Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu hay rối loạn mỡ máu, nghĩa là mức cholesterol và triglyceride bất thường. Mặc dù những chất béo này cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường, nhưng quá nhiều chất béo xấu hoặc không đủ chất béo tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ hoặc hẹp động mạch ở cánh tay hoặc cẳng chân.
Dấu hiệu rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một quá trình chuyển biến sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được. Do đó, tình trạng này hiếm có những triệu chứng đặc trưng. Phần lớn các biểu hiện lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối,… Ngoài ra, khi nồng độ triglyceride tăng quá cao trong máu, làm huyết tương đục như sữa và có thể gây viêm tụy cấp tính, ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, rối loạn lipid máu thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch – nội tiết – chuyển hóa.
Biểu hiện bên ngoài
- Cung giác mạc: Màu trắng nhạt, hình vòng tròn hoặc không hoàn toàn, định vị quanh mống mắt. Dấu hiệu này thường có giá trị đối với người dưới 50 tuổi.
- Ban vàng: Nằm ở mí mắt trên hoặc dưới, khu trú hoặc rải rác.
- U vàng gân: Nằm ở gân duỗi của các ngón, gân gót chân và vị trí các khớp đốt bàn ngón tay.
- U vàng dưới màng xương: Tìm thấy ở củ chày trước, trên đầu xương của mỏm khuỷu, ít gặp hơn u vàng gân.
- U vàng da: Nằm ở khuỷu hay đầu gối.
- Dạng ban vàng lòng bàn tay: Phân bố ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.
Biểu hiện trên nội tạng
- Xơ vữa động mạch: Đây là biểu hiện thường gặp nhất và cũng là biểu hiện đáng lo ngại nhất của tăng lipoprotein. Tình trạng này thường là không biết rối loạn lipid máu trước đó và có thể kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như thuốc lá, đái tháo đường. Tổn thương động mạch tại tim gây nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ, tại não gây nhồi máu não với biểu hiện nói đớ, yếu liệt tay chân,…
- Nhiễm lipid võng mạc: Thấy được khi soi đáy mắt, gặp trong tình huống triglycerides máu cao.
- Gan nhiễm mỡ: Từng vùng hoặc toàn bộ gan, phát hiện qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp, thường kèm tăng triglycerides máu.
- Viêm tụy cấp: Thường gặp khi triglycerides trên 10 gam/L, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, đôi khi kèm theo sốt.
Các xét nghiệm phát hiện phát hiện rối loạn lipid máu
Bước đầu tiên là làm xét nghiệm cholesterol, còn được gọi là bilan lipid. Xét nghiệm 4 loại chất béo trong máu bao gồm:
- Tổng cholesterol: Là tổng lương cholesterol có trong máu
- Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-c): Đôi khi được gọi là mỡ máu “tốt”, nó giúp mang đi mỡ máu “có hại” (LDL-c). Nó giữ cho lòng động mạch thông thoáng và máu chảy tự do hơn.
- Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-c): Đôi khi được gọi là mỡ “xấu”, quá nhiều mỡ trong máu sẽ gây ra sự tích tụ các mảng mỡ trong lòng động mạch (xơ vữa động mạch), làm giảm lưu lượng máu. Những mảng xơ vữa này đôi khi vỡ ra và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Triglycerides: Khi bạn ăn, cơ thể bạn sẽ chuyển đổi bất kỳ lượng calo nào không cần sử dụng ngay thành triglyceride, chúng được dự trữ trong các tế bào mỡ. Lượng triglyceride cao được thấy ở những người thừa cân, người tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt hoặc quá nhiều rượu và ở những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu tăng cao. Với mức độ tăng triglyceride rất cao có thể gây ra vấn đề với tuyến tụy.
Dựa vào kết quả xét nghiệm và tiền sử gia đình, bác sĩ sẽ trao đổi, tư vấn để giúp bệnh nhân quản lý yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu, chẳng hạn như:
- Tăng cholesterol
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Hút thuốc lá
- Thừa cân
- Lối sống tĩnh tại
Kế hoạch điều trị rối loạn lipid máu bao gồm việc thay đổi lối sống như: tham gia các lớp cai thuốc lá, các chương trình giảm cân hoặc giáo dục về bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, việc điều trị thuốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp mỡ máu tăng quá cao hay nguy cơ tim mạch cao, nhằm mục đích hạ thấp mức lipid.
Cùng nhau nỗ lực để ngừa các bệnh lý tim mạch đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên!
Nguồn: Mayo Clinic
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về sức khỏe hoặc phương pháp này, vui lòng liên hệ 𝟎𝟐𝟑𝟔 𝟗𝟗𝟗𝟗 𝟖𝟔𝟖 để được hỗ trợ nhanh nhất