Human metapneumovirus HMPV là một loại virus thường gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh, như ho, khò khè, chảy mũi hoặc đau họng. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, nhưng trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc bệnh nặng. HMPV rất phổ biến — hầu hết mọi người nhiễm virus này trước 5 tuổi. Bs Nguyễn Trung Tính – Phòng khám đa khoa Pasteur đã có bài chia sẻ chi tiết về bệnh lý này.
Loại virus này được phát hiện vào năm 2001, HMPV thuộc họ Pneumoviridae, tương tự với virus hợp bào hô hấp (RSV)
1.Dịch tễ của HMPV
- Hoạt động nhiều nhất vào mùa đông và đầu mùa xuân
- Virus này thường lây lan qua:
- Dịch tiết từ ho và hắt hơi.
- Tiếp xúc gần như chạm tay, bắt tay.
- Chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng.
- HMPV không phải là virus mới, từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024
- Virus này chiếm tỷ lệ 12.5% trong số các tác nhân gây viêm hô hấp cấp ở trẻ em tại TP.HCM năm 2024
- Tương tự, đợt bùng phát viêm hô hấp cấp ở trẻ em vào cuối năm 2023 cũng ghi nhận, tác nhân gây bệnh này chiếm 15%
2. Virus HMPV này gây ra vấn đề sức khỏe gì?
- HMPV thường gây ra các triệu chứng tương tự như cúm như: ho, sốt, nghẹt mũi, đau họng, khò khè….
- Tuy nhiên, mỗi số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, dẫn tới các biến chứng nặng như: viêm phổi, khởi phát đợt cấp của Hen/COPD, viêm tai giữa,…
- Các yếu tố sau đây là nguy cơ diễn tiến nặng:
- Trẻ nhỏ <5 tuổi, người già >65
- Người có hệ miễn dịch suy yếu (do bệnh nền như HIV, ung thư, bệnh tự miễn, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch)
- Bị hen hoặc COPD
3. Phương pháp chẩn đoán HMPV
- Cần dựa vào triệu chứng và thăm khám lâm sàng.
- Trong trường hợp nghi ngờ, lấy dịch mũi/họng để xét nghiệm virus
- Nếu có nghi ngờ biến chứng thì: chụp Xquang ngực, nội soi tai, nội soi phế quản…
4. Điều trị HMPV
Hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho HMPV. Phần lớn bệnh nhân tự hồi phục tại nhà bằng cách:
- Uống nhiều nước.
- Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, hoặc thuốc thông mũi (theo chỉ định).
- Trong trường hợp nặng, cần nhập viện để hỗ trợ:
- Thở oxy.
- Truyền dịch qua tĩnh mạch.
- Dùng corticosteroid để giảm viêm.
Kháng sinh có cần thiết không?
– Không, vì HMPV là virus. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn thứ phát, bác sĩ có thể kê kháng sinh.
5. Phòng ngừa HMPV bằng cách nào
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm HMPV và các bệnh truyền nhiễm khác bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi (dùng khuỷu tay thay vì tay).
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Đeo khẩu trang nếu bạn bị bệnh và phải ra ngoài.
- Không chạm tay vào mặt, mắt, mũi, miệng.
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống.
6. Tiên lượng bệnh
HMPV kéo dài bao lâu?
Trường hợp nhẹ thường kéo dài vài ngày đến một tuần. Triệu chứng nặng có thể lâu hơn và gây hậu quả kéo dài như ho mạn tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Triệu chứng không cải thiện sau vài ngày.
- Sốt kéo dài trên 3 ngày.
- Có các bệnh nền làm tăng nguy cơ bệnh nặng.
BS Nguyễn Trung Tính – Phòng khám đa khoa Pasteur
*Nguồn tham khảo:
- https://hcdc.vn/benh-do-virus-hmpv-can-canh-giac-khong-hoang-mang-KHJtdj.html
- https://www.cdc.gov/human-metapneumovirus/about/index.html
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22443-human-metapneumovirus-hmpv