Hội chứng Sheehan sau sinh: Căn bệnh thầm lặng cần được nhận diện sớm

Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, nhưng cũng đi kèm với nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Trong đó, hội chứng Sheehan, hay còn gọi là suy tuyến yên sau sinh, là một biến chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.

1. Hội chứng Sheehan là gì?

Hội chứng Sheehan là tình trạng suy giảm chức năng của tuyến yên, một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở não bộ, do bị hoại tử sau quá trình sinh nở được mô tả lần đầu năm 1937 bởi bác sỹ người Pháp H.L Sheehan. Bệnh là hậu quả của giảm thể tích tuần hoàn do mất máu nhiều trong và sau sinh.

Hội Chứng Sheehan Sau Sinh: Căn Bệnh Thầm Lặng Cần Được Nhận Diện Sớm Ảnh Minh Họa
Hoạt động của tuyến Yên

2. Nguyên nhân và đối tượng nguy cơ:

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng Sheehan là mất máu nghiêm trọng trong quá trình sinh nở. Khi mất máu quá nhiều, lượng máu cung cấp cho tuyến yên giảm mạnh, dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương tế bào tuyến yên.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sheehan bao gồm:

  • Mất máu sau sinh: Do đờ tử cung, vỡ tử cung, rau cài răng lược, rau bong non…
  • Tiền sử bệnh lý: Rối loạn đông máu, bệnh tim mạch, tiểu đường…

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sheehan, bao gồm:

  • Tiền sử bệnh lý: Phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh tự miễn hoặc rối loạn đông máu có nguy cơ cao hơn.
  • Biến chứng thai kỳ: Các biến chứng như tiền sản giật, sản giật, nhau bong non cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng của hội chứng Sheehan:

 

Hội Chứng Sheehan Sau Sinh: Căn Bệnh Thầm Lặng Cần Được Nhận Diện Sớm Ảnh Minh Họa
Triệu chứng Hội chứng Sheehan

Hội chứng Sheehan thường có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và không đặc hiệu, dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mức độ tổn thương tuyến yên sẽ quyết định sự xuất hiện nhanh hay chậm, cũng như mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng. Thông thường, khi tuyến yên bị phá hủy trên 80% mới xuất hiện các biểu hiện lâm sàng rõ rệt.

Các triệu chứng có thể xuất hiện từ vài ngày đến nhiều năm sau biến cố mất máu nặng trong quá trình sinh nở. Chúng thường là tổng hợp của các triệu chứng suy giảm chức năng của nhiều tuyến nội tiết khác nhau, bao gồm tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Chung: Mệt mỏi, yếu cơ, chán ăn, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp (HA) tư thế, mất sắc tố da ở vùng quầng vú, bộ phận sinh dục…
  • Suy giáp: Chậm chạp, nói khàn, rụng tóc, rụng lông mu, lông nách, da khô lạnh, mỏng mịn, nhợt nhạt, chuột rút, co cứng cơ, giảm cơ lực, gầy mòn, nhịp tim chậm, táo bón, thiếu máu…
  • Suy sinh dục: Mất sữa sau sinh (dấu hiệu sớm gợi ý), teo vú, không có kinh nguyệt trở lại, giảm ham muốn tình dục, vô sinh, teo bộ phận sinh dục ngoài…
  • Thiếu hormone tăng trưởng: Hạ đường huyết, teo cơ, rối loạn tâm thần, chậm chạp, thờ ơ, hay quên…

Chẩn đoán và điều trị hội chứng Sheehan:

Chẩn đoán

Hội Chứng Sheehan Sau Sinh: Căn Bệnh Thầm Lặng Cần Được Nhận Diện Sớm Ảnh Minh Họa
Tổn thương tuyến Yên

Phần lớn những dấu hiệu trên không đặc hiệu, dễ nhầm với bệnh khác. Các triệu chứng nặng lên khi bệnh nhân gặp stress, nhiễm khuẩn, sốt, phẫu thuật… Nhiều người phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu như hôn mê, suy giáp, hạ đường huyết, hạ natri máu…

Chụp MRI sọ não có thể thấy hình ảnh tuyến yên rỗng và loại trừ các nguyên nhân gây suy tuyến yên khác như u tuyến yên.

Chẩn đoán hội chứng Sheehan dựa trên các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hormone và hình ảnh học (chụp MRI tuyến yên).

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn hội chứng Sheehan. Tuy nhiên, việc bổ sung hormone thay thế có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị hội chứng Sheehan

Tổn thương tuyến yên trong hội chứng Sheehan là không thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, mục tiêu điều trị là thay thế các hormone thiếu hụt để cải thiện triệu chứng và duy trì chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng. Việc điều trị cần được thực hiện lâu dài và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Các loại hormone thay thế thường được sử dụng:

  • Corticosteroid: Thay thế cho hormone cortisol của tuyến thượng thận, giúp điều hòa huyết áp, đường huyết, đáp ứng với stress và chống viêm.
  • Levothyroxin: Thay thế cho hormone tuyến giáp (T3 và T4), giúp điều hòa chuyển hóa, duy trì nhiệt độ cơ thể và chức năng của tim, não, cơ bắp.
  • Estrogen và progesterone: Thay thế cho hormone sinh dục nữ, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, bảo vệ xương và duy trì các đặc tính sinh dục nữ. Liệu pháp hormone thay thế này thường được sử dụng đến thời kỳ mãn kinh tự nhiên của phụ nữ.

Theo dõi và điều chỉnh liều lượng:

Việc điều trị bằng hormone thay thế cần được theo dõi thường xuyên bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone. Liều lượng hormone có thể được điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe, cân nặng, độ tuổi và các yếu tố stress trong cuộc sống của người bệnh.

Lưu ý:

  • Việc điều trị hội chứng Sheehan cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
  • Tự ý sử dụng hormone thay thế có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Người bệnh cần tuân thủ lịch hẹn khám định kỳ và thông báo cho bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe.

Phòng ngừa hội chứng Sheehan:

Phòng ngừa hội chứng Sheehan tập trung vào việc giảm thiểu nguy cơ mất máu sau sinh:

  • Khám thai định kỳ: Để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề tiềm ẩn trong thai kỳ.
  • Sinh con tại cơ sở y tế uy tín: Đảm bảo có đầy đủ phương tiện và nhân lực để xử lý các biến chứng sản khoa.
  • Theo dõi sát sao sau sinh: Đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu bất thường như chảy máu nhiều, đau bụng dữ dội…

Tài liệu tham khảo: