Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2020, ung thư vú đứng thứ ba về tỷ lệ tử vong, chỉ sau ung thư gan và phổi. Phần lớn các trường hợp ung thư vú chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn, khiến khả năng điều trị và cơ hội sống giảm đi đáng kể.
Do đó, tầm soát ung thư vú là biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt. Tầm soát không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp cải thiện cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư vú.
1. Phương pháp tầm soát ung thư vú nào là chính xác
Đó chính là NHŨ ẢNH và duy nhất nhũ ảnh, KHÔNG PHẢI SIÊU ÂM. Siêu âm chỉ có vai trò hỗ trợ thêm cho nhũ ảnh khi mô vú dày đặc, khi nhũ ảnh trắng xóa khi chụp. SIÊU ÂM ĐƠN ĐỘC KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ bởi bỏ sót nhiều tổn thương sớm ở dạng vi vôi hóa. Nhưng thực tế cho đến nay siêu âm lại sử dụng rất phổ biến, đây là sai lầm lớn vẫn chưa thay đổi.
Ngoài ra, CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI), cũng như siêu âm, không sử dụng đơn độc, chỉ hỗ trợ cho nhũ ảnh khi mô vú dày đặc, nhất là khi tầm soát ung thư vú cho chị em có nguy cơ cao như có mang gen di truyền, tiền căn gia đình có người ung thư vú.
Một phương pháp chưa có giá trị nữa là xét nghiệm DNA của tế bào ung thư vú phóng thích vào máu (không phải xét nghiệm gen di truyền ung thư), gọi là DNA của tế bào ung thư trong tuần hoàn, viết tắt là ctDNA. Xét nhiệm này trong một số trường hợp có giá trị ở bệnh nhân đã mắc ung thư có biểu hiện ra ngoài, nhằm đánh giá mức độ bệnh và hiệu quả điều trị, tiên lượng di căn.
Còn trong tầm soát ung thư vú, các giá trị của ctDNA như độ nhạy tức khả năng phát hiện ung thư (hay bỏ sót ung thư) và độ đặc hiệu tức khả năng năng xác định bệnh (hoặc chẩn đoán nhầm) từ nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân khỏe mạnh (chưa có biểu hiện ung thư ra ngoài), chưa đủ số liệu. Ngoài ra, nếu phát hiện ctDNA dương tính mà không phát hiện bướu trên nhũ ảnh hay siêu âm thì xử trí ra sao, bởi không biết bướu đâu mà cắt bỏ, không lẽ mổ mù cắt bỏ cả hai vú. Nếu không mổ mà dùng thuốc thì cũng chưa có nghiên cứu về cách thức điều trị này. Một yêu cầu nữa là, tầm soát bằng cách này chưa chứng minh có giảm tử vong trong nhóm tầm soát, đây là tiêu chuẩn vàng. Tóm lại, cách tầm soát ung thư vú bằng xét nghiệm ctDNA là chưa đủ cơ sở khoa học về y học chứng cứ đủ mạnh, do đó hiện nay trên thế giới chưa được đề nghị, chưa đưa vào phác đồ chuẩn.
2. Ai có thể được đề nghị tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh?
Không phải tất cả chị em phụ nữ phải đi chụp nhũ ảnh. Chỉ những người có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao.
Nguy cơ trung bình là những người từ 40 tuổi trở lên và nguy cơ cao là bất kể tuổi mà có,mang gen di truyền hoặc gia đình có người liên hệ bậc 1 bị ung thư vú (mẹ, chị em, con gái).
3. Những người không có nguy cơ – tức dưới 40 tuổi và không có yếu tố nguy cơ cao thì làm sao?
Chưa có phương tiện hình ảnh cũng như các biện pháp khác để chứng minh có giá trị cải thiện sống còn hay giảm tử vong. Biện pháp thay thế khả dĩ thực hiện được là tự khám vú bởi bản thân chị em (BSE) và khám lâm sàng tuyến vú (CBE) bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Siêu âm đơn độc chưa đủ bằng chứng cho tình huống này nên vẫn không được đề nghị.
Suy luận từ chụp nhũ ảnh không rõ thì siêu âm là không nên, bởi không thể loại suy mà phải chứng minh trực tiếp rằng siêu âm có đủ độ nhạy và độ đặc hiệu, tức khả năng bỏ sót tổn thương và chẩn đoán nhầm thấp cùng với cải thiện sống còn hay giảm tử vong mới đạt yêu cầu, dữ liệu này cho đến nay vẫn chưa có để siêu âm được đề nghị là phương tiện tầm soát.
Ngoài ra, chúng ta hay nghe nói siêu âm 3D tự động tầm soát ung thư vú. Điều này vẫn không đủ bằng chứng. Siêu âm 3D hay tự động cũng chỉ hỗ trợ cho nhũ ảnh khi mô vú dày đặc mà thôi.
SAI LẦM NẶNG NỀ VÀ MUÔN THUỞ LÀ XÉT NGHIỆM MÁU CA 15-3:
Ung thư sớm hầu hết không tăng gì cả. Nếu dùng sẽ bỏ sót ung thư rất nhiều, nếu tăng thì nhiều nguyên nhân gây ra.
Hãy cảnh giác với cái gọi là “TẦM SOÁT UNG THƯ BẰNG 1 GIỌT MÁU TẠI NHÀ”
Một CẢNH GIÁC nữa là rất nhiều xét nghiệm kèm theo ĐỘI CHI PHÍ LÊN CAO NGẤT NGƯỠNG, làm cho chị em đi tầm soát “MỘT LẦN TỞN TỚI GIÀ”.
4. Bao lâu Chụp Nhũ ảnh một lần?
Theo Hội Ung thư Mỹ, mỗi năm chụp nhũ ảnh 1 lần cho tuổi từ 40 đến 54; và mỗi 2 năm chụp 1 lần từ 55 tuổi trở lên cho đến tuổi mà dự tính tuổi thọ còn trên 10 năm nữa.
Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, được đề nghị chụp nhũ ảnh cùng MRI từ 30 tuổi.
Với khoảng cách chụp này đã được chứng minh là an toàn phóng xạ.
Tóm lại, nhũ ảnh là phương tiện tầm soát ung thư vú chính duy nhất, siêu âm và cộng hưởng từ chỉ hỗ trợ cho nhũ ảnh và không được đề nghị đơn độc để tầm soát ung thư vú.
Nhắc lại, thực tế ở Việt Nam cho đến nay, hầu hết ngược lại cách làm trên, siêu âm đơn độc rất nhiều, đây chính là nguyên nhân góp phần cho ung thư phát hiện trễ hơn, dẫn đến tỉ lệ tử vong không cải thiện.
Các chị em cần tư vấn các dịch vụ về tầm soát ung thư vú, có thể liên hệ đến Tổng đài 0236 9999 868 để được hỗ trợ cụ thể.
Xem thêm bài viết:
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung