CÁCH PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO TỐI ƯU Ở TRẺ EM

Kể từ lúc trẻ chào đời cho đến khi trẻ lớn dần lên, tốc độ phát triển chiều cao của trẻ sẽ chậm hẳn so với những năm đầu đời. Thế nên việc phải cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, nhất là trong giai đoạn mầm non là điều kiện hết sức cần thiết để giúp trẻ tăng trưởng đều về thể chất và các chức năng quan trọng khác như tâm lý, vận động. Hơn nữa, còn góp phần tạo nên sự dự trữ tốt cho sự tăng vọt của trẻ ở tuổi dậy thì.

Cùng tìm hiểu bài viết chi tiết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ sau đây.

  1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XƯƠNG CỦA TRẺ

Xương phát triển từ lớp trung bì và phát triển qua 3 giai đoạn: màng, sụn và xương trong giai đoạn còn là phôi thai. Những xương này giúp cho cơ bắp co giãn, do đó mới có cử động, đồng thời bảo vệ cơ quan sinh tồn nhờ phần đầu, ngực và bụng. Vào tháng thứ nhất của thai kỳ, bộ xương màng ở trẻ được hình thành. Vào đầu tháng thứ hai của thai kỳ, màng biến thành sụn và dần được thay thế bằng xương ở cuối tháng này.

– Đặc điểm xương của trẻ em khác biệt với người lớn: Ở trẻ em “sụn tăng trưởng” nằm gần đầu xương dài, và sụn tăng trưởng này chỉ có ở trẻ em mà không có ở người lớn.

– Sụn tăng trưởng này ban đầu sẽ phân chia và tăng số lượng. Những tế bào sụn mới được tạo ra sẽ đẩy những tế bào sụn cũ vào trục xương. Những tế bào sụn này sẽ ngấm các chất như phospho, canxi, collagen..để tạo thành xương.

Trẻ lớn lên theo chiều cao khi các xương phát triển dài ra và to ra. Ở các xương dài, sức tăng trưởng này không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của các xương mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng, đặc biệt là ở các vị trí đầu xương ở gần gối, gần khớp vai, gần cổ tay. Sự tăng trưởng xảy ra từ từ trong suốt thời thơ ấu, đến tuổi dậy thì quá trình phát triển mạnh mẽ hơn. 

– Quá trình sụn hóa thành xương để xương dài ra được gọi là quá trình cốt hóa (hoặc quá trình tạo cốt bào)

– Ở trẻ em giai đoạn phát triển, quá trình cốt hóa này diễn ra mạnh mẽ hơn rất nhiều so với quá trình hủy cốt bào. Đến tuổi thanh niên, xương phát triển chậm lại rồi không phát triển dài ra nữa. Khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương không còn khả năng hóa xương do đã biến đổi thành xương, vì thế trẻ không cao thêm.

– Ở độ tuổi 30-35 là giai đoạn mật độ xương đỉnh, sau đó thì quá trình thoái hóa xương, hủy cốt bào xảy ra nhanh hơn và nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ bị loãng xương dần dần.

Cách Phát Triển Chiều Cao Tối Ưu Ở Trẻ Em

2. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ BỊ CHẬM PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO?

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của một trẻ thường dựa vào cân nặng và chiều cao. Tuy nhiên còn một số cách đánh giá dựa vào chu vi vòng đầu, chu vi vòng cánh tay, bề dày lớp mỡ dưới da..

Giữa chiều cao và cân nặng của một đứa trẻ thì chỉ số nào quan trọng hơn?

Câu trả lời là không thể đánh giá được chỉ số nào quan trọng hơn. Vì cân nặng và chiều cao khác nhau về ý nghĩa. 

Cân nặng: đánh giá tình trạng sức khỏe thời điểm hiện tại của trẻ. Còn chiều cao đánh giá sự tăng trưởng theo thời gian. Do vậy cả cân nặng và chiều cao đều quan trọng. Nếu không quan tâm đến cân nặng và bồi bổ hợp lý, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính, lâu ngày gây suy dinh dưỡng mạn, ảnh hưởng đến chiều cao.

Khi đánh giá dinh dưỡng có nhiều thể: thể nhẹ cân, thể suy dinh dưỡng cấp tính (đánh giá dựa vào cân nặng theo chiều cao), thể thấp còi, thể gầy còi, suy dinh dưỡng mạn tính (đánh giá dựa vào chiều cao theo tuổi). Và để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ nhằm kịp thời điều chỉnh hợp lý, các bố mẹ cần dựa vào biểu đồ tăng trưởng trẻ em theo Bộ Y tế (hình bên dưới). 

