốn ván để được tư vấn về số mũi và thời gian tiêm hợp lý.

Bổ sung sắt và acid folic

Sắt và acid folic cần được bổ sung trong suốt quá trình mang thai đến 6 tuần sau sinh. Hàm lượng và cách sử dụng sẽ được bác sĩ tư vấn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.

Giáo dục tư vấn sức khỏe

Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, làm việc và vệ sinh trong thai kỳ:

Thực đơn dinh dưỡng cần tăng về lượng thức ăn và số bữa ăn ít nhất ¼ so với trước đây, tăng cường thịt, cá, tôm, sữa, trứng, rau củ quả tươi…Hạn chế đồ ăn mặn, không hút thuốc lá, uống rượu, không sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Làm việc nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái, không mang vác nặng, không tiếp xúc với các yếu tố độc hại. Tránh đi xa và va chạm mạnh, quan hệ tình dục thận trọng.

Không gian sống sạch sẽ, quần áo rộng và thoáng. Tắm, vệ sinh vú và bộ phận sinh dục hằng ngày.

Ghi chép vào sổ khám thai

Ghi chép đầy đủ các thông tin vào sổ khám thai để được theo dõi sát trong những lần khám tiếp theo.

Kết luận và dặn dò

Mẹ bầu sẽ nhận kết quả khám thai và được bác sĩ tư vấn kỹ trước khi kết thúc khám. Trao đổi với bác sĩ những thắc mắc để hiểu rõ hơn về tình trạng của mẹ bầu và thai nhi cũng như cần lưu ý những điểm gì ở lần khám thai tiếp theo.

Tham khảo: Bộ y tế

>> Để được thăm khám trong quá trình mang thai tại khoa Sản phụ khoa phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868