Dịch bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng phức tạp. Ba mẹ cần theo dõi trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng nhằm điều trị kịp thời. Cùng điểm qua một số thông tin quan trọng cần biết qua bài viết được Bác sĩ Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ ngay sau đây.
Điểm qua 1 số thông tin quan trọng cần biết:
1.TÁC NHÂN GÂY BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Do 1 nhóm virus đường ruột gây ra, trong đó có 2 chủng virus hay gặp ở nước ta là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71); gây thành những đợt dịch bùng phát lớn. EV71 là tác nhân gây bệnh có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và khả năng tử vong cao.
2. CƠ CHẾ GÂY BỆNH CỦA VIRUS
– Enterovirus ở trong phân lên đến 10 tuần và ở đường hô hấp lên đến 30 ngày sau khi nhiễm, phụ thuộc vào loại virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Virus thải trừ trong phân từ 4-6 tuần và từ đường hô hấp ≤ 3 tuần. Sự thải trừ kéo dài trong phân và sự ổn định của môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền của Enterovirus.
– Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhân lên trong các mô bạch huyết dưới niêm mạc của ruột non và mức độ ít hơn ở hầu họng. Sau khi nhân lên thì Enterovirus tiếp tục lan rộng ra các hạch bạch huyết khu vực. Sự nhân lên này dẫn đến hậu quả là virus lan tràn khắp cơ thể, ảnh hưởng đến đa cơ quan: hệ thống thần kinh trung ương, tim, gan, da. Sự nhân lên của virus ở những vị trí này gây ra các biểu hiện lâm sàng và cơ thể tạo ra các kháng thể đặc hiệu loài. Sự nhân lên của Enterovirus ở các mô cơ quan dẫn đến các tế bào bị nhiễm bệnh chết đi, kèm theo sự viêm và hoại tử.
3. CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH
– Lây từ người sang người qua đường phân-miệng. Tuy nhiên cũng có thể lây truyền qua dịch tiết miệng và đường hô hấp hoặc dịch từ mụn nước vỡ ra (thông qua mút tay, ngậm đồ chơi, nấu ăn không sạch sẽ..).
– Những người mắc bệnh tay chân miệng có khả năng lây nhiễm cao nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Nhưng vi-rút có thể sống trong cơ thể họ hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi các triệu chứng đã biến mất.
– Bị nhiễm virus và phát tán virus có thể xảy ra mà không có dấu hiệu lâm sàng nào.
4. LỨA TUỔI VÀ THỜI ĐIỂM DỄ MẮC BỆNH
– Hầu hết các trường hợp tay chân miệng ở lứa tuổi < 5-7 tuổi, trong đó tập trung nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có 1 số trường hợp gặp ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
– Bệnh thường xảy ra trong suốt mùa hè, đầu thu, giống như các bệnh lý do Enterovirus gây ra, tuy nhiên vẫn có 1 số trường hợp vào mùa đông. Ở khu vực nhiệt đới, thường vào mùa mưa. Nhiệt độ và độ ẩm cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh. Đặc biệt mùa tựu trường cũng chính là lúc mà dịch bệnh bùng phát mạnh, thời điểm các bé bắt đầu đi học trở lại.
– Bệnh tay chân miệng dễ tái phát trong mùa bệnh vì có nhiều chủng virus gây ra bệnh này.
5. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG: diễn tiến gồm 4 giai đoạn
– Ủ bệnh (từ lúc bắt đầu bị nhiễm cho đến khi có triệu chứng): Giai đoạn ủ bệnh điển hình từ 3-5 ngày; 1 số báo cáo, ít nhất 2 ngày và nhiều nhất là 7 ngày. Trong thời kỳ ủ bệnh, trẻ gần như không có bất kỳ triệu chứng nào.
– Khởi phát: 1-2 ngày với biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, có thể có tiêu chảy..
– Toàn phát: kéo dài 3-5 ngày, trẻ có thể trở nặng ở giai đoạn này.
– Lui bệnh: Trẻ mức độ nhẹ không có biến chứng, thường sẽ lành bệnh hoàn toàn sau 7-10 ngày.
6. PHÂN ĐỘ TAY CHÂN MIỆNG: chia làm 4 độ, trong đó độ 1: chỉ có bóng nước trên da và niêm mạc, biểu hiện sốt nhẹ nên được điều trị và chăm sóc tại nhà. Từ độ 2a trở đi là phải nhập viện để điều trị.
7. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, ĐẶC ĐIỂM BAN:
– Đau miệng và đau họng (trẻ lớn) hoặc không chịu ăn, chảy nước dãi (trẻ nhỏ). Thời gian đầu của bệnh trẻ loét miệng, quấy khóc, biếng ăn, chảy nước dãi nhiều→ ba mẹ cần để ý. Ở giai đoạn này có thể các ban mụn nước nhưng vẫn còn mơ hồ, không rõ ràng.
– Nếu có sốt thì thường <38,3oC
– Thường không có các dấu hiệu báo trước, nếu có thường là sốt, quấy khóc, đau bụng, nôn và tiêu chảy.
– Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của tay chân miệng là ban dạn loét miệng và ban dạng mụn nước ở tay chân. Tuy nhiên, ban dạng loét ở miệng có thể có mà không có sự xuất hiện của ban dạng mụn nước ở tay, chân và ngược lại.
Ban dạng loét ở miệng:
+ Tổn thương chủ yếu ở lưỡi và niêm mạc má, ít gặp ở rãnh nướu, khẩu cái cứng và khẩu cái mềm. Đôi khi ở lưỡi gà, môi và amydan
+ Ban đầu ban ở dạng dát đỏ,sau đó tiến triển thành dạng mụn nước trên nền đỏ. Đường kính mụn nước thường từ 1-5mm hoặc lớn hơn.Mụn nước nhanh vỡ và hình thành những vết loét nông trên nền xám và viền ban đỏ. Đường kính vết loét điển hình từ 1-10mm, cũng có trường hợp lên đến 20mm
Ban ở vùng tay chân: dạng dát, sẩn hoặc dạng mụn nước; Tất cả các loại sang thương có thể xảy ra trên 1 bệnh nhân. Đường kính mụn nước từ 1-10mm, chứa dịch trong hoặc vẫn đục bên trong; xung quanh có viền mỏng khoảng 1mm
Tổn thương da trong bệnh tay chân miệng thì không ngứa, thường không đau nhưng có thể gây đau nếu được gây ra bởi virus loại coxackievirus A6. Những tổn thương điển hình sẽ mất đi trong 3-4 ngày.
Các sang thương ở tay: mu bàn tay, kẽ ngón tay và lòng bàn tay; ở chân: mu bàn chân, gan bàn chân, kẽ giữa ngón chân và gót chân..ngoài ra còn ở mông, gối, đùi và cánh tay. Trường hợp ít gặp hơn, mụn nước ở vị trí thân mình hay mặt. Sang thương ở vùng mông thì đa phần là dạng dát sẩn hơn là dạng mụn nước. Chúng cũng xuất hiện thường xuyên ở trẻ em hơn là trẻ lớn và người lớn
Ban nhiều hay ít không nói lên độ nặng của bệnh. Ban trong tay chân miệng rất nông và ít khi bội nhiễm nên ít khi để lại sẹo.
Enterovirus A71: thường gây bệnh nặng và biến chứng do bệnh lý ở hệ thống thần kinh trung ương: viêm não,viêm màng não vô trùng và liệt mềm cấp tính, phù phổi, xuất huyết và suy tim
Các triệu chứng nặng về tim mạch, hô hấp, thần kinh thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày 5 của bệnh. Tuy nhiên phụ huynh không nên chủ quan, có trường hợp trẻ biểu hiện kín đáo, không phát hiện bệnh ở những ngày đầu, đến khi phát hiện thì đã trở nặng.
9. PHÂN BIỆT BAN TAY CHÂN MIỆNG VỚI CÁC NỐT BAN KHÁC:
Phân biệt với các tổn thương ở miệng khác:
– Loét áp tơ miệng: gây đau, vết loét miệng nông, nền xám, thường không có tổn thương da đi kèm
– Viêm nướu do HSV type 1: Tiền triệu: sốt, chán ăn, cáu gắt, khó chịu, đau đầu trước khi xuất hiện các triệu chứng ở vùng miệng. Thay đổi ở vùng miệng ban đầu gồm ban đỏ, phù nề nướu và mụn nước đứng thành cụm. Những sang thương vùng nướu răng dễ vỡ và dễ chảy máu. Những vết loét gây đau rộng ra, được hình thành khi mụn nước vỡ. Những chỗ bị loét bị bao phủ bởi 1 lớp vảy. Niêm mạc ở má, lưỡi, nướu, khẩu cái cứng, yết hầu, môi, và vùng da quanh miệng hay gặp các tổn thương này. Có kèm ngứa và rát. Mặc dù, những bệnh nhân có viêm miệng do HSV thường có tổn thương ở da, tuy nhiên trường hợp này các sang thương thường ở 1 bên, còn trong tay chân miệng, thì các sang thương ở cả 2 bên.