Biểu đồ này còn có sẵn trong SỔ SỨC KHỎE của bé, bố mẹ nhớ theo dõi và ghi chú lại cho con nhé!

Màu xanh: bé trai

Cách Phát Triển Chiều Cao Tối Ưu Ở Trẻ Em Ảnh Minh Họa

Màu hồng: bé gái

Cách Phát Triển Chiều Cao Tối Ưu Ở Trẻ Em Ảnh Minh Họa

Có 2 loại biểu đồ:

  1. 1. Biểu đồ theo dõi Cân nặng theo tuổi 
  2. 2. Biểu đồ theo dõi Chiều cao theo tuổi

Một đứa trẻ được coi là phát triển bình thường không những phải tăng cân mà còn phải tăng cả chiều cao đều đặn. Nếu chúng ta theo dõi cân nặng và chiều cao hàng tháng cùng với việc sử dụng “Biểu đồ tăng trưởng trẻ em”, chúng ta sẽ biết được đứa trẻ đó có phát triển bình thường hay không. Từ đó kịp thời có những can thiệp phù hợp cho trẻ.

*Nếu sau quá trình đánh giá, con bạn có tình trạng chậm phát triển chiều cao, các bác sĩ sẽ thăm khám cùng với kết hợp một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị đúng cho con. Để biết các nguyên nhân gây thiếu chiều cao ở trẻ là gì và giải pháp để cải thiện chiều cao tối ưu, theo dõi Fanpage để cập nhật kiến thức ở các series sau!

3. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY THIẾU CHIỀU CAO Ở TRẺ?

Nếu dựa vào biểu đồ tăng trưởng, đánh giá con bạn có tình trạng chậm phát triển chiều cao. Hãy đưa con đi khám bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị đúng.

3.1. Các nguyên nhân bình thường:

– Vóc dáng nhỏ

– Gia đình

– Tăng trưởng chậm do thể trạng

– Dậy thì muộn

3.2. Các nguyên nhân bệnh lý di truyền:

Loạn sản xương, loạn sản sụn..(2%)

– Bất thường trong quá trình khoáng hóa xương

– Các hội chứng: Turner, Down..

– Bất thường phát triển và chức năng tuyến yên

3.3. Nguyên nhân bệnh lý mắc phải:

– Suy dinh dưỡng

– Bệnh mạn tính

– Rối loạn hormone tăng trưởng (1/4000 đến 1/10000 bé)

– Do điều trị (thuốc): corticoid, kháng sinh..

– U não, u tuyến yên..

3.4. Xét nghiệm và X-quang để tìm thêm nguyên nhân:

– Xét nghiệm gen

– Định lượng hormon tăng trưởng Growth Hormone,..T4

– Đánh giá chức năng gan thận, tình trạng thiếu máu dinh dưỡng, thiếu vi chất

– Xquang bàn tay trái thẳng và cổ tay (từ 7 tuổi trở lên) khi chiều cao theo tuổi <-2SD: mục đích để đọc tuổi xương của trẻ. Tuổi xương non cho thấy trẻ còn nhiều sụn tăng trưởng 🡪 còn phát triển chiều cao. Ngược lại tuổi xương già gợi ý một tình trạng dậy thì sớm.

– Nghiệm pháp kích thích khi nghi thiếu hormone tăng trưởng: cho trẻ chạy nhảy, nhịp tim tăng trên 160 l/p🡪 đo hormon tăng trưởng (vì khi chạy nhảy thì hormon tăng trưởng sẽ tăng lên

– Chẩn đoán hình ảnh: MRI sọ não: xem bất thường tuyến yên hay không

*Khi nào cần chuyển khám chuyên khoa nội tiết ở trẻ thiếu chiều cao?

– Nghi ngờ bệnh nội tiết: dậy thì sớm ( khi trẻ dậy thì trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai), lùn tuyến yên (lùn cân đối , bộ phận sinh dục kém phát triển, trí tuệ bình thường), suy chức năng tuyến giáp (không phát triển cả chiều cao, trí tuệ, mệt mỏi, uể oải,..)

– Điều trị 3 tháng không cải thiện chiều cao hoặc sau 3 tuổi tăng chiều cao <4cm/ năm

4. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHIỀU CAO

Sự tăng trưởng chiều cao chịu ảnh hưởng bởi những tương tác phức tạp từ nhiều yếu tố khác nhau gồm: 

– Môi trường

– Rèn luyện

– Dinh dưỡng

– Gen

4.1. Gen:

– DNA xác định chiều cao của một người

– 20-80% chiều cao của một người là do di truyền (di truyền đa gen) tùy từng cá thể.

