Dậy thì sớm ở trẻ là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).
1. Dậy thì sớm là gì
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai). Các biểu hiện của dậy thì bao gồm: tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể. Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:
- Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormon kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.
- Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận ở trẻ trai, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormon nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.
Ngoài hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, hoặc mọc lông sinh dục sớm nhưng là sự khác biệt của bình thường chứ không phải bệnh lý.
2. Tại sao con tôi bị dậy thì sớm ?
– Đa số là vô căn, có thể do di truyền, hiếm gặp hơn là do u não (hay gặp hơn ở trẻ trai), các bất thường não bẩm sinh, tổn thương hệ thần kinh trung ương như chấn thương, nhiễm trùng. – Tại Hoa Kỳ hiện đang có sự gia tăng những bé dậy thì sớm của bình thường và bệnh dậy thì sớm, có thể liên quan đến sự gia tăng mức độ béo phì ở trẻ em, và đây là một lý do nữa để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho bé của bạn.
3. Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm
– Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ em của mình đang có dấu hiệu bệnh dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ NỘI TIẾT NHI, bác sĩ chuyên khoa sẽ:
+ Hỏi về các biểu hiện của trẻ và thăm khám tình trạng sức khỏe của trẻ
+ Đo chiều cao, cân nặng của trẻ
+ Có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như chụp X-quang xương cổ tay để kiểm tra sự phát triển của xương so với tuổi của trẻ; siêu âm buồng trứng và tử cung để kiểm tra sự phát triển so với độ tuổi.
- Các xét nghiệm hormon tĩnh và động để đánh giá mức độ bài tiết hormone LH của tuyến yên.
- Có thể cần thêm các hình ảnh X-quang hoặc MRI não để tìm nguyên nhân gây ra dậy thì sớm.
- Việc chọn lựa xét nghiệm sẽ do bác sĩ chuyên khoa quyết định sau khi thăm khám trẻ. Bạn nên đưa trẻ đến khám vào buổi sáng và trẻ có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện xét nghiệm.
4. Tại sao phải điều trị dậy thì sớm
Các em thiếu niên bắt đầu phát triển chiều cao sớm sẽ dừng lại cũng sớm hơn nếu không được điều trị. Ngay cả khi ban đầu cao hơn các bạn cùng lứa, nhưng sau này vẫn có thể trở thành người thấp nhất trong lớp. Việc điều trị giúp làm chậm quá trình dậy thì, giảm tốc độ tăng trưởng của xương, giúp cho trẻ có thêm thời gian để phát triển chiều cao khi trưởng thành.
Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi đã gần kết thúc giai đoạn dậy thì, việc điều trị để tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không hiệu quả. Trẻ gái mắc bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và trở nên buồn chán, đặc biệt khi chưa đủ lớn để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Họ cũng có thể bị trêu chọc hoặc bắt nạt ở trường vì khác biệt với bạn bè.
Việc điều trị sẽ giúp trì hoãn hoặc giảm sự phát triển thể chất, từ đó giảm bớt áp lực tâm lý cho trẻ.
5. Con tôi có phải điều trị không?
Từ kết quả khám và các xét nghiệm, bác sỹ chuyên khoa sẽ xem xét việc điều trị có mang lại lợi ích cho con bạn hay không để quyết định. Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho bé bao gồm:
- Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán;
- Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị
- Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
Nếu các bác sỹ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác sỹ chuyên khoa sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.
6. Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương là gì?
Để điều trị, chúng ta sử dụng thuốc đồng vận LHRH hoặc đồng vận GnRH (GnRHa). Thuốc này ảnh hưởng đến tuyến yên, ngắt tín hiệu từ não đến buồng trứng hoặc tinh hoàn, làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone sinh dục để làm chậm hoặc dừng bệnh dậy thì sớm. Thuốc thường được tiêm vào cơ (tiêm bắp sâu). Có hai loại tiêm: một mũi kéo dài 28 ngày hoặc một mũi kéo dài 3 tháng. Bác sĩ sẽ chọn loại thuốc phù hợp sau khi thảo luận kỹ lưỡng với gia đình về tình trạng sức khỏe của trẻ.
Trong khoảng 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, có thể xuất hiện một số triệu chứng như thay đổi tâm trạng, tăng kích thước vú và ra máu âm đạo nhẹ. Những triệu chứng này thường sẽ biến mất sau vài tuần. Trẻ sẽ được theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình điều trị. Điều trị đúng liều lượng và định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ rất quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả điều trị của trẻ.
Quá trình điều trị sẽ kết thúc khi trẻ đạt 10-11 tuổi, hoặc sớm hơn tùy vào từng trường hợp. Khi ngừng điều trị, cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất lại hormone sinh dục và quá trình dậy thì bình thường sẽ tái khởi đầu, kinh nguyệt sẽ bắt đầu hoặc quay trở lại sau 12-18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái, trẻ trai vẫn có khả năng sản xuất tinh trùng bình thường.
Nếu bạn muốn kiểm tra tình trạng dậy thì sớm của trẻ, hãy liên hệ Nhi khoa Pasteur qua Tổng đài 0236 9999 868 để được tư vấn chi tiết.