CHẾ ĐỘ ĂN CỦA NGƯỜI MẮC BỆNH GÚT

Bệnh gút bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống như thế nào?

 Bệnh Gút là một dạng viêm khớp có liên quan đến sự tăng cao nồng độ axit uric trong máu. Nồng độ axit uric cao có thể khiến các tinh thể hình thành trong khớp, gây đau và sưng. Axit uric là một chất thải thông thường được hình thành từ quá trình chuyển hóa thức ăn, đặc biệt là các hợp chất được gọi là purin. Người ta tin rằng việc giảm nồng độ axit uric thông qua những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp giảm nguy cơ bị cơn gút cấp tính trong tương lai.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ bị các cơn gút cấp.

Giảm cân có lợi ích gì với bệnh gút không?

Nếu bạn thừa cân, giảm cân từ từ có thể giúp bạn giảm nồng độ axit uric và giảm nguy cơ bị các cơn gút cấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là tránh nhịn ăn hoặc ăn kiêng “cấp tốc”, khiến bạn không có đủ thức ăn trong thời gian dài và sút cân nhanh chóng. Loại ăn kiêng này thực sự có thể làm tăng nồng độ axit uric và khởi phát cơn gút. Sự kết hợp giữa ăn uống cân bằng lành mạnh và hoạt động thể lực thường xuyên là cách tốt nhất để giảm cân an toàn. Bạn cần được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Có phải một số loại thực phẩm nhất định gây ra bệnh gút?

Có rất nhiều quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống và bệnh gút. Ví dụ người ta thường nghĩ răng thực phẩm chẳng hạn như cam quýt có thể gây ra bệnh gút. Không có bằng chứng nào cho thấy điều này là đúng.  Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh gút có nhiều khả năng ăn một số loại thực phẩm nhất định. Những thực phẩm này có xu hướng chứa hàm lượng purin cao, một chất có thể tạo thành axit uric trong cơ thể. Thực phẩm giàu purin bao gồm:

  •       Thịt – đặc biệt thịt đỏ và nội tạng, chẳng hạn như gan, thận và tim
  •       Hải sản – đặc biệt là động vật có vỏ cứng, ngao sò, trai, cá trích, cá thu, cá mòi và cá cơm
  •       Thực phẩm chứa men – chẳng hạn như bơ Vegemite và bia rượu.
    Thực Phẩm Kiêng Ăn Khi Bị Bệnh Gút
    Thực phẩm không nên ăn khi bị bệnh gút

Tôi có nên ngừng ăn những thực phẩm giàu purin?

Có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy việc tránh các thực phẩm giàu purin được kể trên có thể làm giảm các cơn gút thành công. Bạn có thể bỏ lỡ các chất dinh dưỡng và vitamin quan trọng nếu cắt bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống của mình.

Nếu bạn nhận thấy một số loại thực phẩm gây ra cơn gút, bạn có thể nhận được lợi ích từ việc cắt giảm lượng thực phẩm đó trong chế độ ăn. Tuy nhiên không phải tất cả các loại thực phẩm giàu purin đều được cho là gây ra bệnh gút. Ví dụ, một số loại rau (măng tây, nấm, súp lơ và rau chân vịt) cũng giàu purin nhưng dường như ít có khả năng gây ra bệnh gút hơn chế độ ăn có thịt và động vật có vỏ cứng.

Thực phẩm từ sữa, có thể chứa purin, thực sự có vẻ làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Đối với hầu hết những người mắc bệnh gút, tất cả những gì cần thiết là một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng bên cạnh các loại thuốc để làm giảm nồng độ axit uric. Hầu hết những người dùng thuốc để giảm nồng độ axit uric thấy rằng họ vẫn có thể ăn thực phẩm giàu purin mà không bị bệnh gút tấn công bằng cách kiểm soát số lượng thức ăn đưa vào.

Fructose có gây ra bệnh gút không?

Fructose là một loại đường được tìm thấy trong trái cây và rau quả. Nó cũng được tìm thấy với nồng độ cao trong thực phẩm được làm ngọt bằng siro bắp, chẳng hạn như bánh mì, ngũ cốc, nước ngọt và nước ép trái cây. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy những người đàn ông uống 5 đến 6 phần nước ngọt có đường fructose mỗi tuần có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn. Tuy nhiên không có nghiên cứu nào cho thấy fructose thực sự gây ra bệnh gút. Cắt giảm lượng thực phẩm được làm ngọt nhân tạo bằng siro bắp có hàm lượng đường cao có thể có lợi cho sức khỏe chung của bạn. Tuy nhiên fructose tự nhiên trong trái cây và rau quả cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nói chung và không nên tránh hoàn toàn nếu không có lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Tôi có thể uống rượu không?

Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ bị các đợt gút cấp vì nó có thể làm tăng mức axit uric trong máu của bạn. Mặc dù có thể kiểm soát các cơn gút mà không cần cắt bỏ hoàn toàn rượu bia, nhưng hãy cố gắng giảm lượng rượu bia uống vào và tránh uống say (uống nhiều rượu cùng một lúc).

Có phải có một số loại rượu tốt hơn những loại khác?

Có vẻ như các cơn gút cấp phổ biến hơn ở những người uống bia và rượu mạnh hơn là ở người uống rượu vang. Nhiều loại bia có chứa một lượng lớn purin, có thể dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chỉ một số loại đồ uống có cồn nhất định có thể dẫn đến các cơn gút cấp.

Tôi có nên uống nhiều nước không?

Mất nước (uống không đủ nước) có thể là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gút mặc dù điều này chưa được chứng minh rõ ràng trong nghiên cứu. Nên uống 1-1,5 lít chất lỏng mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe nói chung. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu (còn được gọi là “thuốc nước” hoặc thuốc viên giúp cơ thể thải bớt nước) hoặc có vấn đề về tim hay thận, hãy trao đổi với bác sĩ về lượng nước phù hợp để bạn uống.

Nguồn: Arthritis Australia

Khi có các dấu hiệu bất thường về nội tiết, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.