3 KIỂU BÀN CHÂN BẸT THƯỜNG GẶP

Bàn chân bẹt là tình trạng phổ biến, thường do di truyền và thường không gây đau. Trong một số trường hợp, bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng đến sự liên kết của cơ thể, có thể gây khó chịu ở đầu gối và mắt cá chân. Nếu bàn chân bẹt không gây đau thì không cần điều trị. Cùng Phòng khám đa khoa Pasteur tìm hiểu chi tiết về tình trạng bàn chân bẹt nhé!

1. Bàn chân bẹt là gì

Bàn chân bẹt hay còn gọi là bàn chân phẳng, là tình trạng một hoặc cả hai bàn chân có ít hoặc không có vòm chân, tức là không có hõm cong tự nhiên khi đứng trên mặt sàn, lòng bàn chân bằng phẳng.
Bàn chân bẹt là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi vì vòm bàn chân của trẻ ở giai đoạn này chưa phát triển. Vòm bàn chân phát triển trong suốt thời thơ ấu của hầu hết mọi người, tuy nhiên một số người sẽ không bao giờ phát triển vòm bàn chân.
Bàn chân bẹt cũng có thể phát triển ở tuổi trưởng thành. Một số người lớn có vòm bị sụp xuống,gọi là “Vòm rơi – fallen arches”, có thể do tuổi tác, hoặc do chấn thương.
3 KIỂU BÀN CHÂN BẸT THƯỜNG GẶP Ảnh minh họa

2. Các kiểu bàn chân bẹt 

· Bàn chân bẹt linh hoạt: Đây là tình trạng phổ biến nhất. Bạn có thể nhìn thấy các vòm cong ở bàn chân khi không đứng. Các vòm chân biến mất khi bạn dồn trọng lượng lên bàn chân.
Bàn chân bẹt linh hoạt xuất hiện từ lúc thuở thơ ấu hoặc những năm thiếu niên. Bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng đến cả hai bàn chân dẫn đến các vấn đề về xương khớp khác và tăng dần mức độ theo tuổi tác. Các chấn thương dây chằng ở vòm chân thường xuyên xảy ra tình trạng căng, rách và sưng viêm.
· Bàn chân bẹt cứng: Một người có bàn chân bẹt cứng sẽ không có vòm bất kể là họ có đặt trọng lực lên bàn chân (khi đứng) hay không (khi ngồi). Tình trạng này thường phát triển trong những năm thiếu niên và trở nên trầm trọng hơn theo tuổi tác. Những người mắc hội chứng này thường thấy đau khi phải di chuyển nhiều vì khó uốn cong bàn chân lên hoặc xuống hoặc di chuyển chúng sang bên. Bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng đến một chân hoặc cả hai.
· Bàn chân bẹt ở người lớn (vòm rơi): Với bàn chân bẹt do người lớn mắc phải (vòm rơi), vòm bàn chân bất ngờ bị sụp xuống hoặc xẹp xuống. Vòm chân sụp khiến bàn chân hướng ra ngoài và có thể gây đau. Vấn đề có thể chỉ ảnh hưởng đến một chân.
Nguyên nhân phổ biến nhất là viêm hoặc rách gân chân (gân chày sau) hỗ trợ vòm.
· Xương sên đứng dọc: Một trẻ bị dị tật bẩm sinh được gọi là xương sên đứng dọc ngăn cản hình thành vòm. Xương sên ở mắt cá chân nằm sai vị trí. Phần dưới của bàn chân giống như phần dưới của một chiếc ghế bập bênh.

