Thuốc kháng sinh điều trị bệnh truyển nhiễm. Bệnh truyền nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong xuyên suốt lịch sử loài người. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm là rất phổ biến mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong những thập kỷ gần đây. Trong suốt chiều dài lịch sử, có nhiều dịch bệnh lan khắp toàn cầu, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Có thể điểm qua một số cái tên như sau: đại dịch tả, đại dịch cúm, dich hạch, dịch sởi…
Chúng ta cần làm rõ 2 khái niệm sau:
– Bệnh nhiễm trùng: Là các rối loạn tại chỗ hay toàn thân do sự hiện diện của vi sinh vật trong cơ thể.
– Bệnh truyền nhiễm: Bệnh nhiễm trùng nhưng có thể chuyển vi sinh vật gây bệnh ở người đang có vi sinh vật trong cơ thể sang người khác chưa có bệnh.
Nói một cách dễ hiểu, nếu vi sinh vật chỉ ở ngoài da tức là chưa nhiễm trùng, còn nếu qua được lớp thượng bì xâm nhập vào bên trong thì được gọi là nhiễm trùng. Điểm chung của bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiễm trùng chính là tác nhân gây bệnh. Tác nhân thường gặp đó là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, vi nấm. Ngoài ra còn có một số tác nhân khác là prion, viroide.
Các tác nhân gây nhiễm trùng có mặt ở mọi nơi, xung quanh chúng ta, chúng ở thể ở lơ lửng trong không khí, trong nước, trong thức ăn, hay cư ngụ bên trong cơ thể của chính chúng ta. Các nhà khoa học đã xác định được rằng, trên 1 cm2da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn, ở khoang miệng thì có khoảng 100 triệu vi khuẩn trong mỗi ml nước bọt… Không phải bất cứ loại vi sinh vật nào cũng gây hại, và không phải lúc nào chúng cũng gây hại!
Với từng tác nhân gây nhiễm trùng, con người có thể có những vũ khí riêng biệt để đối phó. Ví dụ như thuốc kháng nấm, thuốc diệt ký sinh trùng, và một cái tên rất đỗi quen thuộc đó là thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đối với tác nhân virus thường không có thuốc đặc trị, thay vào đó người ta bào chế vaccine để dự phòng, cũng một số chủng virus có những thuốc kháng virus (ví dụ như viêm gan B, C, HIV…). Ở bài viết này sẽ tập trung viết về thuốc kháng sinh!
· Vấn đề đặt ra:
– Kháng sinh là gì?
– Giá trị của kháng sinh là?
_ _ _ _
Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về “kháng sinh”, tâm lý chung nghĩ rằng kháng sinh đều trị được bách bệnh, cùng với việc quản lý sử dụng kháng sinh chưa tốt, người dân dễ dàng mua kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ dẫn đến việc làm dụng kháng sinh, làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh trong cộng đồng. Rất nhiều bệnh nhân chỉ cần thấy ho, chảy mũi nước là đến ngay quầy thuốc gần nhà để mua đơn thuốc, và tôi cá rằng trong những loại thuốc mà dược sĩ bán cho họ sẽ có kháng sinh.
1. Thuốc kháng sinh là gì?
Từ năm 1928, nhà vi khuẩn học Flemming tìm ra một chất kìm hãm được sự phát triển của vi khuẩn đặt tên là Penicillin. Năm 1941, peniciline trở thành thuốc kháng sinh đầu tiên được tìm và sản xuất để dùng trong lâm sàng. Thuật ngữ kháng sinh trong tiếng Anh là antibiotic – nghĩa là chống lại sự sống. Từ đó mở ra kỷ nguyên mới trong cuộc chiến giữa con người với sức tấn công của vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh (antibiotic) là những thuốc có nguồn gốc từ vi khuẩn hoặc nấm mốc hoặc được tổng hợp nhân tạo có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Các kháng sinh khác nhau có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là kháng sinh phổ hẹp.