Phân biệt với các bệnh lý có ban dạng dát sẩn hoặc dạng mụn nước khác:
*Tổn thương gây ngứa:
– Thủy đậu: ban xuất hiện 1 vài ngày rồi mới ngứa. Ban ban đầu dạng dát-> sẩn-> mụn nước-> đóng vảy cứng. Mụn nước rải rác khắp toàn thân. Mụn nước thường đau rát. Biểu hiện lâm sàng và ngứa giúp phân biệt tay chân miệng với thủy đậu.
– Vết cắn côn trùng (mày đay): Các tổn thương sẩn, ngứa, có thể tăng kích thước lên tại vị trí cắn của côn trùng: muỗi, bọ chét, rệp. Mông, bộ phận sinh dục, quanh hậu môn thường không bị ảnh hưởng. Không xuất hiện các tổn thương vùng miệng và ngứa giúp phân biệt giữa tay chân miệng và sẩn mày đay.
– Viêm da tiếp xúc kích ứng: ban dạng sẩn, đỏ và gây ngứa. Bờ của tổn thương không rõ
– Hồng ban đa dạng
10. BIẾN CHỨNG NẶNG CẦN BIẾT
– Các biến chứng nghiêm trọng của tay chân miệng hiếm khi xảy ra, ngoại trừ do Enterovirus A71 gây ra. Biến chứng gồm:
- Ít uống nước: dẫn đến tình trạng mất nước, nhập viện truyền dịch..
- Viêm não, màng não
- Liệt mềm cấp
- Viêm màng não vô trùng
- Viêm cơ tim
- Viêm tụy, sảy thai, loét kết mạc (hiếm)
- Nấm móng: là 1 biến chứng muộn, thường từ 3-8 tuần sau khi khởi phát bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhân mắc tay chân miệng không điển hình (được gây ra bởi coxackievirus A6)
- CHẨN ĐOÁN
– Chẩn đoán tay chân miệng thường dựa vào lâm sàng; dựa trên tính chất điển hình và vị trí đặc hiệu của ban ở miệng và ở tay chân. Chẩn đoán khó hơn nếu chỉ có ban tại miệng hoặc tại tay chân. Thường 75% bệnh nhân có ban ở tất cả các vị trí trên, 10-15% còn lại chỉ ở miệng hoặc tay chân
– Xác định loại virus cụ thể không cần thiết ở trẻ em bị tay chân miệng mà không có biến chứng. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý nếu chưa khẳng định chẩn đoán và ảnh hưởng đến điều trị, ở những trẻ có biến chứng.
– Khi cần phải xác định căn nguyên thì các mẫu bệnh phẩm: phân, họng, dịch trong mụn nước nên được sử dụng để nuôi cấy tế bào hoặc khuếch đại DNA (PCR)
– Việc định danh hoặc phân lập virus từ dịch mụn nước (hoặc dịch não tủy nếu tay chân miệng có biến chứng ở não màng não).
- ĐIỀU TRỊ
– Bệnh do virus gây ra, do đó không có phương pháp nào điều trị virus đặc hiệu. Chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Trẻ em có biến chứng→ yêu cầu nhập viện.
– Chưa có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của thuốc kháng virus acyclovir
– Chỉ chăm sóc hỗ trợ: Đau và sốt là dấu hiệu chủ yếu. Điều trị Ibuprofen hoặc acetaminophen, mặc dù những thuốc này nên tránh ở trẻ mất nước cho đến khi bù đủ nước. Trẻ không uống đủ nước nên nhập viện để truyền dịch.
– Chủ yếu điều trị các triệu chứng cho bé như hạ sốt, giảm đau do các vết loét, thay đổi chế độ ăn hợp lí và quan trọng là theo dõi các dấu hiệu chuyển độ nặng.
