Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (GBS) là vi khuẩn trong âm đạo và trực tràng của phụ nữ. Đây không phải là tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục (STD). Đa số phụ nữ mang thai nhiễm GBS không có triệu chứng. Tuy nhiên vi khuẩn GBS có khả năng tổng hợp prostaglandin E2 tăng nguy cơ sảy thai, vỡ màng ối, sinh non…
Xét nghiệm sàng lọc cấy GBS lấy dịch âm đạo, nước tiểu hoặc lấy mẫu bằng que tăm bông ở trực tràng. Xét nghiệm GBS thường thực hiện vào tuần 35 đến tuần 37 của thai kỳ.
Ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B đến trẻ sơ sinh
Liên cầu khuẩn nhóm B thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi như: Dẫn tới chuyển dạ sinh non, vỡ màng ối non, viêm màng ối. Với thai phụ, GBS cũng có thể gây nhiễm trùng tiểu, viêm đài bể thận, viêm xương tủy, viêm nội mạc tử cung và viêm vú sau sinh.
Ở trẻ sơ sinh, liên cầu khuẩn nhóm B được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng. Nhóm vi khuẩn này có thể gây ra 2 bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ sơ sinh gồm:
- Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Xảy ra trong 7 ngày đầu sau sinh, thường trong vòng 24 – 48 giờ sau sinh. Triệu chứng khởi phát sớm ở trẻ gồm: Ngưng thở, lơ mơ, hạ huyết áp, suy hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao do viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
- Nhiễm trùng sơ sinh muộn: Xảy ra ở những trẻ từ 7 – 90 ngày tuổi. Vi khuẩn liên cầu nhóm B có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ hoặc tiếp xúc sau này, do sữa mẹ bị nhiễm GBS hoặc mẹ bị viêm tuyến vú do GBS. Thể bệnh thường gặp nhất khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B là viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị viêm màng não có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: Điếc, chậm phát triển trí tuệ, vận động và tâm thần,…
Vì sao phụ nữ mang thai cần xét nghiệm?
Phần lớn phụ nữ mang GBS nhưng không có triệu chứng, khi sinh qua đường âm đạo có thể lây truyền cho thai nhi. Khi bà mẹ nhiễm GBS, trẻ có thể tiếp xúc với GBS trong quá trình chuyển dạ do hít hay nuốt nước ối, dịch âm đạo. Hầu hết trẻ của bà mẹ nhiễm GBS không nhiễm bệnh, tuy nhiên cần lưu ý rằng khi trẻ nhiễm GBS có thể xuất hiện nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, di chứng thần kinh…thậm chí có thể tử vong. Do đó, cần đánh giá sản phụ có nhiễm GBS trước sinh hay không để điều trị kịp thời và theo dõi tăng cường để phát hiện sớm những nhiễm trùng sơ sinh ở trẻ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) phụ nữ mang thai cần xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B. Khi phát hiện nhiễm GBS, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm kháng sinh dự phòng đường tĩnh mạch. Kháng sinh dự phòng cũng được yêu cầu trong trường hợp sản phụ có ối vỡ, chuyển dạ trước 37 tuần hoặc tiền sử sinh con bị nhiễm trùng sơ sinh GBS. Điều trị kháng sinh dự phòng GBS trong chuyển dạ giảm tỷ lệ lây truyền dọc cho con rất thấp.
Tham khảo: Wikipedia
Khi có các dấu hiệu bất thường về Sản phụ khoa, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.