* Các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, rèn luyện cũng có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng trong quá trình phát triển.

4.2. Hormon tăng trưởng

– GH (Growth hormone) được tiết ra từ tuyến yên là hormon quan trọng nhất để tăng trưởng.

– Liệu pháp điều trị bằng hormon tăng trưởng có thể sử dụng để tăng chiều cao của trẻ. Tuy nhiên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ- FDA chỉ chấp thuận điều này cho những người có tình trạng bệnh cụ thể.

*Các yếu tố kích thích và ức chế hormon tăng trưởng GH:

– Kích thích:

+ Hạ đường huyết 

+ Hạ acid béo tự do trong máu

+ Tăng amino acid máu (arginin)

+ Bị bỏ đói hoặc ăn chay

+ Suy dinh dưỡng protein

+ Chấn thương, stress, hưng phấn

+ Tập thể dục

+ Testosteron, estrogen

+ Giấc ngủ sâu 

+ Hormon kích thích

– Ức chế:

+ Tăng đường huyết

+ Tăng acid béo tự do

+ Lão hóa

+ Béo phì

+ Hormon ức chế tiết GH

+ GH ngoại sinh

+ Somatomedin (yếu tố tăng trưởng giống insulin)

*Dư thừa GH🡪 bệnh to đầu chi (rối loạn xương mặt, da dày..), chứng khổng lồ

*Lưu ý: Không nên tiêm hormon tăng trưởng cho trẻ độ tuổi từ 17-18, vì lúc này sụn tăng trưởng hóa thành xương hết, nếu tiêm hormon tăng trưởng không có tác dụng mà ngược lại sẽ dẫn đến dư thừa, tăng các xương dẹt (xương gò má, xương hàm), không phải xương dài dẫn đến biến dạng khuôn mặt.

5. HAI GIAI ĐOẠN VÀNG GIÚP TĂNG TRƯỞNG CHIỀU CAO Ở TRẺ

Để tìm hiểu cách chăm sóc giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về 2 giai đoạn vàng trẻ tăng trưởng chiều cao mạnh mẽ nhất! Hãy cố gắng tập trung cho con ở 2 giai đoạn vàng này thì sẽ tối ưu được chiều cao cho con, theo dõi chiều cao mỗi 6 tháng cũng như tốc độ tăng trưởng của trẻ. Nếu có bất thường cần cho trẻ thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn hoặc kịp thời can thiệp yếu tố bất thường nếu có.

*Giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất của trẻ: 

  1. Giai đoạn 1000 ngày đầu đời: từ giai đoạn thai kỳ 270 ngày cho tới khi trẻ 2 tuổi.

– Giai đoạn bào thai: Trong suốt 9 tháng mang thai, người mẹ cố gắng đảm bảo dinh dưỡng tốt nhằm tăng trọng từ 10-12 kg để bé đạt chiều cao 50cm lúc sinh (tương ứng cân nặng lúc sinh khoảng 3kg)

*Từ giai đoạn sơ sinh: 48-50cm

*Đến 1 tuổi: tăng 20-25 cm

*Đến 2 tuổi: cao 85cm (1/2 chiều cao lúc trưởng thành)

*1000 ngày đầu đời của trẻ:

– Giai đoạn tối quan trọng quyết định sự phát triển thể chất, tinh thần

– Thể chất: 60% khả năng tăng trưởng chiều cao

– Tinh thần: phát triển trí não nhanh nhất và quan trọng nhất

  1. Tiền dậy thì và dậy thì: giai đoạn tiền dậy thì phát triển chiều cao mạnh mẽ hơn rất nhiều so với giai đoạn dậy thì (trẻ nữ từ 10-16 tuổi; trẻ nam từ 12-18 tuổi)

*Giai đoạn dậy thì: Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, có một đến hai năm chiều cao tăng vọt 8-12cm mỗi năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên không thể dự đoán chính xác đó là năm nào nên cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong suốt giai đoạn này (khoảng từ 6-10 tuổi)

*Sau tuổi dậy thì: chiều cao trẻ tăng rất chậm. Giai đoạn từ 25-30 tuổi: chiều cao ngừng phát triển. Về sau, nếu quá trình loãng xương xảy ra nhanh, cơ thể chỉ có thể thấp lại chứ không cao thêm lên được nữa.

Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur

Nguồn tham khảo:

  1. Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng- Nutrition Research and Consulting Institute
  2. National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19818695/. Genetics of human height
  4.  https://hms.harvard.edu/news/scientists-uncover-nearly-all-genetic-variants-linked-height