Táo bón là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở người cao tuổi. Ước tính, có khoảng 26-50% người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên mắc phải. Bệnh táo bón ở người già được xác định khi quá 3 ngày chưa đi đại tiện hoặc 1 tuần đi cầu dưới 3 lần, kèm theo các triệu chứng đau quặn bụng, phân rắn hoặc khô cứng, khó đi cầu. Ngoài ra, táo bón cũng được xác định khi người bệnh đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng đi không hết, phân cứng, lắt nhắt.
Một số nguyên nhân thường gặp làm tăng nguy cơ mắc táo bón ở người cao tuổi
Hệ tiêu hóa bị suy giảm do tuổi tác. Tuổi càng cao, quá trình lão hóa diễn ra càng mạnh mẽ, khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém. Lúc này, nhu động ruột giảm đi khiến cho phân di chuyển bên trong ruột diễn ra chậm, khi đến hậu môn phân thường khô cứng và khó đào thải ra ngoài. Từ đó, gây ra tình trạng táo bón phổ biến.
- Uống ít nước hoặc không đủ nước cũng khiến cho phân bị thiếu nước.
- Ở người cao tuổi, nguyên nhân gây táo bón chủ yếu đến từ chế độ ăn uống không khoa học như chế độ ăn uống quá ít nước, thiếu chất xơ trong bữa ăn.
- Lười vận động thể chất, ít đi lại
- Việc người già phải sử dụng nhiều thuốc cũng là nguyên nhân gây ra táo bón.
- Một số căn bệnh thường xảy ra ở người già cũng có thể khiến tình trạng táo bón xảy ra như tai biến mạch máu não, suy tuyến giáp và thậm chí là ung thư đại trực tràng.
- Một số loại thuốc có kèm tác dụng phụ gây ra táo bón như thuốc an thần, giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc dành cho người trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị đau dạ dày, thuốc ho có chứa codein
Táo bón có thể gây ra những biến chứng gì?
- Sự nêm chặt phân ở đại trực tràng do táo bón, khi đó người già phải rặn nhiều dẫn đến tim đập nhanh, người mệt mỏi, thậm chí là bất tỉnh hoặc đột tử do nhồi máu cơ tim.
- Tuổi cao sức yếu, khi người già khó đi cầu phải gắng sức nhiều nên có thể sẽ làm vỡ các phế nang.
- Khi người già bị táo bón không thể đi đại tiện được khiến phân có thể chèn lên bàng quang gây bí tiểu tiện dẫn tới thận ứ nước và lâu dài có thể biến chứng suy thận suy thận.
- Rặn nhiều lần có thể dẫn tới sa trực tràng, nguy cơ trĩ nội và trĩ ngoại (mỗi lần đi ngoài ra máu tươi trong hoặc sau khi đi ngoài), táo bón kinh niên có thể là nguy cơ đưa đến ung thư ruột già và trực tràng.
- Táo bón ở người già cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim.
Dự phòng táo bón ở người cao tuổi như thế nào?
- Tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng.
- Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau của quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu. Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột. Lượng nước uống có thể nhiều hơn bình thường một chút và không chờ có cảm giác khát mới uống do ở người cao tuổi, cảm giác khát có thể bị suy giảm.
- Tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe để tăng cường trương lực cơ bụng. Hàng ngày nên tập cơ bụng bằng cách xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột.
- Điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón như suy giáp. Chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản.
- Luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.
- Cuối cùng, có thể dùng các thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng. Cá biệt có trường hợp táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra tại khoa Tiêu hóa-gan mật.
Tham khảo: Wikipedia
#pasteurclinic
#taobon