Gãy xương sườn là triệu chứng ở khung xương sườn bao gồm 12 xương sườn nằm ở hai bên của lưng trên và ngực. Mỗi xương sườn riêng lẻ bắt nguồn từ cột sống, kết nối với một đốt sống ở trung tâm của lưng trên và sau đó uốn quanh phần bên của cơ thể đến ngực. 7 xương sườn trên kết nối với xương ức ở phía trước ngực, 3 xương sườn tiếp theo (8,9,10) liên kết với các xương sườn trên thông qua mô sụn được gọi là xương sườn giả. Xương sườn 11 và 12 không liên kết ở phía trước cơ thể và do đó thường được gọi là “xương sườn cụt”.
Số lượng xương sườn ở nam và nữ là như nhau. Đa phần mọi người đều có 12 đôi xương sườn, tuy nhiên có những người có ít hơn hoặc nhiều hơn số lượng xương sườn cơ bản.
Chức năng chính của xương sườn là:
- Để bảo vệ các cơ quan trong lồng ngực như tim, phổi và các mạch máu
- Hỗ trợ mở rộng lồng ngực trong quá trình hô hấp
- Ngăn lồng ngực bị sụp xuống.
Triệu chứng của gãy xương sườn
Xương sườn có thể bị rạn nứt hoặc gãy rời sau các chấn thương. Khi bị gãy xương sườn sẽ gây triệu chứng đau nhưng không nguy hiểm. Trường hợp gãy xương sườn, người bệnh có điểm đau chói tại vị trí gãy khi được thăm khám. Khi sờ dọc theo bờ sườn có thể thấy sự mất liên tục của xương sườn hay điểm gãy xương sườn bị gồ lên.
Những trường hợp gãy xương sườn nhiều có thể gây thương tổn đến các tạng trong lồng ngực. Đặc biệt khi gãy xương sườn nhiều gây mảng sườn di động, trong đó có ít nhất 3 xương sườn liền nhau bị gãy ở cả hai đầu xương, các điểm gãy xương sườn ở mỗi đầu nằm gần như trên một đường thẳng. Mảng sườn di động thường dẫn đến tình trạng suy hô hấp hay suy tuần hoàn nặng.
Gãy xương sườn có thể chọc vào màng phổi và nhu mô phổi gây tình trạng tràn khí dưới da, tràn máu khoang màng phổi, tràn khí khoang màng phổi, tràn khi trung thất…
Xử lý gãy xương sườn như thế nào?
Trường hợp gãy xương sườn đơn thuần, bác sĩ sẽ dán băng dính để cố định. Bạn cần hạn chế vận động và chườm lạnh tại vị trí tổn thương để giúp giảm đau. Bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc giảm đau khi cần thiết. Gãy xương sườn đơn thuần thường hồi phục sau 6 tuần.
Trường hợp mảng sường di động, cần cố định ngay lập tức. Bác sĩ có thể thực hiện một số biện pháp như kết xương sườn bằng kim loại, kéo liên tục mảng sườn…
Tràn khi dưới da thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng trường hợp tràn khí, tràn máu màng phổi làm suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng cần được chọc hút và dẫn lưu kịp thời.
Khi có các đa chấn thương nói chung và chấn thương ngực nói riêng, cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và đánh giá. Đặc biệt khi bạn có các triệu chứng đau vùng ngực, khó thở, tức ngực nhiều. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm Xquang, chụp CT Scan để hỗ trợ chẩn đoán.
Cách tập luyện khi bị gãy xương sườn
Các bài tập cho người bị gãy xương sườn sẽ giúp người bệnh rút ngắn thời gian phục hồi. Một số bài tập đơn giản đó là:
- Bóp vai: Bắt đầu bằng cách đứng ở tư thế tối ưu với lưng và cổ thẳng. Từ từ ép chặt hai bả vai của bạn vào nhau hết mức có thể mà không gây khó chịu, đảm bảo bạn không bị kéo căng quá mức. Giữ trong hai giây và lặp lại 10 lần với điều kiện bài tập không gây ra hoặc làm tăng các triệu chứng.
- Hơi thở sâu: Ngồi hoặc đứng ở tư thế tối ưu với lưng và cổ thẳng. Hít thở sâu nhất có thể mà không gây ra các triệu chứng và sau đó thả ra. Tập trung vào cách thở bằng cơ hoành – sử dụng phần dưới phổi của bạn (không nâng cao vai) cho phép dạ dày nhẹ nhàng mở rộng và rút ra. Thực hiện 5 nhịp thở.
- Xoay trong tư thế ngồi: Bắt đầu bài tập này bằng cách ngồi ở tư thế tối ưu, lưng và cổ thẳng, tay ngang ngực. Nhẹ nhàng xoay người sang một bên hết mức có thể mà không gây khó chịu, đảm bảo bạn không bị căng quá mức. Cố gắng giữ yên chân trong suốt bài tập. Giữ trong hai giây và lặp lại 10 lần cho mỗi bên với điều kiện không làm tăng các triệu chứng.
Trong trường hợp gãy xương sườn, thời gian hồi phục chủ yếu phụ thuộc vào việc có biến chứng hay không. Nếu không có biến chứng, gãy xương sườn thường sẽ lành lại sau 4 đến 6 tuần. Nếu các triệu chứng kéo dài sau giai đoạn này, nguyên nhân có thể là do xương bị chậm lành hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là bệnh xương giả gây đau (không có mô xương mới hình thành nào làm cầu nối vị trí gãy xương sườn).
Nếu cơn đau của bạn không hết trong vòng vài tuần, ho ra đờm màu xanh lá cây hoặc vàng, bị sốt, có áp lực hoặc bị ép trong ngực kéo dài hơn vài phút hay đau ngực kéo dài đến một hoặc cả hai vai, cánh tay thì cần gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
Gãy xương nói chung và gãy xương sườn nói riêng đòi hỏi quá trình điều trị tích cực, hợp lý, đúng lộ trình. Nếu không hiểu biết hay chủ quan trong vấn đề điều trị, phục hồi có thể dẫn đến các biến chứng, di chứng không mong muốn, làm suy giảm khả năng vận động, lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị.
Tham khảo: Wikipedia
Khi có các dấu hiệu bất thường về cơ xương khớp, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.