Đối với vi khuẩn có nhiều cách khác nhau để phân nhóm. Dựa vào tính chất bắt màu của thành tế bào khi nhuộm, người ta chia ra làm vi khuẩn gram âm và gram dương; dựa vào điều kiện oxy mà người ta ra nhóm vi khuẩn ái khí và vi khuẩn kỵ khí; một số vi khuẩn không có vách tế bào được gọi là vi khuẩn không điển hình… Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ cần nắm đặc điểm, vị trí thường gặp gây bệnh của các vi khuẩn hoặc có thể dùng phương pháp nhuộm soi, nuôi cấy để định danh vi khuẩn/nhóm vi khuẩn, từ đó kê loại thuốc kháng sinh thích hợp cho bệnh nhân.
Một số nhóm kháng sinh phổ biến trên thị trường như nhóm beta-lactam (với những đại diện tiêu biểu như Penicillin, Amoxicilin, Augmentin hay những thuốc kháng sinh thuộc phân nhóm cephalosporin như cefuroxime, cefixime) hay fluoroquinolones(ciprofloxacin). Mỗi loại thuốc kháng sinh có một cơ chế tác động khác nhau lên vi khuẩn. Có loại thuốc kháng sinh tác động vào thành tế bào của vi khuẩn --> vi khuẩn vỡ --> chết; có loại tác động lên màng của tế bào vi khuẩn àlàm chúng rối loạn chức năng --> chết; một số khác có tác dụng kìm khuẩn thì ức chế quá trình tổng hợp RNA, lipid, glucid. Lấy một ví dụ về vi khuẩn không điển hình, đây là nhóm vi khuẩn không có vách/thành tế bào cho nên kháng sinh nhóm beta lactam – nhóm KS ức chế sinh tổng hợp vách tế bào sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Kháng sinh có nhiều tác dụng không mong muốn, đối với phụ nữ mang thai và cho con bú cần cẩn trọng trong việc lựa chọn kháng sinh (có một số kháng sinh an toàn trong thai kỳ). Điều đáng lo nhất chính là tình trạng đề kháng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh không đúng, không đủ liều sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn đột biến gen hoặc tích tụ gen đột biến kháng thuốc bùng nổ, từ đó làm thất bại điều trị, dễ dẫn đến một số diễn tiến nặng như shock do nhiễm trùng.
Do đó, đứng trước một nhiễm khuẩn, bệnh nhân cần được bác sĩ chỉ định kháng sinh phù hợp.
2. Giá trị của thuốc kháng sinh là?
Kháng sinh là thuốc dùng để điều trị những bệnh nhiễm trùng gây ra bởi tác nhân vi khuẩn. Nó không phải là thần dược trị bách bệnh như nhiều người truyền tai nhau. Việc sử dụng cho bệnh virus hoặc sốt siêu vi là không phù hợp trong hầu hết các trường hợp; nó gây ra tác dụng phụ của thuốc mà không mang lại lợi ích gì và góp phần làm vi khuẩn kháng thuốc.
Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm cho thấy nhiễm khuẩn. Khác với đa số virus gây bệnh thường tiêu điểm không rõ ràng, triệu chứng mơ hồ; thông thường những bệnh cảnh do vi khuẩn gây ra thường gây bệnh tại một cơ quan, diễn tiến rầm rộ (vi khuẩn có độc lực cao). Khi xét nghiệm công thức máu, bạch cầu tổng thường sẽ tăng và bạch cầu trung tính xu hướng tăng, đó là dấu hiệu gợi ý nhiễm khuẩn. Một số bệnh cảnh cần phải nhuộm, nuôi cấy làm kháng sinh đồ để định danh được vi khuẩn.
Thận trọng sử dụng kháng sinh, đặc biệt đối với đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú. Ví dụ kháng sinh nhóm fluoroquinolones gây ức chế sụn tăng trưởng, nên hạn chế dùng ở trẻ em.
TÓM LẠI
– Bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm là một trong những gánh nặng bệnh tật toàn cầu; gây ra bởi các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm, KST…
– Đối với từng tác nhân, có từng loại thuốc riêng.
– Kháng sinh là thuốc có tác dụng diệt khuẩn hoặc kìm khuẩn.
– Cần sử dụng sinh thận trọng, đúng chỉ định theo đơn bác sĩ.
Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tham khảo: Wikipedia