Một số tình huống về tật “dính thắng lưỡi” hay gặp trên lâm sàng khi bố mẹ hoặc ngẫu nhiên phát hiện khi đưa trẻ đi khám như: Trẻ ngậm bắt vú không tốt, làm mẹ đau núm vú nhiều, khi bú phát ra tiếng kêu “tặc, tặc”; Đầu lưỡi trẻ hình trái tim khi khóc, khó cử động lưỡi; Trẻ khó phát âm; Răng cửa hàm dưới mọc thưa.
1. DÍNH THẮNG LƯỠI LÀ GÌ?
– Lưỡi là một khối cơ vân được phủ bởi lớp niêm mạc, là cơ quan thực hiện các chức năng nhai, nuốt, nếm và nói. Nó được gắn vào phía sau khoang miệng và thò ra phía trước nhờ mạng lưới các mô và niêm mạc cứng. Phần giữ mặt trước của lưỡi được gọi là thắng lưỡi (frenum).
– Thắng lưỡi (hãm/phanh lưỡi) là lớp niêm mạc bám từ sàn miệng đến các vị khác nhau ở mặt sau của lưỡi, chức năng kiểm soát chuyển động của lưỡi và giúp phát âm khi co lưỡi. Khi thắng lưỡi này bám sai vị trí (bám đến tận đầu lưỡi) làm chuyển động của lưỡi khó khăn, lưỡi không thể co theo mong muốn, gọi là dính thắng lưỡi. Dính thắng lưỡi (Ankyloglossia – Tongue – tie) là dị tật bẩm sinh làm hạn chế phạm vi chuyển động của lưỡi.
2. HẬU QUẢ CỦA DÍNH THẮNG LƯỠI
– Dính thắng lưỡi cản trở việc cho con bú, trẻ khó khăn trong việc thè lưỡi, ảnh hưởng đến việc nuốt, phát âm, một số vấn đề nha khoa như sai khớp cắn (malocclusion), cắn hở (open bite), răng cửa thưa và thấp.
+ Vấn đề cho trẻ bú: Việc ngậm bắt vú đòi hỏi lưỡi của trẻ phải chìa ra ngoài, trên môi dưới và dưới núm vú. Nếu trẻ không thể di chuyển và giữ lưỡi đúng vị trí, lúc đó trẻ sẽ nhai thay vì mút núm vú. Điều này sẽ gây đau núm vú của mẹ và ảnh hưởng đến khả năng lấy sữa mẹ của trẻ.
+ Khó khăn về phát âm: Thắng lưỡi có thể can thiệp vào việc phát âm một số âm nhất định (những âm đòi hỏi co lưỡi). Ví dụ như âm /t/, /d/, /s/, /th/…
+ Vệ sinh răng miệng kém: Đối với trẻ lớn hoặc người lớn, dính thắng lưỡi có thể gây khó khăn cho việc làm sạch các mảnh vụn thức ăn từ răng. Điều này có thể dẫn tới việc sâu răng, và viêm nướu. Dính thắng lưỡi cũng có thể dẫn đến sự hình thành kẻ hở hoặc khoảng trống ở hai răng cửa hàm dưới.
+ Khó khăn trong các hoạt động khác của miệng:ví dụ như liếm kem; liếm môi; hôn; chơi nhạc cụ bằng hơi như kèn, sáo, tiêu….
3. NGUYÊN NHÂN
– Thông thường, thắng lưỡi tách ra trước khi sinh, cho phép lưỡi tự do chuyển động.
– Với tật dính thắng lưỡi, thắng lưỡi bám từ sàn miệng đến đầu lưỡi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa rõ, nhưng một số trường hợp dính thắng lưỡi có liên quan đến yếu tố di truyền.
4. CÁCH PHÁT HIỆN TẬT DÍNH THẮNG LƯỠI
Thông thường tật dính thắng lưỡi được phát hiện bởi chính bố mẹ của trẻ hoặc tình cờ qua thăm khám bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ răng hàm mặt/tai mũi họng.
– Dấu hiệu và triệu chứng của dính thắng lưỡi bao gồm:
+ Khó nâng lưỡi lên răng hàm trên hoặc di chuyển lưỡi từ bên này sang bên kia
+ Khó khăn khi thò lưỡi ra răng cửa hàm dưới
+ Lưỡi hình trái tim khi trẻ lè lưỡi hoặc khóc.
5. PHÂN ĐỘ DÍNH THẮNG LƯỠI
– Dính thắng lưỡi có thể được phân loại thành 4 mức dựa trên đánh giá của Kotlow như sau:
+ Mức độ 1 – nhẹ: Từ 12 – 16mm
+ Mức độ 2 – trung bình: Từ 8 – 11mm
+ Mức độ 3 – nặng: Từ 3 – 7mm
+ Mức độ 4 – hoàn toàn: Dưới 3mm
6. KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ
– Đôi khi dính thắng lưỡi không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên một số trường hợp cần can thiệp một thủ thuật đơn giản vì nó gây ảnh hưởng đến chức năng của lưỡi.
+ Trẻ có những dấu hiệu cho thấy dính thắng lưỡi gây ra vấn đề, ví dụ như khó khăn khi bú, mẹ đau núm vú nhiều khi cho trẻ bú…
+ Khó khăn trong việc phát âm khi trẻ bắt đầu tập nói.
+ Khi đứa trẻ lớn lên, chúng phàn nàn về việc ăn, nói, phát triển của răng.
+ Cảm thấy khó chịu bởi các triệu chứng gây ra bởi dính thắng lưỡi.
– Lý tưởng nhất, phẫu thuật cắt thắng lưỡi là sau khi sinh. Đa phần trường hợp dính thắng lưỡi ở Việt Nam được phát hiện muộn hơn, do đó bất kể khi nào ba mẹ phát hiện trẻ có dính thắng lưỡi và việc đó gây ảnh hưởng đến trẻ thì đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, ba mẹ nên tham vấn bác sĩ Nhi khoa, bác sĩ Răng hàm mặt hoặc bác sĩ Tai mũi họng để được đánh giá mức độ. Bởi vì ở mức độ 1 và 2, thắng lưỡi có thể nới lỏng theo thời gian nên sẽ tự biến mất khi trẻ lớn lên mà không gây ảnh hưởng gì.
>> TÓM LẠI:
– Dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh ở trẻ, làm hạn chế phạm vi hoạt động của lưỡi.
– Dính thắng lưỡi có thể gây một số ảnh hưởng như làm trẻ bú khó, nuốt khó, phát âm khó khăn, một số ảnh hưởng đến răng, khớp cắn…
– Điều trị dính thắng lưỡi bằng phẫu thuật cắt thắng lưỡi đơn giản.
– Chỉ định phẫu thuật dính thắng lưỡi phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của việc dính thắng lưỡi với một số sinh hoạt của trẻ (quá trình bú mẹ, phát âm sai, nuốt khó…).
– Phẫu thuật cắt thắng lưỡi là thủ thuật đơn giản, ít ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, nên phẫu thuật càng sớm càng tốt.
– Cần tham vấn bác sĩ Nhi khoa, bác sĩ Răng hàm mặt, bác sĩ Tai mũi họng để quyết định điều trị.
Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tham khảo: Wikipedia