Những bà mẹ mang song thai sẽ được các bác sĩ Sản phụ khoa theo dõi chặt chẽ hơn, đặc biệt ở những bà mẹ mắc bệnh lý đái tháo đường, tiền sử sinh non…Đa số những trường hợp bà mẹ mang song thai thuận lợi, thai và mẹ đều khỏe mạnh khi được chăm sóc tốt.
Song thai hình thành như thế nào
Thông thường, mỗi chu kỳ, người phụ nữ rụng một trứng và nếu gặp tinh trùng thì 1 trứng sẽ thụ thai với 1 tinh trùng và phát triển thành một hợp tử. Hợp tử sẽ phát triển thành một thai nhi.
Tuy nhiên vì một lý do nào đó, trong một chu kỳ đồng thời rụng 2 trứng thì hai trứng sẽ thụ tinh với 2 tinh trùng (nếu có cơ hội) tạo thành 2 hợp tử. Hai hợp tử này sẽ phát triển thành 2 thai nhi, người ta gọi là cặp thai khác trứng, sau này sẽ là sinh đôi khác trứng (có đặc điểm di truyền tương tự như anh em sinh khác năm của cùng một cặp bố mẹ)
Trong một diễn biến khác, nếu một trứng thụ thai với một tinh trùng tạo thành một hợp tử nhưng trong lần phân chia đầu tiên, hợp tử này tạo ra 2 tế bào và mỗi tế bào lại phân chia độc lập theo 2 hướng khác nhau thì sẽ hình thành nên 2 phôi thai cùng trứng (sau này sẽ cho ra đời cặp sinh đôi cùng trứng). Song thai cùng trứng giống nhau về hầu hết các đặc điểm hình thái, cấu tạo do có cùng một kiểu gen.
2. Dinh dưỡng cho bà mẹ mang song thai
Bước quan trọng nhất trong chăm sóc thai kỳ cho bà mẹ mang song thai là dinh dưỡng hợp lý. Nên bổ sung acid folic bắt đầu từ 3 tháng trước khi thụ thai. Acid folic còn được gọi là vitamin B9 thuộc vitamin nhóm B. Acid folic là yếu tố quan trọng trọng việc sản sinh hồng cầu của cơ thể. Trong giai đoạn bà mẹ mang song thai, acid folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ. Một số nghiên cứu có nhắc đến vai trò của acid folic trong ngăn ngừa dị tật tại tim, miệng ở trẻ. Bạn có thể uống acid folic cùng với thức ăn để giảm cảm giác buồn nôn.
Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, năng lượng hợp lý trong những trường hợp song thai đóng vai trò quan trọng đối với thai kỳ song sinh. Nếu bạn mang thai đơn, bạn cần thêm khoảng 300 calo mỗi ngày, trong khi đó khi bà mẹ mang song thai, bạn cần thêm khoảng 1000 calo mỗi ngày. Ăn nhiều bữa trong ngày giúp bạn duy trì được lượng calo cần thiết.
Ngoài việc bổ sung đủ calo thì bạn cũng cần uống đủ nước. Bạn có thể uống nước nhiều trong ngày và giảm sau 8 giờ tối để hạn chế tình trạng tiểu nhiều vào ban đêm.
3. Thăm khám và can thiệp cho bà mẹ mang song thai
Cần thông báo cho bác sĩ Sản phụ khoa về những dấu hiệu nào khiến bạn lo lắng như chảy máu hay tiết dịch âm đạo, đau bụng tăng dần…Trường hợp mang thai song sinh thường có khả năng sinh sớm hơn so với ngày dự sinh. Mặc dù chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể là hiện tượng bình thường khi song thai làm tổ trong tử cung, nhưng nên gọi cho bác sĩ sản khoa nếu bị chảy máu bất cứ lúc nào.
Song thai làm tăng nguy cơ tiền sản giật, bà mẹ mang song thai có thể bị tăng huyết áp có protein trong nước tiểu (phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu) và người sưng phù hơn so với bình thường. Khi có tình trạng tăng cân nhanh hoặc đau đầu, hãy thông báo với bác sĩ Sản phụ khoa để được kiểm tra.
Giữ một tâm lý lạc quan, vui vẻ giúp song thai được phát triển khỏe mạnh trong quá trình mang thai. Điều này giúp quá trình chuyển dạ của bạn cũng trở nên thuận lợi hơn. Hạn chế sử dụng rượu bia để tránh tình trạng rối loạn phổ rượu ở thai nhi (FASD).
Tham khảo: Wikipedia
Để được thăm khám khi có các biểu hiện mang song thai tại phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868