3. Triệu chứng bàn chân bẹt

Hầu hết mọi người không có triệu chứng. Nhưng một số người có tật bàn chân bẹt bị đau, đặc biệt là ở vùng gót chân hoặc vòm. Cơn đau có thể nặng hơn khi hoạt động. Có thể sưng dọc theo bên trong mắt cá chân.
· Đau cơ (đau nhức) ở bàn chân hoặc chân
· Đau ở vòm, mắt cá chân, gót chân hoặc bên ngoài bàn chân.
· Đau khi đi bộ hoặc thay đổi dáng đi (dáng đi hình chữ V với khớp gối xoay trong, chụm vào nhau).
· Trượt ngón chân (phần trước của bàn chân và các ngón chân hướng ra ngoài).
· Chuột rút ở chân
3 kiểu bàn chân bẹt thường gặp

4. Hậu quả của bàn chân bẹt

Hầu hết những người có bàn chân bẹt đều được giảm triệu chứng bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Một số người không cần bất kỳ điều trị nào. Bàn chân bẹt có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề như:
· Viêm khớp: Khi vòm chân bị phẳng, người bệnh sẽ mất đi sự ổn định đáng kể và các khớp có xu hướng phải gánh chịu lực, dẫn đến các khớp làm việc quá nhiều, dễ bị viêm khớp vì sụn bảo vệ bị mòn và khiến các xương của bạn cọ xát vào nhau.
· Gai xương: Nếu bàn chân bị quay vào trong vì không có khung đỡ, nó sẽ làm căng quá mức màng gan chân và dẫn đến tích tụ calci và sự phát triển xương bất thường gọi là gai gót chân.
· Chai chân, biến dạng ngón chân cái (Bunion/ Hallux valgus): Giày được thiết kế để phù hợp với bàn chân với chiều cao vòm bình thường. Nếu bạn có bàn chân bẹt, khi bạn đi giày, chúng sẽ cọ xát vào những chỗ không phù hợp và dẫn đến hình thành những vết chai. Theo thời gian, bạn cũng có thể phát triển biến dạng ngón chân cái (bunion).
· Đau lưng dưới, đau hông hoặc đau đầu gối: Sự lệch trục cơ thể có thể gây tác động tiêu cực đến lưng, cong vẹo cột sống… gây đau hông, lưng
· Đau xương cẳng chân (Shin splints)

5. Chẩn đoán bàn chân bẹt

Bác sĩ chẩn đoán bàn chân bẹt dựa vào lâm sàng như các triệu chứng và đánh giá hình dáng khi bệnh nhân đứng, ngồi và đi lại và một số kỹ thuật đơn giản, tối ưu về mặt hình ảnh như phim X quang bàn chân tư thế đứng, giúp đánh giá được tổng quan hình dạng, cấu trúc xương và các khớp bàn ngón chân, cũng như xác định được góc vòm dọc tạo bởi xương bàn ngón 5 và xương gót.

6. Điều trị 

Nhiều người có bàn chân bẹt không gặp vấn đề gì đáng kể hoặc cần điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị không phẫu thuật nếu bệnh nhân bị đau chân, cứng khớp hoặc các vấn đề khác. Hiếm khi, người ta cần phẫu thuật để khắc phục bàn chân bẹt cứng nhắc hoặc các vấn đề về xương hoặc gân.
Điều trị bao gồm:
· Các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), nghỉ ngơi và chườm lạnh để làm giảm đau và giảm viêm.
· Vậy lý trị liệu giúp kéo căng và tăng cường gân và cơ bắp, cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động.
· Thiết bị hỗ trợ: dụng cụ chỉnh hình bàn chân, nẹp bàn chân hoặc cẳng chân và giày được làm theo yêu cầu.
Việc điều trị bàn chân bẹt ở trẻ em tùy thuộc vào độ tuổi:
· Trước 4 tuổi: không cần lo lắng, không cần điều trị
· Từ 4 đến 8 tuổi: dụng cụ chỉnh hình và vật lý trị liệu
· Sau 8 tuổi: dụng cụ chỉnh hình và có thể cần đến biện pháp cuối cùng là phẫu thuật. Lúc này hiệu quả tạo vòm bàn chân sẽ thấp hơn, trẻ phải mang đế chỉnh hình trong thời gian dài.