– Nhập viện khi:
+ Không thể uống đủ nước
+ Có biến chứng về thần kinh và tim mạch: viêm não,viêm màng não, liệt mềm,viêm cơ tim
- TRIỆU CHỨNG CẦN NHẬP VIỆN NGAY:
Bệnh TCM có nhiều mức độ, nếu bố mẹ quan sát thấy con có những triệu chứng nghi ngờ của TCM kèm một trong các dấu hiệu như sau thì cần cho bé đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.
- Trẻ sốt quá 2 ngày hoặc sốt cao >39oC uống hạ sốt không hạ
- Giật mình chới với vô cớ, ngủ nhiều, lừ đừ hoặc yếu tay chân đột ngột
- Trẻ quấy khóc nhiều vô cớ
- Tình trạng rung chi, đi loạng choạng (biểu hiện thần kinh)
- Trẻ nôn ói nhiều, thở nhanh, khó thở suy hô hấp
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
- Trẻ co giật, hôn mê
- CHĂM SÓC TẠI NHÀ:
Tay chân miệng độ 1→ có thể điều trị ngoại trú.
Chăm sóc trẻ, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Súc miệng, đánh răng sạch sẽ. Đối với trẻ <2 tuổi, tránh thoa các loại thuốc chứa thành phần thuốc tê giảm đau (ví dụ gel bôi kamistad) vào các vết loét vì nguy cơ gây ngộ độc do tăng methemoglobin trong máu làm khó thở, tím tái. Trẻ trên 6 tuổi, có thể súc miệng bằng nước muối 2-3 lần/ ngày.
Nâng cao thể trạng cho trẻ
Uống nhiều nước hơn, bú mẹ nhiều hơn lượng bình thường; bổ sung vitmin C, tăng cường đề kháng. Thực phẩm cho trẻ bị bệnh nên mềm, dễ nuốt, để lạnh (làm tê các vết loét họng miệng): uống nước đá, ăn kem, sinh tố, sữa chua.. tránh các loại thức ăn cứng, cay nóng,
Dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ
Các bóng nước trong tay chân miệng chủ yếu vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ
Có cần kiêng tắm không?
Không nên kiêng tắm khi trẻ mắc tay chân miệng, vẫn tắm rửa vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín và bằng xà phòng sát khuẩn, sau đó lau khô và mặc đồ thoáng mát cho trẻ.
- PHÒNG NGỪA
Hiện tại Việt Nam chưa có vaccin phòng ngừa virus EV71
Trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung khăn tắm và vật dụng cá nhân. Ngoài việc ăn uống sạch, rửa tay sạch thì việc vệ sinh đồ chơi, mặt phẳng rất quan trọng (sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn)
Trẻ bị bệnh nên được cách li tại nhà từ 7-10 ngày.
CẢNH BÁO
- Đa số các trường hợp tay chân miệng là lành tính, tự khỏi mà không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên 1 số ít trường hợp chuyển nặng rất nhanh.
- Hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ nổi mụn nước rất ít và khó thấy→ Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào khám họng → Đừng bỏ qua việc khám họng kỹ lưỡng nhằm phát hiện các vết trợt loét dù là rất nhỏ.
- Khi thấy con có những biểu hiện của tay chân miệng, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Ngoài các dấu hiệu bệnh nêu trên, trẻ cần được đánh giá kỹ về nhịp tim, nhịp thở, huyết áp..để xác định đúng phân độ, từ đó điều trị đúng phác đồ.
- Nhận biết sớm các dấu hiệu của con để đi khám kịp thời: trẻ bỏ ăn, chảy nước dãi, sốt cao, thậm chí nằm li bì, giật mình chới với→ THẬN TRỌNG
- Phát hiện sớm dấu “giật mình chới với” rất quan trọng (có tổn thương lên não)
- Điều quan trọng hơn CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ là tất cả phải cùng nhau PHÒNG NGỪA.
>> Ba mẹ cần tìm địa chỉ khám nhi tốt cho bé tại Đà Nẵng, có thể tham khảo Phòng khám đa khoa Pasteur với cam kết không lạm dụng kháng sinh nếu không thực sự cần thiết. Liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 để được đội ngũ Pasteur hỗ trợ tư vấn.
Bs LÊ THANH THÙY – Phòng khám đa khoa Pasteur