THAI NGOÀI TỬ CUNG: TẠI SAO CẦN PHẢI NHẬN BIẾT SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ

Thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm khi phôi thai phát triển ngoài tử cung.. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể dẫn đến xuất huyết nặng và nguy hiểm tính mạng. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, và phương pháp điều trị theo tiêu chuẩn y khoa quốc tế. Phòng khám đa khoa Pasteur cung cấp dịch vụ thăm khám và chẩn đoán thai kỳ chính xác, giúp phát hiện sớm các bất thường và bảo vệ sức khỏe mẹ bầu.

1.Thai ngoài tử cung là gì ?

Thai ngoài tử cung là tình trạng khi phôi thai làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, thường gặp nhất ở ống dẫn trứng. Đây là một tình trạng y tế nguy hiểm, vì thai không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung, nếu không điều trị sớm, thai ngoài tử cung có thể dẫn đến biến chứng như vỡ ống dẫn trứng, gây mất máu nặng đe doạ tính mạng người mẹ và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

Mặc dù không phải là một tình trạng phổ biến, nhưng thai ngoài tử cung vẫn xảy ra ở khoảng 1-2% tổng số thai kỳ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử thai ngoài tử cung, phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng chậu, viêm nhiễm vùng chậu, bệnh lý lạc nội mạc tử cung hoặc các yếu tố khác như hút thuốc lá, phụ nữ trên 35 tuổi, tiền sử vô sinh, sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF. 

Nhận Biết Sớm Và Điều Trị Thai Ngoài Tử Cung

2. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung

Trong giai đoạn đầu, thai ngoài tử cung có thể rất giống với một thai kỳ bình thường với các dấu hiệu như trễ kinh, căng ngực hoặc đau bụng nhẹ. Tuy nhiên, một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau lưng dưới
  • Đau nhẹ ở vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Chuột rút nhẹ ở một bên vùng chậu

Ở thời điểm này, rất khó để phân biệt liệu đây là thai kỳ bình thường hay thai ngoài tử cung. Nếu bạn gặp tình trạng chảy máu bất thường và đau ở vùng chậu, cần được thăm khám ngay để đảm bảo an toàn.

Khi thai ngoài tử cung phát triển, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu ống dẫn trứng bị vỡ. Những triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Đau vai không rõ nguyên nhân
  • Cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, hoặc thậm chí ngất xỉu

Ống dẫn trứng bị vỡ có thể gây ra tình trạng chảy máu đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn gặp phải cơn đau đột ngột, dữ dội; cơn đau vai không rõ lý do; hoặc cảm giác mệt mỏi quá mức, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

3. Làm thế nào để chẩn đoán thai ngoài tử cung

Nếu bạn không có các dấu hiệu của vỡ ống dẫn trứng nhưng thăm khám lâm sàng nghi ngờ rằng bạn có thể đang mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và xét nghiệm máu:

  • Siêu âm là một trong những phương pháp quan trọng để xác định vị trí của thai. Siêu âm sẽ giúp nhận biết thai nhi đang phát triển ở đâu, liệu có trong tử cung hay ngoài tử cung.
  • Xét nghiệm máu để đo lượng hormone thai kỳ, gọi là gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Mức hCG thường thay đổi trong một thai kỳ bình thường, và những thay đổi không bình thường có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.

Thai Ngoài Tử Cung: Tại Sao Cần Phải Nhận Biết Sớm Và Điều Trị Ảnh Minh Họa

4. Điều trị thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể di chuyển vào trong tử cung, do đó luôn cần phải điều trị. Có hai phương pháp được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung: điều trị nội khoaphẫu thuật. 

Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate. 

  • Methotrexate là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung. Thuốc có thể được sử dụng nếu thai kỳ chưa gây vỡ ống dẫn trứng. Methotrexate hoạt động bằng cách ngăn chặn các tế bào phát triển, chấm dứt thai kỳ. Sau đó, mô thai sẽ tiêu biến trong vòng 4-6 tuần mà không cần phải phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng.
  • Thông thường, Methotrexate được tiêm một liều duy nhất. Trước khi sử dụng Methotrexate, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đo nồng độ hCG và kiểm tra chức năng của một số cơ quan. Nếu nồng độ hCG không giảm đủ sau liều đầu tiên, bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng thêm một liều Methotrexate. Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ cho đến khi không còn hCG trong máu.
  • Dùng methotrexate có thể có một số tác dụng phụ. Hầu hết phụ nữ đều bị đau bụng, chảy máu âm đạo. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt
  • Điều quan trọng là phải theo dõi kỹ lưỡng cho đến khi quá trình điều trị bằng Methotrexate hoàn toàn kết thúc. Nguy cơ vỡ ống dẫn trứng vẫn còn tồn tại cho đến khi điều trị hoàn tất.

Nếu thai ngoài tử cung đã làm vỡ ống dẫn trứng, cần phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người mẹ. Phẫu thuật này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu).

Đôi khi, ngay cả khi ống dẫn trứng chưa bị vỡ, phẫu thuật vẫn là phương án cần thiết để xử lý thai ngoài tử cung. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể lựa chọn cắt bỏ thai ngoài tử cung khỏi ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ toàn bộ ống dẫn trứng bị ảnh hưởng.Các tác dụng phụ sau phẫu thuật có thể bao gồm đau đớn, mệt mỏi, chảy máu, và nguy cơ nhiễm trùng.

Sau khi điều trị, có thể mất một thời gian để mức hCG trong cơ thể giảm xuống hoàn toàn. Vì vậy, bạn có thể vẫn cảm thấy như đang mang thai trong một khoảng thời gian sau đó. Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể cũng cần một vài chu kỳ để quay lại bình thường.

Nguy cơ mang thai ngoài tử cung lần nữa sẽ cao hơn nếu bạn đã từng có tiền sử thai ngoài tử cung. Trong những lần mang thai sau, bạn cần cảnh giác và chú ý các dấu hiệu, triệu chứng để đảm bảo rằng thai kỳ đang phát triển đúng vị trí cho đến khi được bác sĩ sản phụ khoa hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác nhận. Trường hợp cần hỗ trợ tư vấn sức khỏe sản phụ khoa, các chị em có thể liên hệ Đơn vị Sản phụ khoa Phòng khám đa khoa Pasteur để được tư vấn chi tiết.

Bs Dương Thị Ý Như – Phòng khám đa khoa Pasteur

Nguồn tham khảo:

American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG): Ectopic pregnancy